Luật sư Nguyễn Mạnh Tường - Những bút ký đặc sắc

Nguyễn Mạnh Tường - Thứ Ba, 20/02/2024 , 06:39 (GMT+7)

'Một cuộc hành trình' là cuốn sách hiếm hoi bằng tiếng Việt của luật sư Nguyễn Mạnh Tường, ghi lại một số bài phát biểu và bút ký của ông.

V. Người trí thức Việt Nam và cách mạng 

“Một cuộc hành trình” là cuốn sách hiếm hoi bằng tiếng Việt của luật sư Nguyễn Mạnh Tường ghi lại một số bài phát biểu và bút ký của ông từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến ngày trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội (10/10/1954)… Trong sách, luật sư Nguyễn Mạnh Tường bày tỏ quan điểm của người trí thức Việt Nam và cách mạng.

**

Lần này là lần đầu tiên mà ta cử hành lễ kỷ niệm Cách mạng tháng Mười trong hòa bình tại Thủ đô Hà Nội mới giải phóng. Trước đây khi tiếng súng của thực dân còn nổ trên đất nước, nhân dân mỗi năm, khai thác tận cùng tất cả khả năng trang nghiêm và huy hoàng có thể có được trong cái giản dị của kháng chiến, tổ chức cuộc kỷ niệm này trên các đồng ruộng, ở nơi rừng núi, trong các trường học, công xưởng, cơ quan, đơn vị quân đội. Những trái tim hồi hộp thông cảm cùng nhau trong một lý tưởng, một niềm thân ái chung đối với nhân dân Liên Xô vĩ đại, đối với Cách mạng tháng Mười mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại.

Ngày nay, tình nghĩa nồng nhiệt giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Liên Xô đã từ chiến khu lan tràn về Hà Nội. Sự đoàn kết giữa thôn quê và thành thị lại có một cơ hội nữa để phát huy. Toàn thể nhân dân ta hướng về Mạc-tư-khoa vui sướng chào mừng các thành công và thắng lợi của nước bạn vĩ đại đứng đầu trong công cuộc bảo vệ hòa bình và xây dựng hạnh phúc cho nhân loại. Trong nỗi hân hoan chung của toàn dân, người trí thức đặc biệt phấn khởi vì Cách mạng tháng Mười đã vạch cho họ một tiền đồ sáng tác vinh quang.

Ngày hôm qua, trong chế độ cũ, người trí thức chịu ảnh hưởng của một nền giáo dục tai hại, tự tách mình ra khỏi quần chúng. Kiêu hãnh được tiến tới một trình độ văn hóa cao, được rèn luyện nhiều về mặt tình cảm, họ xây dựng một nghệ thuật sống để hưởng an lạc, thưởng thức các giá trị tinh thần mà họ tin rằng cần thiết cho một đời thượng lưu. Họ khinh miệt lao động, họ quay lưng trước thực tế, họ khép cửa thư phòng để từ trên tháp ngà nhìn xuống nhân quần với con mắt bang quan. Nhưng giữa cái hạnh phúc mà họ tưởng là hoàn hảo, họ cảm thấy cái gì thiếu sót, họ thấy họ cô độc, họ hiểu rằng một đời sống duy kỷ, hiu quạnh, quả thực là bi đát, và không thỏa mãn được các nhu cầu của tâm hồn. Vừa vặn lúc đó, Cách mạng tháng Tám bùng nổ. Các làn sóng người liên tiếp tràn ngập Thủ đô dưới ngọn cờ đỏ sao vàng. Hình ảnh hùng hồn và vĩ đại của dân tộc xuất hiện, làm người trí thức say mê trong cảm tưởng tưng bừng. Tuy nhiên, trong tâm hồn của người ấy, còn tồn tại một nỗi phân vân: trong quần chúng sáng tác lịch sử, người trí thức có chỗ đứng không?

Nhưng người trí thức trung thực không lo ngại. Ngày hôm qua, trong hàng ngũ kháng chiến, ngày hôm nay trong hàng ngũ kiến quốc, quần chúng công nông luôn dành chỗ cho người trí thức. Ai ai cũng mong muốn người trí thức mang tâm lực, tài năng ra phục vụ nhân dân, xây dựng Tổ quốc. Đó là đường lối cách mạng mà Liên Xô qua cuộc Cách mạng tháng Mười vạch tỏ. Hôm nay đầy hứa hẹn. Ngày mai lại còn tươi tốt hơn nữa. Tình nghĩa trước đây thắt chặt công nông trí thức trong một nền sinh hoạt và số phận chung, bây giờ trong xã hội chủ nghĩa, có tác dụng đào tạo ra một con người mới, không thuộc mọt giai cấp nào nữa: đó là người lao động, lao động bằng chân tay hay bằng trí óc, nhiều khi lao động cả trí óc lẫn chân tay, người lao động coi lao động là một vinh dự và mang toàn tâm toàn ý ra phục vụ nhân dân. Trên con đường phục vụ này, nhân dân Liên Xô không phân biệt giữa các phương thức lao động, chỉ đo lường tinh thần và kết quả phục vụ thôi, và trọng đãi, kính mến tất cả các người lao động.

Tổng Bí thư Đỗ Mười chia buồn cùng gia quyến luật sư Nguyễn Mạnh Tường (1997).

Có triển vọng đứng trong hàng ngũ lao động để phục vụ nhân dân và kiến quốc, người trí thức lại có một triển vọng khác nữa, không kém phần quan trọng. Trước đây, chế độ cũ không đặt vấn đề phát triển khả năng cho ai cả. Đó là tùy tiện, tùy thích của mỗi người với các điều kiện văn hóa và tài chính của mình. Tình trạng đó diễn ra trong một xã hội không coi người là vốn quý giá nhất. Do đó, không được toàn thể giúp phương tiện, khuyến khích, vẽ đường lối, đặt kế hoạch, người trí thức đã xử [sử] dụng tự do, xây dựng bản thân một cách hỗn độn. Không phân biệt giữa cái hay và cái dở, cái chính và cái tà, người trí thức vất vưởng trên con đường tuyệt lộ, không tìm thấy lối thoát.

Trái lại, mục đích cuối cùng của cách mạng là con người. Vì vậy chỗ nào cách mạng thành công là trường học, cơ quan văn hóa, nẩy nở như hoa trong mùa xuân. Không còn gì kìm hãm hay hạn chế các nhu cầu chính đáng của tâm hồn cũng như của cơ thể. Con người được cởi mở, nâng đỡ, phát huy toàn năng. Ngày hôm qua, trong kháng chiến, mỗi đêm, ở nông thôn cũng như ở rừng núi, nhân dân hội họp, nhẩy múa, ca hát, tưng bừng. Mặc dầu các gian khổ, nguy nan muôn hình vạn thể, đời sống đượm mầu sắc thanh tươi sán lạn, quần chúng thông cảm trong một hào hứng chung; ai nấy cũng chỉ có một nguyện vọng: nâng cao trình độ tư tưởng, tích cực công tác, vui sống tập thể. Tất cả đức tính cao quý nhất của con người được vun trồng và khai hoa. Trong cuộc thi đua yêu nước đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong số các anh hùng toàn quốc có người quân đội, có người nông dân, có người công nhân, có người trí thức. Tất các tầng lớp nhân dân phát huy khả năng để đưa con người tới mức độ tốt đẹp nhất. Hôm qua trong kháng chiến còn làm được như vậy huống hồ hôm nay trong kiến quốc?

Cách mạng Việt Nam chủ trương như vậy đối với trí thức, vẫn đi đúng đường lối mà Cách mạng tháng Mười đã vạch. Vì thế cái gì mà chúng ta thấy biểu hiện hãy còn non yếu trên đất nước chúng ta, bên Trung Quốc, và đặc biệt là Liên Xô, diễn ra trên một quy mô rộng lớn và dưới các hình thức vĩ đại. Đại học đường Lô-mô-nô-xốp ở Mạc-tư-khoa, các thư viện, các bảo tàng, các nhà hát, các nhà văn hóa cung, các thanh niên cung, các câu lạc bộ trong mỗi công xưởng, mỗi công trường, nền giáo dục bách khoa, toàn là những công cụ lộng lẫy để khuyến khích, giúp người lao động, vô luận già trẻ, nam hay nữ, phát triển khả năng mọi mặt của mình. Mỗi khi một người lao động mở mang kiến thức, nâng cao trình độ văn hóa, rèn luyện tình cảm, phát huy sáng kiến, thưởng thức văn nghệ, sản xuất tích cực, yêu nước nồng nàn, bảo vệ Tổ quốc anh dũng, là Cách mạng đã thu được thêm một thắng lợi mới.

Bìa sách “Một cuộc hành trình”.

Người trí thức Việt Nam có hai thắc mắc quan trọng. Một mặt lo ngại mình không có chỗ đứng trong hàng ngũ nhân dân, mặt khác, e sợ không được phát triển khả năng của mình. Hai mối lo ngại này đều vô căn cứ. Cách mạng tháng Mười, Cách mạng Trung Quốc, Cách mạng Việt Nam đều tiến theo một phương hướng và mở trước người trí thức một chân trời mênh mông và huy hoàng. Dưới ánh sáng của Cách mạng, người trí thức cảm thấy mình phục sinh, chút [trút] hết nỗi đau khổ khi sống cô thân trích ảnh. Thông cảm với dân tộc, thông cảm với toàn thể nhân dân thế giới, người trí thức phấn khởi được mang tài đức ra phục vụ những giá trị mà nhân dân thiết tha đến nhất. Tìm được cho mình một đường tiến vẻ vang, xây dựng cho tâm hồn mình một niềm tin tưởng vững chắc thúc đẩy mình phấn đấu quyết liệt cho những lý tưởng cao siêu: độc lập dân tộc, hòa bình thế giới, hạnh phúc nhân loại, người trí thức thành thực và nồng nàn biết ơn Cách mạng tháng Mười và Liên Xô vĩ đại.

Được Hồ Chủ tịch và Chính phủ lãnh đạo, trước một tình thế phức tạp và những luồng tư tưởng thất vọng, bi quan, gây ra bởi đế quốc Mỹ, hiếu chiến Pháp và bè lũ tay sai của chúng, người trí thức Việt Nam chúng ta nhất định đứng dậy hưởng ứng lời kêu gọi của Tổ quốc, của toàn dân và cùng với quảng đại quần chúng, tích cực đóng vai trò của mình, lãnh trách nhiệm trước lịch sử, củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân chủ.

Ngày 13/6/1997, luật sư Nguyễn Mạnh Tường qua đời, hưởng thọ 89 tuổi. Tổng Bí thư Đỗ Mười đến viếng và ghi vào sổ tang:

“Vô cùng thương tiếc giáo sư - luật sư Nguyễn Mạnh Tường, một trí thức yêu nước đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và góp phần xây dựng nền giáo dục Việt Nam”.

Chào vĩnh biệt

Đỗ Mười”.

Trước đó, năm 1994, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã tới nhà riêng (34 Tăng Bạt Hổ - Q. Hai Bà Trưng – Hà Nội) thăm và hỏi chuyện GS.TS. luật sư Nguyễn Mạnh Tường.

Nguyễn Mạnh Tường
Tin khác
Đàn trâu của nhà thơ Phạm Đức
Đàn trâu của nhà thơ Phạm Đức

Thơ hay thường vận vào người. Chung cuộc, cho tới khi rũ áo ra đi, nhà Thơ Phạm Đức chỉ có một mình. Gia tài ông để lại là căn nhà bên mép sông Bùi còn chưa hết nợ, một tủ sách đồ sộ mấy trăm cuốn. Và đàn trâu…, gần hai trăm con.

Tác giả trẻ có một ‘dị bản’ được trao giải thưởng văn học
Tác giả trẻ có một ‘dị bản’ được trao giải thưởng văn học

Tác giả trẻ Nguyễn Đinh Khoa với truyện dài ‘Dị bản’ vừa được Hội Nhà văn TP.HCM trao giải thưởng văn học dành cho các cây bút dưới 40 tuổi.

‘Minh đạo sách’ trong ý thức sáng tạo của một người trẻ
‘Minh đạo sách’ trong ý thức sáng tạo của một người trẻ

‘Minh đạo sách’ là tác phẩm mới của nhà thơ Khúc Hồng Thiện, vừa được Nhà xuất bản Nghệ An ấn hành, mang nhiều suy tư về tinh thần văn hóa Việt.

‘Linh khí quốc gia’ góp một ý tưởng cho bài ca giữ nước
‘Linh khí quốc gia’ góp một ý tưởng cho bài ca giữ nước

‘Linh khí quốc gia’ là ý tưởng được đại tá Trần Thế Tuyển viết thành trường ca, nhằm kêu gọi hành động thiết thực cho những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.

Có 3 vua Quang Trung giả sang mừng thọ vua Càn Long 80 tuổi năm 1790?
Có 3 vua Quang Trung giả sang mừng thọ vua Càn Long 80 tuổi năm 1790?

Cuốn sách 'Danh nhân Phan Huy Ích (1751 – 1822)' do Nguyễn Tuấn Cường- Đỗ Thị Bích Tuyển (chủ biên) phát hiện thêm 2 vua Quang Trung giả trong chuyến mừng thọ vua Càn Long.

Nợ đời - tập truyện và ký gây nhiều suy nghĩ
Nợ đời - tập truyện và ký gây nhiều suy nghĩ

Trong cuốn 'Nợ đời' Lê Chín còn in những bài viết chân dung, ca ngợi những người tài, những người giàu nhiệt huyết mà tác giả ngưỡng mộ, quý mến.

Tác giả trẻ có tiểu thuyết lịch sử được xuất bản tại Ý
Tác giả trẻ có tiểu thuyết lịch sử được xuất bản tại Ý

Tác giả trẻ Võ Chí Nhất vừa có tiểu thuyết lịch sử ‘Hoàng cung’ được Nhà xuất bản Fiori D'asia Editrice dịch và in tại Ý, với nhan đề ‘Palazzo reale di Thang Long’.

Có một người tu hành như thế
Có một người tu hành như thế

Nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài: 'Có một người đã tu hành như thế và đã truyền cảm hứng sống tốt lành đến nhiều người'.

Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca
Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca

Lục bát thiền là nét đặc trưng cơ bản được tác giả Trần Lê Khánh chắt chiu thể hiện qua tập thơ ‘Đồng’ do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành.

Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh
Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh

Hai người họ Tô là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Tô Quyền và Nghệ sĩ Nhân dân Tô Lan Phương xuất hiện trong ‘Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh’.

Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?
Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?

Nhà văn Y Ban tiếp tục khẳng định một giọng nữ đặc sắc trong đời sống văn chương Việt Nam, bằng tập truyện ngắn có tên gọi ‘Trên đỉnh giời’.   

Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước
Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước

Cựu chiến binh Trần Trí Thông gửi gắm niềm riêng qua trường ca ‘Mặt trận gần phía trước’ phát hành đúng dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.