Ủy ban quốc phòng Triều Tiên (NDC) cho rằng cuộc tập trận là “sự khiêu chiến không thể tha thứ” và cho biết quân đội và người dân Triều Tiên sẽ “đập tan” các động thái của Hàn Quốc và Mỹ bằng “một cuộc thánh chiến theo kiểu của riêng chúng tôi”.
Đe dọa là thái độ thù địch mới nhất của Bình Nhưỡng đối với Seoul kể từ khi ông Kim Jong-un, người con trai út của cố Chủ tịch Kim Jong-il, lên nắm quyền ở Triều Tiên sau cái chết của cha ông vào tháng 12 vừa qua.
Tuần trước Triều Tiên đã tuyên bố sẽ tiến hành “các cuộc tấn công trả thù không thương tiếc” nếu bất kỳ quả đạn pháo nào rơi xuống lãnh hải mà Bình Nhưỡng tuyên bố chủ quyền trong cuộc tập trận bắn pháo của Hàn Quốc gần biên giới biển tranh chấp trên Hoàng Hải. Tuy nhiên, cuộc tập trận của Hàn Quốc đã diễn ra và Triều Tiên chưa có động thái đáp trả gì.
Đại tướng Kim Jong-un, tân lãnh đạo Triều Tiên, đi thị sát quân đội hôm 22/2
Mỹ và Hàn Quốc hiện đang bắt đầu chuẩn bị tiến hành 2 cuộc tập trận lớn chung vào tuần tới.
Giải pháp Then chốt (Key Resolve) sẽ bắt đầu vào thứ hai và kéo dài tới 9/3. Trong khi cuộc tập trận riêng rẽ khác mang tên Đại bàng non (Foal Eagle) sẽ diễn ra từ 1/3-30/4, phối hợp tập trận của không quân, hải quân và bộ binh.
“Giải pháp Then chốt và Đại bàng non là sự khiêu chiến không thể tha thứ của những kẻ ho-li-gan, xúc phạm đến thời gian để tang của chúng ta và là sự vi phạm không thể tha thứ đối với chủ quyền và chân giá trị của chúng ta”, NDC ra tuyên bố.
“Quân đội và người dân của chúng ta sẽ đập tan mọi động thái của nhóm phản quốc và những kẻ gây chiến ở trong và ngoài nước bằng một cuộc chiến mới, với cuộc thánh chiến mang phong cách của riêng chúng ta”, NDC cho biết, ám chỉ có thể tiến hành một cuộc tập trận ngăn chặn.
“Các cuộc tập trận, trên thực tế là lời tuyên chiến ngầm. Tuyên chiến thường đi liền với hành động trả thù tương ứng”, NDC tuyên bố.
“Giờ đây khi cuộc chiến đã được tuyên chống lại chúng ta, quân đội và người dân chắc chắn sẽ quyết tâm đối đầu với nó bằng một cuộc thánh chiến theo phong cách riêng của chúng ta và bảo vệ an ninh, hòa bình của đất nước”, NDC cho hay.
“Vũ khí nguyên tử không phải là độc quyền của Mỹ. Chúng tôi có phương tiện mạnh hơn bom hạt nhân của Mỹ rất nhiều và có thiết bị siêu hiện đại chưa nước nào từng sở hữu”.
“Thật buồn là người Mỹ đã nhầm nếu nghĩ rằng họ an toàn vì nước họ ở cách xa bên kia bờ đại dương. Không có giới hạn về cường độ tấn công và quân đội và người dân chúng ta đồng sức để quét sạch những kẻ hiếu chiến này”.
Giáo sư Kim Yong-Hyun, thuộc đại học Dongguk ở Seoul, cho rằng tuyên bố của Triều Tiên là nhằm gây áp lực với Mỹ và Hàn Quốc đối với cuộc tập trận, trong khi tìm kiếm sự đoàn kết, đồng lòng của người dân.
“Tuy nhiên, khó có khả năng Triều Tiên sẽ tiến hành các hành động quân sự khiêu khích, do nước này cần phải thúc đẩy đối thoại với Mỹ”, ông cho hay.
Giáo sư Yang Moo-Jin, đại học Nghiên cứu Triều Tiên cũng cho biết Bình Nhưỡng đang muốn tăng thêm tính cấp thiết của việc phải đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.
“Về cơ bản, nước này đang nói với Mỹ rằng: Các người không nên đánh mất cơ hộ này. Nếu không chúng tôi sẽ củng cố thêm khả năng phòng thủ hạt nhân, trong đó có cả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBS),” ông Yang cho biết.
Mỹ và Triều Tiên vào tháng này đã nối lại đàm phán nhằm tái khởi động vòng đàm phán 6 bên, đổi giải giáp lấy những lợi ích về kinh tế cũng như ngoại giao.