| Hotline: 0983.970.780

Triển vọng nuôi ốc hương bằng lưới vây trên biển

Thứ Ba 08/11/2022 , 08:25 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Cùng với các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, cá thì ốc hương là đối tượng nuôi mới, mở ra một hướng sản xuất đầy triển vọng...

Gần đây, nhiều hộ dân ở xã Quảng Đông và Quảng Xuân (huyện Quảng Trạch) đã phát triển nuôi hải sản trên biển, mang lại giá trị kinh tế cao…

Huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) đã có những giải pháp và định hướng thích hợp để nghề nuôi biển phát triển bền vững. Ông Trần Văn Định, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quảng Trạch cho hay: “Hiện trên địa bàn huyện, ngoài các hộ dân thực hiện nuôi biển theo mô hình hỗ trợ của Chi cục Thủy sản, còn có nhiều hộ dân phát triển mô hình nuôi biển mang lại hiệu quả kinh tế cao”.

z3849389457934_b08a35a7bb06f861c3dff643eadff0d8

Với chất lượng thơm ngon, ốc hương nuôi bằng lưới vây trên biển luôn được thị trường ưa chuộng. Ảnh: NT.

Ngư dân tiếp cận nghề mới

Huyện Quảng Trạch có vịnh Hòn La với diện tích mặt nước lớn, nước biển êm, rất thuận lợi cho phát triển nghề nuôi biển. Ông Trần Văn Định, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quảng Trạch cho biết, hiện nay người dân ở hai xã Quảng Đông và Quảng Xuân đã đầu tư lồng bè, ao hồ phát triển nghề nuôi hải sản với hai đối tượng chủ lực là ốc hương và cá bớp…

Từ năm 2021, Chi cục Thủy sản Quảng Bình (Sở NN-PTNT Quảng Bình) đã hỗ trợ 5 hộ dân ở xã Quảng Đông thực hiện mô hình nuôi ốc hương bằng hình thức vây lưới trên biển. Mô hình thực hiện trên diện tích 9.000m2, với các hộ dân gồm các ông Cao Minh Thái, Lê Đức Hậu, Nguyễn Đình Uynh, Phạm Ngọc Quân và Tưởng Văn Thịnh.

Ông Bùi Xuân Ngọc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Bình cho biết, các hộ nuôi được hỗ trợ 50% chi phí mua ốc hương giống, thức ăn và vật tư thiết yếu; 100% kinh phí triển khai, quản lý và được tập huấn kỹ thuật nuôi ốc hương, quy trình chăm sóc và cách phòng trừ dịch hại. “Trước khi thực hiện mô hình, các hộ dân được tập huấn kỹ thuật nuôi, quy trình chăm sóc và cách phòng trừ dịch hại. Ốc hương giống được mua tại các cơ sở uy tín, có nguồn gốc rõ ràng”, ông Ngọc cho biết.

Tại mô hình, hệ thống lưới vây phải được làm chắc chắn, ngăn không cho cá dữ, cua ghẹ lọt vào ăn ốc. Lưới vây chôn sâu xuống dưới cát ít nhất 10cm để tránh ốc hương chui ra. Độ cao lưới phải vượt quá mức triều cao nhất 1m để ốc không bị sóng đánh ra ngoài. Cơ sở có nhà bè, trang thiết bị thiết yếu đảm bảo các hoạt động, chăm sóc tốt nhất trong quá trình nuôi.

z3851306975852_985eb5631bf5cd2bdf3b654704149694

Công nghệ, hạ tầng nuôi ốc hiện nay vẫn còn thô sơ, cần được đầu tư hiện đại hơn. Ảnh: NT.

“Nhà bè để người lao động sinh hoạt trong quá trình chăm sóc ốc hương, có máy móc trang thiết bị đảm bảo như máy nén khí cung cấp oxy cho người lao động kiểm tra ốc trong quá trình nuôi; máy xịt vệ sinh lưới; phao, thuyền vận chuyển thức ăn và các trang thiết bị khác”, ông Ngọc cho biết thêm.

Thức ăn cho ốc hương chủ yếu sử dụng các loại tạp tươi (cá nục, cá cơm...) được mua từ các hộ dân khai thác để cung cấp cho các hộ nuôi. Cách cho ăn ngày một lần khi nước thủy triều lên. Thức ăn được rải đều trong vây lưới.

Anh Lê Đức Hậu, hộ tham gia nuôi cho hay: “Kích cỡ thức ăn được điều chỉnh phù hợp với kích cỡ ốc nuôi. Cụ thể, từ khi thả giống đến tháng thứ 2, cá tạp được cắt nhỏ kích cỡ 1 - 2cm bằng máy cắt để phù hợp với kích cỡ ốc hương. Từ tháng nuôi thứ 3 trở tới khi ốc thu hoạch, để cá tươi nguyên con cho ốc ăn. Sau khi cho ăn khoảng 2 - 3 giờ, phải lặn xuống đáy kiểm tra lượng thức ăn thừa hay thiếu để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp”.

Khi thu hoạch, trọng lượng trung bình của ốc hương đạt 100 - 120 con/kg. Sản lượng ước đạt gần 15.990kg, giá bán 180.000đ/kg, doanh thu gần 2,9 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí (con giống, thức ăn, vật liệu, nhân công...) mô hình còn lãi trên 720 triệu đồng. Trung bình mỗi hộ nuôi tham gia mô hình có thu nhập trên 140 triệu đồng.

Áp dụng công nghệ cao, giảm rủi ro

Anh Cao Minh Thái, một trong 5 hộ thực hiện mô hình nuôi ốc hương cho biết, gia đình anh thực hiện nuôi ốc hương trên diện tích 1.800m2.

Theo anh Thái, trên diện tích 1.800m2, gia đình anh thả nuôi hơn 600.000 con ốc hương giống. Kết quả sau 6 tháng thả nuôi cho thấy, ốc hương sinh trưởng và phát triển tốt, trọng lượng bình quân khi thu hoạch đạt cao, tỷ lệ sống đạt 70%. Sau khi trừ chi phí, anh thu được lợi nhuận gần 143 triệu đồng.

Mô hình nuôi ốc hương trên biển ở Quảng Bình hứa hẹn một hướng phát triển nuôi trồng thủy sản mới. Ảnh: T.P

Khu vực thực hiện mô hình nuôi ốc hương trên biển ở vịnh Hòn La (Quảng Bình). Ảnh: T.P.

Địa điểm nuôi là vùng biển ven bờ có nguồn nước trong sạch, chất đáy là cát hoặc cát san hô, ít bùn. Độ mặn ổn định, dao động từ 25 - 35%, nguồn nước không bị ảnh hưởng nước ngọt do tác động của nước sông vào mùa mưa. Độ sâu cắm lưới vây từ 1,5m nước trở lên.

“Quá trình nuôi ốc, chúng tôi sử dụng hoàn toàn bằng thức ăn tươi sống nên người nuôi phải quản lý chặt chẽ lượng thức ăn hàng ngày, không để bị thừa. Phải thường xuyên kiểm tra vớt bỏ toàn bộ thức ăn thừa, xương, đầu cá..., tránh ô nhiễm môi trường nước”, anh Thái chia sẻ kinh nghiệm.

Hiện nay, ngoài nuôi ốc hương, cũng với sự hỗ trợ của Chi cục Thủy sản Quảng Bình, gia đình anh Thái đang triển khai thực hiện mô hình nuôi cá bớp theo công nghệ lồng Na Uy. Đây được xem là công nghệ lồng nuôi biển mới, hiện đại nhất hiện nay nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Nông dân có thể nuôi cá tại các vùng biển xa bờ, chịu được sóng gió lớn cấp 12, giảm thiệt hại thấp nhất khi xảy ra bão lũ…

Anh Lê Đức Hậu (thôn 19 - 5) mới tham gia mô hình nuôi ốc hương bằng vây lưới trên biển nên chưa có kinh nghiệm, còn nhiều bỡ ngỡ. Tuy nhiên, nhờ được hướng dẫn về kỹ thuật nuôi và chăm sóc kỹ lưỡng nên ốc hương phát triển tốt. “Vụ nuôi vừa qua, tôi bán được hơn 3 tấn ốc hương, trừ chi phí lãi được hơn 150 triệu đồng. Tôi sẽ tiếp tục phát triển mô hình trong thời gian tới. Hiện tại, gia đình tôi đang vệ sinh lại hệ thống lưới, mua con giống để thả nuôi vụ tiếp theo”, anh Hậu cho biết.

Ốc hương nuôi trên biển được thương lái ưa chuộng nên bán rất đắt hàng. Ảnh: T.P

Ốc hương nuôi trên biển được thương lái ưa chuộng nên bán rất đắt hàng. Ảnh: T.P.

Hiện nay, nhiều gia đình ở huyện Quảng Trạch đã đầu tư nuôi ốc hương trên biển. Theo ông Trần Văn Định, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quảng Trạch, trên địa bàn huyện, ngoài các hộ dân thực hiện nuôi biển theo mô hình hỗ trợ của Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình, còn có nhiều hộ dân nuôi biển tự phát khác. Với các hộ dân này, do chưa có kỹ thuật, công nghệ nuôi lạc hậu, đa số sử dụng thức ăn tươi, mật độ thả nuôi chưa bảo đảm, do đó độ rủi ro về môi trường, thiên tai, dịch bệnh rất lớn.

Vì vậy thời gian tới, huyện Quảng Trạch sẽ phối hợp với Chi cục Thủy sản Quảng Bình và các cơ quan chuyên môn triển khai quy hoạch chi tiết mặt nước ở khu vực vịnh Hòn La. Trong đó, lưu ý những khu vực không ảnh hưởng đến giao thông đường thủy và đánh bắt hải sản của ngư dân.

“Huyện khuyến khích và hỗ trợ các hộ dân có đủ điều kiện đầu tư phát triển nuôi biển theo hướng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để tăng năng suất, bảo đảm chất lượng. Đặc biệt là sử dụng lồng nhựa HDPE công nghệ Na Uy vào chăn nuôi để tránh rủi ro, ứng phó với biến đổi khí hậu, mưa bão”, ông Định cho biết.

Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản Quảng Bình, trên thị trường hiện nay, nhu cầu về ốc hương rất lớn vì loại ốc này có chất lượng thịt thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng. Cùng với các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, cá thì ốc hương là đối tượng nuôi mới, mở ra một hướng sản xuất đầy triển vọng trong nuôi trồng thủy sản.

Vùng biển Quảng Trạch, nơi phát triển nghề nuôi biển mới. Ảnh: T.P

Vùng biển Quảng Trạch, nơi phát triển nghề nuôi biển mới. Ảnh: T.P.

Theo ông Bùi Xuân Ngọc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Bình, mô hình nuôi ốc hương đã tạo nên sự đa dạng về đối tượng, hình thức nuôi phục vụ nhu cầu của người dân trong tỉnh. Qua đó, góp phần phát triển nghề nuôi hải sản, hạn chế tình trạng khai thác ốc hương tự nhiên trên địa bàn.

“Từ mô hình nuôi ốc hương bằng vây lưới trên biển, bà con đã đầu tư mở rộng trên diện tích hơn 10ha, không chỉ giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương mà còn tạo nguồn thu nhập đáng kể cho người nuôi. Đầu tư nghề nuôi mới này có thể là đòn bẩy giúp người dân vươn lên làm giàu”, ông Ngọc nói thêm.

Xem thêm
Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.