Vĩnh Long xây kè 257 tỷ đồng bảo vệ cồn An Bình. Xuất khẩu gạo đối diện nhiều thách thức vào cuối năm. Drone bón phân bón hữu cơ trên cánh đồng nếp Thầu Dầu. Giá dừa khô Trà Vinh cao nhất từ đầu năm.
Vĩnh Long xây kè 257 tỷ đồng bảo vệ Cồn An Bình
Hồ Thảo sản xuất
Ngày 12/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long cho biết, địa phương đang khẩn trương di dời khoảng 500 lồng bè nuôi thủy sản ra khỏi khu vực sạt lở tại Cồn An Bình, trên địa bàn xã An Bình, huyện Long Hồ. Các phương án hỗ trợ chuẩn bị triển khai để giúp các chủ bè cá di chuyển đến khu vực tạm thời.
Trước đó, UBND tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt dự án xây dựng công trình kè chống sạt lở bờ sông Cổ Chiên tại khu vực nói trên, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long làm chủ đầu tư.
Dự án nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản và ổn định đời sống cho người dân trong khu vực, với tổng vốn đầu tư gần 257 tỷ đồng, bao gồm tuyến kè dài 4.553m. Dự kiến hoàn thành vào năm 2025.
Xuất khẩu gạo đối diện nhiều rủi ro trong các tháng cuối năm
Quang Linh khai thác
Khảo sát từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, giá lúa tại ruộng đạt 7.450 đồng một kg, tăng gần 300 đồng so với tháng 7, trong khi giá lúa thường tại kho đã chạm mức 9.200 đồng một kg, tăng thêm 500 đồng.
Giá lúa tăng là tin vui cho người nông dân, nhưng lại là nỗi lo lớn với các doanh nghiệp xuất khẩu. Đại diện một danh nghiệp cho biết giá lúa tăng chủ yếu do nguồn cung vụ hè thu giảm sút, cùng với ảnh hưởng của mưa bão từ tháng 8 khiến chất lượng lúa giảm.
Các nhà nhập khẩu có nhu cầu nhưng lại ép giá, chỉ chốt hợp đồng với mức giá thấp, buộc doanh nghiệp phải mua bán cầm chừng.
Ngoài áp lực về giá, các doanh nghiệp xuất khẩu còn đối mặt với chi phí vận tải tăng cao do xung đột quốc tế và sự biến động của tỷ giá.
Để tận dụng cơ hội trong bối cảnh nhiều rủi ro, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khuyến nghị các doanh nghiệp nên linh hoạt điều chỉnh chiến lược sản xuất và kinh doanh. Đồng thời, cần tránh các hành vi cạnh tranh không lành mạnh như bán phá giá gạo, nhằm bảo vệ và duy trì sự ổn định của ngành xuất khẩu gạo quốc gia. Xuất khẩu gạo.
Drone bón phân bón hữu cơ công nghệ nano trên cánh đồng nếp Thầu Dầu
Quang Linh sản xuất
Để cải tạo đất lúa và phòng trừ sâu bệnh trước điều kiện thời tiết bất thuận, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên đã triển khai mô hình hỗ trợ nông dân bón phân hữu cơ bằng thiết bị bay không người lái – Drone trên cây lúa tại vùng nếp Thầu Dầu thuộc huyện Phú Bình, tỉnh Thái nguyên.
Mô hình sử dụng phân bón hữu cơ PAN có 2 thành phần dưỡng chất trung lượng thiết yếu là canxi và silic được chiết xuất bằng công nghệ nano giúp cây trồng có bộ rễ khỏe, tăng khả năng quang hợp, tăng sức đề kháng và tăng sức chống chịu với sâu bệnh hại.
Nhờ diện tích bề mặt lớn, các hạt nano có khả năng hấp thu các nguyên tố khác từ trong đất và vận chuyển các dưỡng chất vào các cơ quan khác nhau bên trong cây.
Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên cho biết, sử dụng phân bón hữu cơ PAN giúp lúa cứng cây, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, cải tạo đất, giúp đất tơi xốp, thoáng khí.
Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu, xây dựng các mô hình đưa những tiến bộ kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Giá dừa khô Trà Vinh cao nhất từ đầu năm
Quang Linh khai thác
Từ đầu tháng 8 đến nay, giá dừa khô trên địa bàn tỉnh Trà Vinh tiếp tục tăng cao, mức giá thu mua tại vườn từ 110.000 đến 115.000 đồng một chục 12 trái. Với giá dừa như hiện tại, nông dân trồng dừa có thu nhập từ 75 - 80 triệu đồng/ha/tháng.
Theo nông dân nơi đây, hiện nay, nhu cầu nguồn nguyên liệu dừa khô của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để chế biến các sản phẩm như: than hoạt tính, sữa dừa, nước cốt dừa … phục vụ nhu cầu xuất khẩu đang tăng mạnh.
Tuy giá dừa khô tăng cao, nhưng do đang là thời điểm mùa mưa nên sản lượng dừa cho trái khô thấp hơn 20% so với mùa nắng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, tỉnh hiện có tổng diện tích trồng dừa hơn 23.000 ha đang cho trái, với sản lượng cho trái gần 400.000 tấn mỗi năm. Năm 2024, tỉnh có kết hoạch tiếp tục trồng mới thêm khoảng 200 ha cây dừa và đến năm 2030 nâng tổng diện tích vườn dừa lên 30.000 ha.