Sau một thời gian biên soạn và lấy ý kiến nhân dân, Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới bao gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục đã được Bộ trưởng Bộ GD- ĐT ký ban hành ngày 26/12/2018.
Có gì mới trong Chương trình GDPT mới?
So với Chương trình GDPT hiện hành, chương trình mới đã kế thừa nhiều ưu điểm về mục tiêu giáo dục, phương châm giáo dục, nội dung giáo dục và hệ thống môn học. Đặc biệt về thời lượng dạy học, tuy chương trình mới có giảm tải so với chương trình hiện hành nhưng tương quan về thời lượng dạy học giữa các môn học không có sự xáo trộn.
Toàn cảnh hội nghị |
Về phương pháp giáo dục, chương trình mới sẽ phát huy tính tích cực của học sinh, khắc phục việc truyền thụ một chiều. Từ nhiều năm nay, Bộ GD- ĐT đã phổ biến và chỉ đạo áp dụng nhiều phương pháp giáo dục mới, như mô hình trường học mới, phương pháp bàn tay nặn bột, giáo dục STEM,…do đó, hầu hết giáo viên các cấp học đã được làm quen, nhiều giáo viên đã vận dụng thành thạo các phương pháp giáo dục mới.
Chương trình mới được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực mà nhà trường và xã hội kì vọng.
Theo cách tiếp cận này, kiến thức được dạy học không nhằm mục đích tự thân. Nói cách khác, giáo dục không phải để truyền thụ kiến thức mà nhằm giúp học sinh hoàn thành các công việc, giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống nhờ vận dụng hiệu quả và sáng tạo kiến thức đã học. Quan điểm này được thể hiện nhất quán ở nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục.
Chương trình GDPT mới phân biệt rõ hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).
Trong giai đoạn giáo dục cơ bản, chương trình lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp, thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lí số môn học. Đồng thời thiết kế một số môn học (Tin học và Công nghệ, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp) theo các chủ đề, tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn những chủ đề phù hợp với sở thích và năng lực.
Trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, bên cạnh một số môn học và chuyên đề học tập bắt buộc, học sinh được lựa chọn những môn học và chuyên đề học tập phù hợp với sở thích, năng lực và định hướng nghề nghiệp.
Chú trọng “giảm tải”
Để có thể giảm bớt hiện tượng “quá tải” trong GDPT, chương trình mới đã áp dụng 6 biện pháp giảm tải. Đầu tiên là giảm số môn học và hoạt động giáo dục.
Cụ thể, theo chương trình tiểu học mới, lớp 1 và lớp 2 có 7 môn học; lớp 3 có 9 môn học; lớp 4 và lớp 5 có 10 môn học. Trong chương trình hiện hành, lớp 1, lớp 2 và lớp 3 có 10 môn học; lớp 4 và lớp 5 có 11 môn học. Chương trình mới của các lớp THCS đều có 12 môn học. Trong chương trình hiện hành, lớp 6 và lớp 7 có 16 môn học; lớp 8 và lớp 9 có 17 môn học.
Chương trình mới của các lớp THPT đều có 12 môn học. Trong chương trình hiện hành, lớp 10 và lớp 11 có 16 môn học; lớp 12 có 17 môn học.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị |
Ngoài ra, chương trình GDPT mới đã giảm số tiết học. Ở tiểu học, học sinh học 3.623 giờ. Theo chương trình hiện hành, học sinh học 3.329 giờ. Chương trình mới là chương trình học 2 buổi/ngày (9 buổi/ tuần), tính trung bình học sinh học 2,3 giờ/buổi học; có điều kiện tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí nhiều hơn. Chương trình hiện hành là chương trình học 1 buổi/ngày (5 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 3,8 giờ/ buổi học.
Ở THCS, học sinh học 3.070 giờ. Theo chương trình hiện hành, học sinh học 3.121 giờ. Ở THPT, học sinh học 2.284 giờ. Theo chương trình hiện hành, học sinh Ban cơ bản học 2.626 giờ; học sinh Ban Nâng cao 2.660 giờ.
Bên cạnh đó, Chương trình GDPT mới đã thực hiện giảm tải bằng các biện pháp giảm kiến thức kinh viện; tăng cường dạy học phân hóa, tự chọn; thực hiện phương pháp dạy học mới; đổi mới việc đánh giá kết quả giáo dục.
Một điểm đáng chú ý xuất hiện trong Chương trình GDPT mới là việc thực hiện dạy học tích hợp trong GDPT. Chương trình GDPT mới thực hiện dạy học tích hợp theo ba định hướng:
Tích hợp giữa các mảng kiến thức khác nhau, giữa yêu cầu trang bị kiến thức với việc rèn luyện kĩ năng trong cùng một môn học.
Tích hợp kiến thức của các môn học, khoa học có liên quan với nhau; ở mức thấp là liên hệ kiến thức được dạy với những kiến thức có liên quan trong dạy học; ở mức cao là xây dựng các môn học tích hợp.
Tích hợp một số chủ đề quan trọng vào nội dung chương trình nhiều môn học.
Chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình GDPT mới Bộ trưởng Bộ GD- ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định: “Việc hoàn thành biên soạn chương trình được coi là thành công bước một, bước tiếp theo rất quan trọng, quyết định thành bại của chương trình mới, là chuẩn bị điều kiện triển khai chương trình, cụ thể là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học”. Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ cùng các Sở, Phòng GD-ĐT triển khai thực hiện chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông; chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông; các chương trình bồi dưỡng theo chuẩn; tiêu chuẩn, quy trình lựa chọn giáo viên phổ thông cốt cán và cán bộ quản lý trường phổ thông cốt cán để thực hiện kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ theo lộ trình. |