| Hotline: 0983.970.780

Lúa hữu cơ ST25 trên đất biên giới Phước Chỉ

Thứ Hai 18/12/2023 , 14:42 (GMT+7)

Phước Chỉ là một trong những vùng chuyên canh lúa của tỉnh Tây Ninh. Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ là ‘chìa khóa’ để phát triển bền vững.

Xây dựng thương hiệu lúa gạo hữu cơ Phước Chỉ

Nằm ở phía Tây thị xã Trảng Bàng, được bao bọc bởi hệ thống sông Vàm Cỏ, trên 70% người dân Phước Chỉ sống bằng nghề canh tác lúa nước. Trước đây, xã biên giới Phước Chỉ gần như biệt lập với phần sôi động còn lại của tỉnh Tây Ninh, nhưng không vì thế mà địa phương này co mình.

Khi các tuyến đường giao thông được đầu tư nâng cấp, những chiếc cầu nối liền các khu dân cư được xây dựng, hệ thống thủy lợi được quan tâm đầu tư, người dân mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác... Từ đó hình thành các vùng chuyên canh lúa theo hướng hữu cơ với những giống lúa chất lượng cao, giúp đời sống bà con ngày càng khởi sắc.

Cánh đồng lúa ST25 trên đất biên giới Phước Chỉ. Ảnh: Trần Trung.

Cánh đồng lúa ST25 trên đất biên giới Phước Chỉ. Ảnh: Trần Trung.

Điển hình, HTX Dịch vụ nông nghiệp Phước Hòa (xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng) hiện có tổng diện tích sản xuất trên 200 ha, vụ đông xuân 2022 - 2023 có khoảng 40 ha trồng lúa ST25 theo hướng hữu cơ, số diện tích còn lại sản xuất các giống lúa khác.

Anh Trần Hoàng Ân, Giám đốc HTX cho biết, từ năm 2019, HTX đã kết nối với doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, trong đó có giống ST25 là chủ đạo. Nhờ liên kết, HTX được doanh nghiệp hỗ trợ nông dân lúa giống, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phân bón hữu cơ... Nông dân tuân thủ theo quy trình sản xuất, cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp trực tiếp xuống hỗ trợ, sản phẩm được kiểm tra và phải bảo đảm về chất lượng.

Lúa ST25 cho năng suất, sản lượng vượt trội trên đất Phước Chỉ. Ảnh: Trần Trung.

Lúa ST25 cho năng suất, sản lượng vượt trội trên đất Phước Chỉ. Ảnh: Trần Trung.

“Ban đầu, việc vận động nông dân tham gia gặp khó khăn do bà con quen với cách làm truyền thống. Tuy nhiên, sau vụ đầu tiên, nhận thấy mô hình có hiệu quả, nhiều người vào HTX tham gia sản xuất, diện tích ngày càng tăng qua các năm. Năng suất lúa bình quân khoảng 7 tấn/ha, mang lại lợi nhuận cao gấp 1,5 lần”, anh Ân nói.

Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị gia tăng hạt lúa do HTX làm ra và tránh phụ thuộc vào thị trường, HTX còn chủ động xây dựng nhà máy để sản xuất gạo chất lượng cao ST25 mang thương hiệu riêng của HTX.

Anh Ân (bìa phải) bên sản phẩm gạo ST25 mang thương hiệu riêng của HTX. Ảnh: Hoàng Phi.

Anh Ân (bìa phải) bên sản phẩm gạo ST25 mang thương hiệu riêng của HTX. Ảnh: Hoàng Phi.

Cầm trên tay bịch gạo mang thương hiệu của HTX, anh Trần Hoàng Ân phấn khởi cho biết thêm: “Lâu nay, nông dân trồng lúa và doanh nghiệp xuất khẩu gạo tưởng "ngồi cùng thuyền" nhưng luôn so đo, chủng chẳng. Doanh nghiệp thì muốn giá thấp nhất, nông dân muốn ngược lại. Cùng một hạt lúa mà long đong "mua đứt, bán đoạn", trách nhiệm mù mờ trong chia sẻ lợi nhuận - rủi ro. Tuy sản phẩm gạo sạch HTX còn non trẻ nhưng đã được thị trường đón nhận, đó là tiền đề để HTX làm chủ trong sản xuất như thị trường và cầm “chuôi” thay vì cầm “lưỡi” khi bàn thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp liên kết”.

Hướng đi bền vững

Xã Phước Chỉ có tổng diện tích tự nhiên trên 4.800 ha, riêng diện tích lúa khoảng 3.900 ha. Trước đây, nông dân bị phụ thuộc vào thương lái, dẫn đến tình trạng “được mùa, mất giá”. Để khắc phục, cấp ủy, chính quyền xã Phước Chỉ vận dụng linh hoạt các giải pháp trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, lựa chọn xây dựng mô hình liên kết cánh đồng mẫu lớn, quan tâm sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, từng bước hoàn thiện hạ tầng phục vụ sản xuất, đặc biệt là hệ thống tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, hình thành các hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp để phát triển chuỗi giá trị lúa sạch chất lượng cao.

Các HTX trên địa bàn Phước Chỉ không ngừng mở rộng diện tích canh tác lúa sạch theo hướng hữu cơ. Ảnh: Hoàng Phi.

Các HTX trên địa bàn Phước Chỉ không ngừng mở rộng diện tích canh tác lúa sạch theo hướng hữu cơ. Ảnh: Hoàng Phi.

Hiện trên địa bàn xã có 4 HTX chuyên sản xuất lúa. Bên cạnh mở rộng diện tích sản xuất, các HTX chú trọng áp dụng khoa học - kỹ thuật sản xuất lúa sạch, đồng thời liên kết sản xuất với doanh nghiệp, bao tiêu sản phẩm. Việc tham gia HTX giúp bà con nông dân được tập huấn kỹ thuật, tư vấn kỹ lưỡng về giống, phân bón, cách bón phân, thu hoạch, đồng thời ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm lúa chất lượng cao.

“Lúc mới thành lập, trung bình mỗi HTX chỉ có khoảng 30 hội viên, do người dân quen sản xuất theo phương thức thông thường, tự lo đầu vào, đầu ra sản phẩm, còn e ngại với phương thức liên kết. Tuy nhiên, từ thực tế hoạt động hiệu quả của các HTX, công tác tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh, đến nay các HTX nông nghiệp trên địa bàn xã đã phát triển khoảng hơn 300 hội viên”, ông Lê Vũ Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Chỉ phấn khởi cho biết thêm.  

Gạo ST25 của HTX Phước Hòa được chứng nhận OCOP 3 sao, qua đó tiếp thêm nội lực ngành lúa - gạo địa phương. Ảnh: NVCC.

Gạo ST25 của HTX Phước Hòa được chứng nhận OCOP 3 sao, qua đó tiếp thêm nội lực ngành lúa - gạo địa phương. Ảnh: NVCC.

Mới đây, sản phẩm gạo sạch ST25 của HTX Phước Hòa được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thị xã Trảng Bàng  thống nhất đề nghị công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Theo Hội đồng đánh giá, sản phẩm  có nhiều cải tiến về mẫu mã, chất lượng, bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc xuất xứ... Đây là sản phẩm gạo đầu tiên tại Tây Ninh nói chung, Trảng Bàng nói riêng do chính nông dân làm ra được công nhận OCOP, mở hướng đi bền vững cho ngành lúa – gạo địa phương.

“Với cầu nối của các HTX, việc sản xuất của nông dân ở Phước Chỉ không còn bấp bênh, thiếu ổn định, nhất là khi các HTX đã xây dựng được liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, chủ động xây dựng thương hiệu đảm bảo đầu ra cho cây lúa chất lượng cao”, ông Lê Vũ Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Chỉ nhấn mạnh.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Xã viên sẽ hưởng lợi lớn khi canh tác lúa giảm phát thải

ĐBSCL Theo dự thảo chi trả kết quả giảm phát thải trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, nông dân trong các HTX, tổ hợp tác là đối tượng hưởng lợi cao nhất.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.