Xuất khẩu gạo Việt Nam có thể đạt mốc 5 tỷ USD

Sơn Trang - Thứ Tư, 28/08/2024 , 13:45 (GMT+7)

Xuất khẩu gạo Việt Nam đã đạt hơn 3,3 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm và nhiều khả năng sẽ lần đầu tiên chạm mốc 5 tỷ USD trong năm nay.

Thu hoạch lúa hè thu ở Long An. Ảnh: Sơn Trang.

Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 7, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 751 nghìn tấn, trị giá 452 triệu USD, tăng 46,3% về lượng và 39,7% về trị giá so với thág 6/2024. Như vậy, sau khi liên tiếp giảm trong 3 tháng của quý II (giảm so với tháng trước đó), xuất khẩu gạo trong tháng 7 đã tăng trở lại.

Không chỉ tăng so với tháng trước đó, xuất khẩu gạo trong tháng 7 còn tăng so với tháng 7/2023, với mức tăng 13,9% về lượng và 24,8% về trị giá. Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo tăng 8,3% về lượng và tăng 27,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023, đạt 5,3 triệu tấn, trị giá 3,34 tỷ USD.

Theo nhận định của một số thương nhân ngành gạo, xuất khẩu gạo dự kiến tiếp tục thuận lợi trong những tháng cuối năm và kỳ vọng sẽ có thể mang về kim ngạch kỷ lục khoảng 5 tỷ USD trong năm nay.

Trước hết, nhu cầu nhập khẩu gạo của nhiều thị trường lớn, truyền thống của Việt Nam, như Philippines, Indonesia… vẫn ở mức cao trong thời gian tới.

Mới đây, Cơ quan Hậu cần quốc gia (Bulog) của Indonesia đã phát hành thư mời tham dự đấu thấu quốc tế 350 nghìn tấn gạo mà Indonesia muốn nhập khẩu. Bulog đang tìm kiếm gạo từ Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Campuchia và Pakistan cho đợt mở thầu này. Trước đó chưa lâu, vào tháng 7/2024, Bulog đã mở thầu mua  320 nghìn tấn gạo 5% tấm, trong đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã trúng thầu 185 nghìn tấn.

Việc Bulog liên tục mở thầu cho thấy nhu cầu nhập khẩu gạo của Indonesia đang cao. Indonesia có thể nhập khẩu đến 4,3 triệu tấn gạo trong năm nay, thay vì 3,6 triệu tấn như dự kiến báo hồi đầu năm 2024. Nguyên nhân là sản lượng gạo của nước này kể từ đầu năm đến tháng 8/2024 thấp hơn 9,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Cơ quan Thống kê Trung ương Indonesia (BPS), nhập khẩu gạo của Indonesia trong 6 tháng đầu năm đạt 2,6 triệu tấn, tăng 148% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lượng gạo nhập khẩu từ Thái Lan đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 92,1% và chiếm 40,5% thị phần; nhập khẩu từ Việt Nam đạt 704 nghìn tấn, tăng 76,5% và chiếm 26,6%.

Cánh đồng lúa hè thu chuẩn bị thu hoạch ở Tân Hưng, Long An. Ảnh: Sơn Trang.

Trong báo cáo mới nhất, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines trong năm nay sẽ đạt 4,6 triệu tấn. Dự báo này tuy đã giảm 100 nghìn tấn so với dự báo trước đó, nhưng vẫn sẽ là mức nhập khẩu cao kỷ lục của Philippines.

Báo cáo của Cục Công nghiệp Thực vật Philippines (BPI) cho thấy, tính đến cuối tháng 7, Philippines đã nhập khẩu gần 2,5 triệu tấn gạo, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 7 tháng qua, Việt Nam vẫn là nước cung cấp gạo lớn nhất cho Philippines với gần 1,9 triệu tấn, chiếm 76% tổng lượng gạo nhập khẩu. Tiếp đến là Thái Lan cung cấp 359  nghìn tấn, chiếm 14,7% thị phần.

Theo Cơ quan Thống kê Philippines (PSA), sản lượng lúa của Philippines trong nửa đầu năm nay đã giảm 5,5% xuống còn 8,5 triệu tấn so với mức hơn 9 triệu tấn của cùng kỳ năm ngoái do tác động của El Nino. Đây cũng là mức thấp nhất được ghi nhận kể từ năm 2020.

Mới đây, để hạ nhiệt giá gạo ở thị trường trong nước, Philippines đã giảm thuế nhập khẩu gạo từ mức 35% xuống còn 15%, thời gian áp dụng tới năm 2028.

Bộ Nông nghiệp Philippines dự kiến lượng gạo nhập khẩu sẽ tăng trong những tháng tới, dựa trên khối lượng giấy phép nhập khẩu mà BPI đã cấp. Trong tháng 7, BPI đã cấp 686 giấy chứng nhận nhập khẩu vệ sinh và kiểm dịch thực vật cho các đơn vị nộp đơn được chấp thuận để nhập khẩu 557.815 tấn gạo. Tính đến cuối tháng 7, số giấy phép được cấp là 5.133 với khối lượng được phép nhập khẩu vào khoảng 5,6 triệu tấn.

Sản xuất trong nước sụt giảm, trong khi nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng kết hợp với thuế nhập khẩu được điều chỉnh giảm được cho là sẽ thúc đẩy các hoạt động nhập khẩu gạo của Philippines trong thời gian tới.

Động thái tăng lượng gạo nhập khẩu của Indonesia và Philippines chắc chắn có tác động đến xuất khẩu gạo Việt Nam, bởi đây là 2 thị trường mua nhiều gạo Việt Nam nhất hiện nay. Trong 7 tháng qua, đã có hơn 3 triệu tấn gạo Việt Nam được xuất khẩu sang Philippines và Indonesia, chiếm hơn một nửa lượng gạo xuất khẩu. Dự kiến trong cả năm nay, xuất khẩu gạo Việt Nam có thể lần đầu tiên chạm mốc 5 tỷ USD.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, do xuất khẩu gạo tăng mạnh trở lại nên giá lúa gạo hàng hóa cũng đang tăng lên. Ông Nguyễn Văn Tròn, nông dân ở ấp Gò Pháo, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, Long An, cho biết, những ngày gần đây, nhiều thương lái tăng hỏi mua lúa hè thu để bán cho các nhà máy làm gạo xuất khẩu, dẫn tới giá lúa tăng nhiều so với tháng trước. Các loại lúa thơm như Đài Thơm 8, OM 5451, OM 18 hiện đều có giá bán tại ruộng hơn 8.000 đồng/kg đến gần 9.000 đồng/kg. Lúa thường IR 50404 cũng có giá xấp xỉ 8.000 đồng/kg.

Tính chung trên toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giá lúa các loại mà nông dân bán tại ruộng hiện đang cao hơn từ 1.000 đồng/kg trở lên so với giá lúa đầu tháng 8.

Sơn Trang
Tin khác
Dưa bao tử, hy vọng mới cho vụ đông Sơn La
Dưa bao tử, hy vọng mới cho vụ đông Sơn La

Phối hợp với Doveco, nông dân xã Chiềng Sung giờ đã có hướng đi mới cho vụ đông, vươn lên làm mô hình tiêu biểu cho toàn huyện.

Biến phế phẩm từ quả điều thành đặc sản chay xuất khẩu
Biến phế phẩm từ quả điều thành đặc sản chay xuất khẩu

Tây Ninh Với phương châm đưa thực phẩm chay ra thế giới, Công ty Vương Ngọc Vegan đã biến những quả điều, loại quả được xem như phế phẩm trong nông nghiệp, thành nước mắm chay hảo hạng.

Biến rác hữu cơ thành phân hữu cơ quy mô nông hộ
Biến rác hữu cơ thành phân hữu cơ quy mô nông hộ

Theo các chuyên gia, nếu biết tận dụng lượng chất thải hữu cơ trong sinh hoạt biến thành phân bón hữu cơ sẽ mang lại hiệu quả kinh tế và môi trường cho nhiều nông hộ.

Lợi nhuận ‘khủng’, giảm ô nhiễm nhờ đệm lót sinh học
Lợi nhuận ‘khủng’, giảm ô nhiễm nhờ đệm lót sinh học

Bà Rịa - Vũng Tàu Nhờ làm phân hữu cơ từ đệm lót sinh học, Công ty Trang Linh đang chứng minh được hiệu quả kinh tế và sự đúng đắn trong triết lý nông nghiệp tuần hoàn.

Từ phụ phẩm dừa thành hàng xuất khẩu triệu đô
Từ phụ phẩm dừa thành hàng xuất khẩu triệu đô

Than dừa được làm chủ yếu từ gáo dừa - một phụ phẩm của ngành dừa. Xuất khẩu than dừa nói chung đang ngày càng tăng, mang nhiều ngoại tệ về cho đất nước.

Xơ mướp thành hàng xuất khẩu cao cấp đạt chuẩn OCOP 3 - 4 sao
Xơ mướp thành hàng xuất khẩu cao cấp đạt chuẩn OCOP 3 - 4 sao

Từ xơ mướp, những bạn trẻ Đồng Tháp đã sáng tạo thành những sản phẩm có tính ứng dụng cao, được thị trường đón nhận, đã xuất khẩu đi nhiều nước như Nhật, Hàn, Mỹ, EU...

Bã sắn cứu cánh ngành chế biến tinh bột
Bã sắn cứu cánh ngành chế biến tinh bột

Từ một phế phẩm tưởng chừng vô giá trị, bã sắn tại Tây Ninh đã trở thành nguồn thu quan trọng cho các doanh nghiệp chế biến tinh bột.

Tri thức hóa nông dân là quá trình liên tục
Tri thức hóa nông dân là quá trình liên tục

Ngày nay, sản xuất không chỉ dựa vào kinh nghiệm, từ những mô hình thành công ở địa phương cho thấy tri thức hóa nông dân đang là nhiệm vụ hàng đầu.

Tri thức hóa nông dân cần sự kiên trì và đầu tư đúng mức
Tri thức hóa nông dân cần sự kiên trì và đầu tư đúng mức

ĐBSCL Việc tham gia của nông dân vào các tổ chức kinh tế tập thể còn thấp và công tác đào tạo chưa đồng đều khiến hành trình tri thức hóa nông dân gặp khó khăn.

Đồng Tháp có hơn 42.000 nông dân chuyên nghiệp
Đồng Tháp có hơn 42.000 nông dân chuyên nghiệp

Từ ý tưởng thi đua ‘Người nông dân chuyên nghiệp’, nông dân Đồng Tháp từng bước thay đổi tư duy sản xuất, khẳng định vai trò trong xây dựng nền kinh tế nông nghiệp.

Hơn 250 doanh nghiệp tham gia Ngày Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản
Hơn 250 doanh nghiệp tham gia Ngày Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản

Chuỗi sự kiện Ngày Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản 2024 với slogan 'Chung tầm nhìn, chia sẻ thành công' đã diễn ra thành công tốt đẹp tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản.

Giới thiệu nông lâm sản chủ lực tỉnh Hòa Bình
Giới thiệu nông lâm sản chủ lực tỉnh Hòa Bình

Tiềm năng sản xuất, chế biến các mặt hàng nông, lâm thủy sản chủ lực của tỉnh Hòa Bình phục vụ thị trường trong nước và đáp ứng xuất khẩu.