| Hotline: 0983.970.780

Thương hiệu cam Vinh ngày một lụi tàn

Thứ Năm 06/07/2023 , 22:13 (GMT+7)

Cam Vinh (Nghệ An) đã mất dần vị thế, hiện đang trên đà tuột dốc không phanh, lụi tàn. Đại biểu HĐND tỉnh này trăn trở truy trách nhiệm cơ quan chức năng.

Làm thế nào để ngăn đà suy thoái của cây cam Vinh là bài toán hóc búa của tỉnh Nghệ An suốt những năm qua. Ảnh: Việt Khánh.

Làm thế nào để ngăn đà suy thoái của cây cam Vinh là bài toán hóc búa của tỉnh Nghệ An suốt những năm qua. Ảnh: Việt Khánh.

Chiều 7/6, tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 nhiều ý kiến cử tri đã được gửi đến lãnh đạo Sở NN-PTNT, trong đó có nội dung liên quan đến thực trạng khốn khó của cây cam, một thương hiệu đang bị lụi tàn.

Ông Vi Văn Quý (Quỳ Hợp) khẳng định, nhắc đến thương hiệu cam Vinh là nhắc đến niềm tự hào của người trồng cam trên địa bàn Nghệ An, đặc biệt là tại “thủ phủ” cây trồng có múi huyện Quỳ Hợp. Cây cam có chỗ đứng vững chắc, dòng sản phẩm có nét đặc trưng riêng biệt, được thị trường trong, ngoài tỉnh và cả nước ngoài đón nhận.

Tuy nhiên đó là câu chuyện của quá khứ, theo đại biểu Vi Văn Quý cây cam đã mất dần vị thế, hiện đang trên đà tuột dốc không phanh. Từ cây trồng tiền tỷ, mang lại thu nhập cao ngất ngưởng cho nhà nông, nay bà con phải tự tay phá bỏ để chuyển sang các loại cây trồng mới để hạn chế tối đa rủi ro, thua lỗ. Đó là thực trạng đáng buồn.

Thương hiệu cam Vinh khó giữ nếu tình hình không sớm có chuyển biến. Ảnh: Quốc Toản.

Thương hiệu cam Vinh khó giữ nếu tình hình không sớm có chuyển biến. Ảnh: Quốc Toản.

Khẳng định công tác quy hoạch còn nhiều bất cập, vai trò quản lý nhà nước có phần vô trách nhiệm, kết hợp chất lượng cây giống chưa đảm bảo, dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp… đã đẩy nghề trồng cam đến bờ vực thẳm. Từ cơ sở thực tiễn, ông Vi Văn Quý đề nghị Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An Phùng Thành Vinh cho biết trách nhiệm gắn liền, đề nghị cho biết giải pháp trong thời gian tới?

Trả lời chất vấn, ông Phùng Thành Vinh lý giải: Cam Vinh trước đây đúng là một thương hiệu, có thời điểm 1ha cam đạt đến 1 tỷ đồng, chính vì mang lại lợi nhuận rất cao đã kéo theo tình trạng phát triển nóng, rầm rộ, không theo quy hoạch. Bây giờ vùng cam Phủ Quỳ với huyện Quỳ Hợp là trọng tâm đã dịch chuyển sang các huyện Anh Sơn, Thanh Chương, Yên Thành.

Lý giải nguyên nhân đẩy cây cam vào tình cảnh bi đát, Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An cho rằng: Toàn bộ vùng trồng không kiểm soát được nguồn giống đầu vào, không kiểm soát được quy trình sản xuất nên chỉ sau 2 kỳ sản xuất, kinh doanh xuất hiện và phát triển rầm rộ mầm bệnh.

Nhiều vùng trồng buộc phải chặt bỏ do dịch bệnh tràn lan. Ảnh: Việt Khánh.

Nhiều vùng trồng buộc phải chặt bỏ do dịch bệnh tràn lan. Ảnh: Việt Khánh.

Đề cập đến giải pháp, người đứng đầu ngành Nông nghiệp Nghệ An khẳng định những vùng bị nhiễm bệnh dứt khoát phải bỏ, thay thế bằng những cây trồng phù hợp để cải tạo, phục hồi đất và môi sinh: “Sở NN-PTNT đã trình UBND tỉnh chương trình phục hồi cây cam Vinh một cách bài bản. Riêng những diện tích cam có thể phục hồi sẽ áp dụng thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học để chăm sóc thật tốt, đồng thời chủ động kết nối thị trường, quyết giữ được thương hiệu cam Vinh”.

Cây cam trên đà lao dốc không phanh đã ảnh hưởng không nhỏ đến chủ trương phát triển cây trồng có múi của tỉnh Nghệ An. Ảnh: Quốc Toản.

Cây cam trên đà lao dốc không phanh đã ảnh hưởng không nhỏ đến chủ trương phát triển cây trồng có múi của tỉnh Nghệ An. Ảnh: Quốc Toản.

Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳ Hợp đã ban hành Nghị quyết “Phát triển cây ăn quả có múi giai đoạn 2021 - 2025 và những năm kế tiếp” hòng vực dậy 3.000ha cây ăn quả có múi, riêng diện tích trồng cam là 2.500ha. Dù thời gian vẫn còn nhưng chẳng ai đủ tự tin khẳng định Nghị quyết để đi đến cái đích như mong đợi, bởi lẽ tình hình lúc này quá cam go. Qua ghi nhận thực tế cho thấy, diện tích trồng cam toàn huyện chỉ còn lác đác vài chục ha, dự kiến hết năm nay thôi cây cam sẽ hoàn toàn sạch bóng nơi đây.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Quả thơm bên dòng Hương Giang

Thừa Thiên - Huế Ở vùng đất cố đô Huế có nhiều nơi trồng được thanh trà nhưng có lẽ ngon và nổi tiếng bậc nhất chỉ có thể ở Thủy Biều, một ngôi làng bên dòng sông Hương.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất