Có lẽ đây là một nghề độc nhất vô nhị ở nhà quê, phổ biến trong một thời gian ngắn vào những năm 70 của thế kỷ trước, giờ đã biến mất hoàn toàn, không để lại tăm dạng.
Quê tôi người ta gọi nôm na là “dận trai”. Dận ở đây là động từ, chỉ hành động dùng hai bàn chân thay nhau nhấn xuống một vật gì đó, thường phải là vật không làm chân bị đau, chẳng hạn dận đất nát cho thật nhuyễn để trình tường làm nhà. Người Ý vẫn còn nhiều lò làm rượu vang thủ công. Để làm nát quả nho trước khi ép lấy nước, thay vì nghiền bằng máy, thì người ta dùng chân của các cô gái để dận. Tương truyền loại rượu này thường có giá đặc biệt, bởi quá trình các cô gái dận nho, cũng đồng thời cấp cho rượu vang có thêm thứ hương vị từ… mồ hôi người và vì thế ngon hơn?
Đánh hai chữ dận trai vào mạng Google, được trả lời là không xác nhận. Nghĩa là cả trong đời sống lam lũ, trong ký ức đầy tính hoài cổ và trên không gian mạng lấy vũ trụ làm hạ tầng, công việc này đều không còn để lại dấu vết tí ti.
Thế mà ở quê tôi, suốt hàng chục năm, nó đã từng là một nghề.
Thường có hai loại trai sống trong ao đầm, là “trai sông” và “trai nhà”. Người ta gọi thế, thì cũng biết thế, chứ chả hiểu tại sao lại như vậy. Nhưng hai loại trai này khác nhau hoàn toàn về hình thể bề ngoài. (Có ý kiến rất có lý cho rằng trai sông di cư từ sông vào, qua những đận lụt, còn trai nhà là loài trai quen sống ở ao đầm từ thượng cổ!). Trai sông mỏng mình, to bản, có màu ngũ sắc óng ánh ngoài vỏ, có những diềm thừa ra ở xung quanh như lưỡi hái, rất sắc, có thể cứa chảy máu chân. Còn trai nhà cục mịch, dầy ùng ục, chỉ một màu đen nhạt. Trai sông tốt mã nhưng nhiều vỏ lép ruột, không phải ở ao đầm nào cũng có trong khi trai nhà thì béo núng nính, chỉ những thịt là thịt, bất cứ đâu có bùn, nước cũng là nơi sinh sống. Thời đói kém đặt miếng ăn cao bằng trời nên trai nhà được các bà nội trợ ưa chọn, đắt một tí cũng bõ. Còn thời nay một con trai sông không ruột, cỡ cái quạt nan, màu cầu vồng có thể đổi được cả xảo sề trai nhà.
Cả trai sông và trai nhà đều sống bình lặng dưới lớp bùn sâu. Với người thì mùi bùn rất nặng, nhưng với trai thì đó là cả một thế giới hương hoa. Muốn bắt chúng chỉ có hai cách: Chờ tát cạn ao đầm rồi moi chúng lên từ bùn, hoặc cách thứ hai chính là đi… dận. Ở nhà quê xưa, không phải cứ hứng lên là bắc gầu (ngày nay dùng máy bơm) để tát cạn ao. Chưa kể không ai cho phép làm, còn trong trường hợp vụng trộm chả may khiến việc tưới tiêu bị gián đoạn hợp tác xã phạt cho trắng mắt. Vì thế, muốn có những con trai như vừa kể, chỉ còn cách dùng chân dận.
Mặc cho nước mênh mông, có thể ngập đến ngang mũi (chỉ đừng ngập qua mũi), người dận trai cũng không thèm bận tâm. Đồ nghề của họ chỉ là một cái chậu để đựng, luôn nổi trên mặt nước, trừ khi đầy trai. Công cụ chính cho việc này là đôi bàn chân. Khi tin rằng khu vực ao đầm nào đó có trai, họ lội xuống và dùng chân dận sâu vào lớp bùn. Bàn chân nhấn thăm dò, trong khi trí não thì tập trung để nhận tín hiệu. Độ sâu ấy có thể tới nửa mét. Hai bàn chân của họ cứ lì lợm lấn vào lớp bùn. Trong bùn có đủ cả: Mảnh sành, gai góc, gạch vữa… nhưng cạnh của một con trai (chúng thường cắm thẳng đứng xuống bùn), thì vẫn không thể lẫn về cảm giác phát lên từ bàn chân. Bởi kinh nghiệm là thứ không thể dạy và học được, mà phải trải nghiệm. Vì thế mô tả lại cảm giác của việc bàn chân chạm vào con trai là vô cùng khó. Nhưng khi đã chạm, đã nhận được tín hiệu gặp con mồi thì bàn chân như có mắt, có tay, nhanh chóng đưa ra ước lượng về kích cỡ và ngay lập tức não bộ lên cơn hưng phấn. Nó giống hệt với cảm giác của người đi săn bắn trúng con thịt và biết chắc nó sẽ nằm trên vai mình khi trở về, trong sự hân hoan của dân làng và cơn reo múa của con tì con vị.
Một trăm phần trăm không có nhầm lẫn, thế mới là cả một sự bí ẩn của lao động.
Nhưng sự bí ẩn lớn nhất sắp sửa được nói tới.
Chưa cần phải ngụp sâu xuống moi con trai lên, người ta đã biết nó là trai nhà hay trai sông. Nhưng dù là loại nào thì cũng đáng để coi là thành quả. Những con trai to bằng cả cái quạt nan (thường là trai sông mới có kích cỡ lớn, giờ gần như biến mất khỏi thế gian nhà quê), sau khi chần nước sôi sẽ tách vỏ lấy ra miếng thịt trắng trong, mềm, rất nhiều nước bao quanh để giữ cho lưỡi trai linh hoạt vì thế thực sự nó là loại rất bổ béo và gây khoái khẩu.
Nhưng dù bổ béo, quý báu đến đâu thì cũng chả là gì so với cái vỏ sẽ bị vứt xuống hố rác! Ấy là ngày nay nghĩ lại mới thấy như vậy. Chứ hồi đó thì nó đích thị là rác! Sao cuộc đời lại có lúc nên nông nỗi bi hài ấy. Giờ đây đành chỉ biết ngồi mà tiếc và nhân thể thương cho một thời.
Người viết bài này vẫn còn có cảm giác mình đánh mất cả một kho báu vật, khi nhớ lại thỉnh thoảng trong lúc thái nhỏ thịt trai, lưỡi dao của mẹ chạm phải vật rắn như đá và vừa cằn nhằn, mẹ vừa lọc ngay ra một viên mà ngày ấy mẹ gọi là sỏi, xuýt xoa mừng vì chưa bị mẻ lưỡi dao. Mẹ gạt cái “của nợ” ấy sang một bên để lát sau gộp vào cùng với những thứ nội tạng bỏ đi, vứt cả xuống ao cho cá. Trước lúc ăn mẹ còn dặn thêm: Cẩn thận nhé, vừa nhai vừa nghe nếu chả may cắn phải sỏi thì nhớ nhè ra kẻo mẻ răng thì khốn.
Không dưới vài lần chúng tôi nhè ra những viên “sỏi” như vậy, cầm trên tay thả xuống chiếc mâm đồng kêu đánh coong, trong nỗi sợ tái mặt của mẹ.
Giờ đây thì tôi biết thứ mẹ gọi là sỏi ấy, đích thị là những viên ngọc trai tự nhiên quý giá, bằng cả một tài sản lớn của nông dân. Đời người nào may mắn lắm, có số đài các lắm, mới được thấy và sờ một lần.