Giá trị xuất khẩu gạo tăng hơn 25%. Mở cống xả nước đón phù sa về ruộng lúa. Mô hình trồng lúa giảm phát thải đầu tiên tại Sóc Trăng. Xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang Hàn Quốc tăng mạnh.
Giá trị xuất khẩu gạo tăng hơn 25%
Khai thác
Giá trị xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm nay đạt 3,27 tỷ USD, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này có được một phần là nhờ giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng cao. Theo đó, giá xuất khẩu gạo trung bình đạt 632 USD/tấn, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việc Ấn Độ có lệnh cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường, trừ gạo trắng basmati đã làm cho giá gạo trên thị trường thế giới tăng lên. Do vậy những nước xuất khẩu gạo như Việt Nam, Thái Lan đều có giá trị xuất khẩu gạo gia tăng. Năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu gạo đạt trên 5 tỷ USD.
Mở cống xả nướcđón phù sa vềruộng lúa
Văn Vũ - Sx
Thời điểm này nước bắt đầu đổ về nên các địa phương ở đầu nguồn của huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đang tranh thủ mở cống, xả nước để đón phù sa về đồng ruộng. Một mặt giúp tăng độ phì nhiêu cho đất, mặt khác khi nước vào đồng sẽ mang theo nhiều loại thủy sản giúp cho người dân có thêm nguồn thu nhập từ đánh bắt.
Theo phòng NN-PTNT huyện Hồng Ngự, thời gian mở cống trữ nước kéo dài đến khi có lịch xuống giống cho vụ sản xuất đông xuân 1 tuần. Sau đó các địa phương sẽ mở nắp cống thoát nước để người dân cày xới bắt đầu cho mùa vụ chính trong năm. Theo dự báo mực nước lũ năm nay sẽ thấp hơn so với cùng kỳ, tại các xã cù lao ở huyện Hồng Ngự, mưa liên tục những ngày qua kết hợp nước lũ về. Hiện, các cánh đồng đã tràn ngập nước trong sự phấn khởi của người dân.
Mô hình trồng lúa giảm phát thải đầu tiên tại Sóc Trăng
Văn Vũ – Sx
Thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”, tỉnh Sóc Trăng đã hình thành vùng sản xuất lúa giảm phát thải đầu tiên tại HTX Hưng Lợi ở ấp An Hưng, xã Long Đức, huyện Long Phú với quy trình quản lý rơm, nước và phân bón.
Theo đó, mô hình tại HTX Long Phú có diện tích 50 ha, với giống lúa được lựa chọn để canh tác là ST25. Cánh đồng tham gia mô hình được ứng dụng cơ giới hóa với nhiều phương thức như: sạ hàng, hàng biên, vùi phân và không vùi phân để đối chiếu hiệu quả. Nhằm đảm bào các tiêu chí mà đề án đưa ra, thành viên HXT đã được tập huấn rất kĩ về quy trình canh tác, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Ông Trương Văn Hùng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hưng Lợi cho biết, nếu theo cách làm truyền thống thì mỗi 1 hecta nông dân phải gieo sạ từ 120 đến 150 ký giống. Thế nhưng khi thực hiện theo đề án thì chỉ còn 60 ký. Một khi giảm giống, mật độ thưa, đồng nghĩa với giảm thuốc bảo vệ thực vật và giảm phân bón.
Xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang Hàn Quốc tăng mạnh
Khai thác
Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, 3 tháng trở lại đây, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Hàn Quốc tăng trưởng ''phi mã'' ở mức 3 con số. Đáng chú ý, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này trong tháng 6 lập đỉnh. Giá trị xuất khẩu đạt gần 6 triệu USD, tăng gấp gần 6 lần so với cùng kỳ năm 2023. Với kết quả này, lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cá ngừ sang Hàn Quốc đạt hơn 14 triệu USD, tăng 144% so với cùng kỳ. Hiện, Hàn Quốc trở thành 1 trong 10 thị trường đơn lẻ nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam.
Sự bứt phá này phần lớn nhờ vào giá sản phẩm cạnh tranh của Việt Nam. Các doanh nghiệp đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng thủy sản tại Hàn Quốc, đặc biệt là khi người dân nước này có xu hướng giảm chi tiêu, tạo điều kiện thuận lợi để thủy sản Việt Nam tăng cường xuất khẩu.