Tản văn Tạ Duy Anh: Trâu chọi nhau

Tạ Duy Anh - Thứ Tư, 21/12/2022 , 06:15 (GMT+7)

Về nguyên tắc là không có hòa. Cuộc đấu chỉ dừng lại khi kẻ mạnh cảm thấy thỏa mãn với chiến thắng, đối thủ gục ngã, hoặc chính nó hoàn toàn kiệt sức.

Trâu chọi.

Trâu chọi nhau, khác với chọi trâu, khác rất xa. Một đằng là phản ứng bản năng tự nhiên: Tranh giành lãnh thổ và bạn tình, mỗi con trâu đực là một chiến binh, một hiệp sĩ. Còn một đằng là trò chơi ác của con người, chỉ để mua vui, biến những con trâu thành cỗ máy tàn sát thuần túy!

Trâu hay chọi nhau nhất là vào sau mỗi vụ gặt. Khi đó, thời hợp tác xã tập thể, toàn bộ những cánh đồng hút tầm mắt, trơ ra chân rạ cùng với những bờ cỏ xanh um đều bỏ hoang cho đến khi chúng bị cày lật tung lên để chuẩn bị cấy trồng vụ sau. Thời gian đó khoảng chừng hai tháng. Chúng tôi có thể thả trâu rồi chui vào đâu đó nằm ngủ, chờ tối chúng tự tìm về chuồng. Mùa nông nhàn, cỏ lại tốt, nên con trâu nào cũng béo mọng, da bóng lên vì có lớp mỡ bên dưới.

Đó cũng là mùa yêu đương của đám trâu cái với những con trâu đực hiếm hoi (gọi là trâu cà, vì còn nguyên bộ cà). Những con trâu cà này, hầu như mỗi làng chỉ có một, được nuôi để lấy giống nên chúng rất khỏe và kiêu ngạo. Không con trâu đực đã bị thiến nào dám nghênh ngang đi qua mặt nó hoặc lởn vởn bên đám trâu cái (dù hoàn toàn vô hại). Bởi vì hành động đó ngang nhau với việc tự sát! Con trâu cà lập tức cho thấy quyền uy không thể san sẻ của nó bằng những cú ra đòn kinh hãi mà nhiều con trâu thiến chỉ dính đúng một phát là bại liệt cả đời.

Vì thế vào mùa đó, việc thường xảy ra nhất là những cuộc chọi nhau giữa hai con trâu cà (thường là của hai làng) vô tình gặp nhau. Chưa bao giờ hai con trâu cà gặp nhau mà lại không xảy ra chiến tranh. Chiến trường ở đây là bất cứ nơi nào hai con vật chạm trán. Vì thế nó có thể trên gò cao, giữa đường cái quan hay dưới đầm nước sâu. Lý tưởng nhất là trên những đám ruộng mới gặt, đất mềm nhưng không quá dính, lại rộng rãi để chúng tung mọi ngón đòn.

Chúng luôn nhận ra đối thủ từ rất xa, thậm chí tới hàng cây số, có thể do mùi đặc biệt của cơ thể chúng. Ngay lập tức chúng hếch mõm lên đánh hơi và mỗi bên đều tuyệt đối giữ chặt lấy những con trâu cái của mình bằng thái độ đe nẹt công khai. Khi đó mắt con trâu cà giống như hai hòn than đỏ ối. Càng đến gần nhau, toàn thân chúng càng co giật mạnh. Những múi thịt nổi cuộn lên dưới lớp da căng mọng. Bốn chân nó liên tục cào xuống đất, trong khi đầu lúc lắc liên hồi. Sau khi phát tín hiệu đe dọa và nếu nhận tín hiệu của đối phương thông báo “của ai người ấy dùng”, mỗi con trâu cà sẽ quay về với bọn trâu cái để tận hưởng những gì trời đất ban riêng cho nó. Nhưng cũng có hôm, và thường sẽ tạo ra một ngày đặc biệt trong cuộc đời mỗi đứa trẻ trâu, sau khi lồng lộn chạy quanh đàn trâu cái, con trâu cà bất ngờ lao thục mạng về hướng có đối thủ mà nó đánh hơi. Có vẻ như thông điệp mà mỗi bên nhận được không thỏa mãn nhau nên chỉ còn cách phải chiến tranh thôi.

Từ hướng đối thủ, mục tiêu cũng nhanh chóng hiện ra, sừng sững, oai hùng đến kiêu ngạo, cho thấy không bên nào nhường bên nào. Hai con vật nhanh chóng thu hẹp khoảng cách và khai hỏa bằng cú chạm sừng tóe lửa, mạnh đến nỗi con nào yếu hơn có thể ngã gục ngay tại chỗ.

Nhưng hầu như rất ít khi xảy ra điều đó.

Lao thẳng vào nhau, chấp nhận lâm chiến, mỗi con đã lường được sức mình và đối thủ. Chúng chỉ hung tợn khi ngang sức ngang tài.

Nếu một trong hai con không bị nốc-ao, cuộc chọi trâu thật sự bắt đầu.

Từ đây, không ai và không có cách gì ngăn cản được chúng nữa. Trong chớp mắt cả đám ruộng hàng ngàn mét vuông dưới đất bị nát nhừ. Hai con vật gồng mình lên rồi liên tiếp ra đòn về phía đối phương. Máu chảy ướt đẫm cổ chúng, ướt đẫm cả những vạt đất vừa bị lật tung lên. Ngửi thấy mùi máu và cảm nhận vết thương do đối phương gây ra, mỗi con vật càng hăng tiết, càng quyết đấu với mục đích phải giết chết được kẻ thù. Tiếng sừng va vào nhau có thể vang xa hàng km nếu xuôi theo chiều gió. Không loài vật nào có mặt, từ đám trẻ trâu, những người lớn hiếu kỳ, đến lũ ngỗng hay đám chèo bẻo chanh chua… đủ tâm trí để làm việc khác. Tất cả đều lặng phắc hồi hộp theo dõi cuộc thư hùng. Những đứa trẻ khôn ngoan thì tìm cách trèo trước lên những cây phi lao, phòng con vật thắng trận đuổi kẻ thua trận và lao vào người.

Cuộc chiến có thể kéo dài hàng giờ đồng hồ, thậm chí kéo dài từ sáng đến trưa, thông sang chiều. Chiến trường của hai kẻ địch thủ có thể di chuyển từ cánh đồng này sang cánh đồng khác, kéo theo những vệt đất bị hất tung lên. Thậm chí chúng lôi nhau xuống đầm lầy, bùn ngập tới bụng. Nếu muốn can chúng thì chỉ còn cách dùng thang, cành tre, mồi lửa ném vào giữa chúng. Nhưng nhiều phen các biện pháp ấy chỉ khiến chúng dừng lại đôi chút, để sau đó lại hăng tiết hơn.

Về nguyên tắc là không có hòa. Phải một kẻ chịu thua thì mới mong dừng trận chiến. Cuối cùng kẻ yếu hơn, nếu chưa mù mắt, kiệt sức, thì phải nhanh chóng tính đường bỏ chạy. Nhưng liệu nó có đủ sức chạy được không và chạy đi đâu? Khi kẻ mạnh hơn cũng kiệt sức, nó dễ dàng chấp nhận để đối phương đầu hàng. Nhưng trong trường hợp kẻ mạnh hơn còn sung sức, nó sẽ tiếp tục truy sát tên tình địch hỗn láo nó từ làng này sang làng khác, bất chấp nhiều vật chướng ngại được quăng ra với thiện ý can ngăn. Nó cán lên tất tật để bám bằng được địch thủ đã hạ cờ, với ý định phải móc cho hắn thủng ruột, vĩnh viễn loại hắn khỏi những cuộc tranh chấp tiềm tàng.

Cuộc đấu chỉ dừng lại khi kẻ mạnh cảm thấy thỏa mãn với chiến thắng, đối thủ gục ngã, hoặc chính nó hoàn toàn kiệt sức.

Những trận chọi trâu luôn là những kỷ niệm đáng nhớ nhất thời bé con của chúng tôi. Và nếu bạn đã từng xem một vài trận trâu chọi nhau như tôi hồi nhỏ, thì không bao giờ bạn có hứng xem chọi trâu trong đấu trường.

Tạ Duy Anh
Tin khác
Mạch nha Thi Phổ
Mạch nha Thi Phổ

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ được chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh, mà còn liên tục tái bản với số lượng lớn để phục vụ độc giả.

Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư
Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Trong 'Quốc văn trích diễm', giáo sư Dương Quảng Hàm trích bài thơ 'Bán than' và cho là của Trần Khánh Dư. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả là người khác.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh, được hậu sinh kỷ niệm 10 năm ông đi xa, bằng một hội thảo tổ chức tại TP.HCM sáng 6/12.

Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm
Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Trên bia đá đền thờ tổ nghề chạm bạc Đồng Xâm có tuổi đời gần 600 năm ghi dấu ấn tinh hoa làng nghề và những điều răn dạy con cháu giữ nghiêm phép nghề.

'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc
'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc

Nội dung của 'Hưng Hóa kí lược' có 12 đề mục, bao gồm đầy đủ nội dung truyền thống của một cuốn địa chí.

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn với chùm thơ về vẻ đẹp đô thị năng động và bao dung, đã được trao giải nhất cuộc thi thơ ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’ năm 2024.

Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh
Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh

Nhà thơ xứ Nghệ Trần Quang Khánh chắt chiu cảm xúc những ngày quân ngũ và những năm dạy học để gửi gắm vào vần điệu chân thành và sâu lắng.

Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái
Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái

Vẻ đẹp núi rừng ở miền tây xứ Nghệ được tác giả Hữu Vi phác họa sinh động và quyến rũ qua tập truyện ngắn ‘Cái chết của bầy ong’.

Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm
Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm

Nhà văn Sơn Nam đã được nhiều tác giả tập trung nghiên cứu, và chuyên luận ‘Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam’ chứng minh rằng ông có thêm một khách tri âm nữa.

Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia
Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia

Học giả Nguyễn Đình Tư ở tuổi 104 được trao giải A của Giải thưởng sách quốc gia 2024 với công trình nghiên cứu về lịch sử đô thị phương Nam.

Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.