Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) công bố, kết quả mở thầu tháng 7 với số lượng 320.000 tấn gạo 5% tấm, Việt Nam trúng 7/12 gói thầu, Myanmar trúng thầu 3 lô gạo.
Các doanh nghiệp Việt Nam trúng 7 trên tổng số 12 gói thầu, với tổng số lượng gạo trúng thầu là 185.000 tấn.
Trong số các doanh nghiệp trúng thầu đợt này, Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) trúng thầu nhiều nhất với 4 lô, tổng số lượng trúng thầu là 104.000 tấn.
Còn lại là 3 đơn vị trúng mỗi lô thầu 27.000 tấn gồm: Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), Công ty cổ phần quốc tế Gia, Công ty Cổ phần XNK An Vi. Đây là những đơn vị sử dụng gạo có nguồn gốc Việt Nam.
Ngoài ra, còn có Công ty Mekong Food của Việt Nam trúng thầu 27.000 tấn nhưng sử dụng nguồn gạo từ Myanmar.
Thông tin từ chuyên trang thị trường lúa gạo Ssricenews, trong đợt tham gia thầu lần này, Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) chào giá gạo từ 567,5 - 577,5 USD/tấn. Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) chào từ 579,5 - 598 USD/tấn. Các doanh nghiệp Thái Lan và Pakistan cũng tham gia thầu nhưng đều không trúng do giá chào khá cao từ 584 - 592 USD/tấn.
Các doanh nghiệp Việt Nam và Myanmar trúng thầu lần này đồng mức giá là 563 USD/tấn. Mức giá này tương đương với giá các doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu vào tháng 5/2024.
Indonesia dự báo nhu cầu nhập khẩu gạo của nước này sẽ tăng lên 5,18 triệu tấn trong năm 2024, tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu 5,18 triệu tấn gạo với kim ngạch 3,27 tỷ USD, tăng 25,1% về lượng và 5,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.