Vật vã sống

. - Thứ Hai, 13/06/2022 , 06:18 (GMT+7)

Nhà văn Tạ Duy Anh: Trong nhà, tôi là người còi cọc nhất. Cả bố và mẹ tôi đều không giấu được nỗi phiền muộn, mỗi khi nhìn tôi làm việc gì đó.

Vì thế hai cụ quyết định “nhìn xa trông rộng” âm thầm tính trước cho tôi con đường sống sau này.

Nhưng tôi có thể làm gì? Nghĩ nát nước, cuối cùng một hôm bố tôi, vẻ mặt vô cùng nghiêm trang và trịnh trọng, gọi riêng tôi vào chỗ ông vẫn thường ngồi suy ngẫm việc đời (tức là những việc lớn) và lần đầu tiên ông gia ân cho tôi bằng một câu nhẹ nhàng nhưng lại khiến tôi sợ rụt cổ lại:

- Anh ngồi xuống đây, tôi có việc này muốn nói.

Minh họa: Nguyễn Mạnh Hùng.

Minh họa: Nguyễn Mạnh Hùng.

Hóa ra ông muốn tôi theo nghề quấn đài bán dẫn, lúc đó là nghề thời thượng. Nhà nào có cái đài loa, thu bằng giây thép căng bên ngoài, kể như được coi là nhà giàu có, văn minh. Trước hết có thể độc quyền kể lại những chuyện nghe trên đài cho người khác để thấy họ há hốc mồm ra mà thán phục. Vì thế những ông thợ quấn đài thường tự cho mình quyền khệnh khạng y như những ông thợ làm cối xay lúa thời đó được gọi chung là những ông Phó. Tóm lại, trong mắt bố tôi, quấn đài là một nghề có tương lai. Vì thế ông nhất định phải cho tôi đi học, thành thạo nghề từ bé.

Người sẽ dạy tôi là chú Hà, lành nghề quấn đài ở làng Bài Trượng. Khi gặp nhau, thấy tôi bé tí thì chẳng mấy tin tưởng, nhưng vẫn cứ vui vẻ nhận. Vì còn bé, nên theo chú, tôi còn sống lâu vì vậy chẳng đi đâu mà phải vội. Vả lại nghề nào chả phải có thời gian nhập môn. Hẵng hầu hạ sư phụ chán đi đã, thay cho lễ bái thầy. Vì thế, sau vài tuần, ngay cả dùi lỗ trên tấm gỗ thông để luồn dây tôi vẫn chưa được làm, nhưng quét nhà, nấu cơm, dọn đồ nghề, rửa ấm chén và băm bèo nấu cám lợn thì lại thành thạo thêm một cấp. Có lẽ con lợn nhà chú Hà sẽ mong tôi học nghề đến già ở nhà chú! Xem ra vấn đề không đơn giản như bố tôi nghĩ, nên sau vài tháng, ông bèn xin cho tôi bỏ nghề.

Nhưng hy vọng của ông về tôi vẫn còn đủ mạnh để ông lao tâm khổ tứ tìm cho ra cái nghề hợp với tôi. Thế nào tôi cũng phải có cái gì đó trội hơn các anh chị em, để bù lại thiệt thòi có thân hình còi cọc. Vì thế, sau khi bảo tôi xếp xó đồ nghề quấn đài, bố lại lặn lội đưa tôi đi học cách làm miến dong ở gia đình người quen ở làng ven sông Đáy. Nghề làm miến vốn của dân làng Mai bên Thanh Oai, sau lan sang xã tôi.

Bạn của bố, tên là Duyệt, qua cách nói năng thì thấy có vẻ ăn nên làm ra nhờ nghề làm miến, mà theo ông, chỉ việc ép ra tiền! Nghe vậy bố tôi sốt ruột lắm, cuống hết cả lên. Bố bèn làm thân với chú Duyệt để mong ông truyền nghề cho tôi. Bố cho tôi đi đến tận nơi xem xét. Cơ sở chế biến của chú Duyệt bẩn y như cái chuồng trâu nhà tôi. Đồ nghề đều đen đúa, hôi hám trong khi ruồi nhiều đến mức chỉ cần quơ tay là bắt được hàng vốc.

Khi bố và tôi lọc cọc đạp xe đến, đã thấy có khoảng ba bốn ông lực điền, to gấp ba lần tôi, đang nhổm đít lên để guồng máy xát bột, cơ bắp nổi cuồn cuộn, thân bóng nhẫy vì mồ hôi. Họ thở phì phò nhìn tôi bằng cặp mắt lờ đờ của người sắp chết. Nếu vào học thì ngày ngày tôi cũng phải làm như họ. Bố biết ngay là tôi không thể kham nổi nên tính bài chuồn. Tuy thế ông có vẻ rất bực mình vì cái sự còi cọc của tôi. “Biết tìm cho mày nghề gì bây giờ?” - ông cứ luôn cáu bẳn nói như vậy

May sao đúng lúc ấy cậu ruột tôi, sau bao nhiêu năm phiêu bạt tưởng mất tích, lù lù xuất hiện với phong thái của người giàu có lắm. Cậu đạp một “con” Fa-vô-rít mới coong, da dẻ hồng hào, nói năng đúng thứ giọng của người mạnh về tiền. Hóa ra cậu lấy vợ lần thứ hai ở Thường Tín và theo nghề làm kẹo của nhà vợ. Mợ sau của tôi vốn là người tháo vát, giỏi giang và có máu liều. Làm kẹo chỉ là một phần, nghề chính của cậu mợ là đầu cơ, buôn đi bán lại những thứ hiếm hoi cấm vận chuyển hồi đó như mật, đường, lạc, mạch nha…

Khi thị trường quen thuộc có dấu hiệu khó khăn, cậu quyết định mở rộng đến những vùng xa hơn. Thế là cậu tìm về nhà tôi. Nghe cậu nói thì tôi có cảm tưởng không thứ nghề nào trên đời kiếm tiền dễ hơn nấu kẹo. Bố tôi mê tơi cả lên khi cậu bảo, chỉ cần kéo thỏi kẹo quá tay là có cốc bia uống. Mà kéo đến đâu là do mình. Sao trên đời lại có thứ nghề ngon ăn đến thế mà bố không biết.

Thế là nghỉ hè tôi ra ở nhà cậu, vừa bế em bé 3 tháng tuổi vừa quản em lớn 4 tuổi, được cậu mợ coi như công chúa, hoàng tử, nghĩa là đòi gì lập tức phải chiều ngay. Chả hiểu sao tôi lại có duyên với nghề làm “vú em”. Hôm nào tôi cũng bắt chước mẹ, hát những bài hát ru để ru em bé nhưng bao giờ em lớn cũng dỏng tai nghe rồi ngủ trước.

Tranh thủ thời gian tôi xuống bếp xem mọi người làm kẹo. Kẹo lạc thanh, kẹo dồi chó, kẹo vừng… mỗi loại đòi hỏi một công nghệ, một kinh nghiệm, một bí quyết nhà nghề riêng… Tôi xem, nghe cậu mợ giảng giải nhưng chẳng nhập tâm được bất cứ điều gì. Đương nhiên còn lâu tôi mới được pha chế. Thỉnh thoảng lắm cậu mới cho tôi “vật kẹo” (hay có nơi gọi là đánh kẹo). Từ một khối đường nung chảy, màu hổ phách, sau khi “vật” một hồi thì trở nên trắng tinh trắng nõn. Nhưng hễ cứ lần nào tôi “vật kẹo” là y như hôm ấy khách hàng chê kẹo không được trắng, nhiều nơi trả lại không lấy.

Quá thất vọng với tôi, cậu cho tôi đi chơi hàng xóm mỗi khi các em ngủ. Tôi cùng bọn trẻ theo những người thiến gà, hoạn lợn thuê, xem họ làm và học lỏm. Suốt cả ba tháng trời như vậy, cuối cùng tôi cũng kịp thuộc được vài ngón nghề, nhưng nghề mà bố tôi hy vọng, cũng là để tôi có thể kiếm sống, thì không.

Con đường vật vã kiếm sống của tôi hóa ra còn nguyên ở phía trước.

Tạ Duy Anh

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt là chuyên mục mới trên báo Nông nghiệp Việt Nam, được đặt theo tên một cuốn sách của Giáo sư Cao Xuân Hạo, nhà ngữ học và là một trí thức tinh hoa của đất nước.

Tên chuyên mục cũng nói hộ sự kỳ vọng kiến tạo và chấn hưng những giá trị đang bị xô lệch bởi cơn bão thời đại vốn lẫn nhiều gió độc. Ở đây, các nhà nghiên cứu và người Việt nói chung quan tâm đến văn hóa dân tộc sẽ góp tiếng nói sâu sắc, chính trực trong một khát vọng chung nhằm góp phần xây dựng những nền tảng quan yếu cho một xã hội tốt đẹp trong hiện tại và cho tương lai.

Rất mong nhận được sự ủng hộ, chia sẻ và cộng tác của những bậc thức giả cùng bạn đọc yêu mến!

Bài viết cho chuyên mục xin được gửi về Báo Nông nghiệp Việt Nam, 14 Ngô Quyền, Hà Nội. Email: baonnvnts@gmail.com.

Hoặc liên hệ người phụ trách chuyên mục: Ông Tô Đức Huy, Trưởng ban Thư ký Tòa soạn; Điện thoại: 0913.378.918; Email: toduchuy75@gmail.com.

NNVN

 
.
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.

Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết
Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết

Đại tá Nguyễn Văn Hồng sau 30 năm cầm súng lại có tiếp 30 năm cầm bút, đó là nội dung tọa đàm văn chương diễn ra sáng 12/4 tại TP.HCM.

Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác
Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác

Hát trống quân Đức Bác là sự kết hợp giữa lời hát và nhịp điệu, cùng với những khúc hát sôi động xoay quanh các chàng trai Đức Bác và cô đào Phù Ninh.

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ
Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ3

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng thường được nhiều người biết đến với tư cách một nhà khoa học nông nghiệp, nhưng ít ai biết ông từng có thơ được in từ thời sinh viên.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rời khỏi dương gian 23 năm, nhưng di sản nghệ thuật của ông vẫn không ngừng lôi cuốn công chúng, trong đó có những đoản văn tự tình.

Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’
Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’

Việc ứng xử như sách đã chép ít nhiều thể hiện sự tôn trọng đáng kể, dù 'Thư thất điều' đã khiến vua Khải Định bẽ mặt với quốc dân đồng bào ở trong và ngoài nước lúc đó.

Hà Giang hút khách
Hà Giang hút khách

Thị trấn Đồng Văn giờ khác lắm. Cầu trời, năm mười năm nữa, Đồng Văn sẽ không theo bước Tam Đảo, Sa Pa, nhà tầng chất ngất cướp mất dáng núi, thung mây...

Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh
Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh

Trong bài văn tế Phan Châu Trinh, Sào Nam Phan Bội Châu đánh giá 'Thư thất điều đón giá như Tây, uy sấm chớp chẳng kinh cùng chẳng hãi'.

Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?
Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?

Hãy phóng to bức hình này lên, sẽ thấy hai cái tên khác nhau: Bên này là đền “Cửa Đặt”, bên kia là chùa “Cửa Đạt”. Đặt và Đạt, có liên hệ/liên quan gì không?

Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'
Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'1

Một người dạy tiếng Việt ở Mỹ, giáo sư Andrea Hoa Pham cho rằng, ngôn ngữ luôn luôn biến đổi, dù muốn hay không cũng không ngăn được thực tế ấy.

Cảm nhận một người trẻ tuổi về kháng chiến qua phim Đào, phở và piano
Cảm nhận một người trẻ tuổi về kháng chiến qua phim Đào, phở và piano

Bộ phim đã khiến tôi tò mò và tôi đã tìm hiểu rộng hơn lịch sử đất nước và tinh thần chiến đấu của chiến sĩ, nhân dân ta trong kháng chiến.