Trong Tình khúc Ơ- bai, Trịnh Công Sơn viết: Tôi đi bằng nhịp điệu/ một hai ba bốn năm/ em đi bằng nhịp điệu/ sáu bảy tám chín mười… Trong cuộc đời, đôi lúc ta cũng lỡ nhịp như thế, đi bằng nhịp điệu không giống nhau như thế, để chẳng bao giờ gặp được tri âm, sông cạn đá mòn/ sông cạn đá mòn/ làm sao ta gặp/ làm sao ta gặp được nhau. Nhưng với Trịnh Công Sơn thì không phải vậy. Sinh thời, ông có rất nhiều bạn bè. Xung quanh ông lúc nào cũng có người yêu mến, ngưỡng mộ.
Trịnh Công Sơn có những người bạn chân tình chí cốt đến độ bất kì giờ nào, bất chấp thời tiết thế nào, chỉ cần ông bấm máy kêu buồn là lập tức họ có mặt. Chỉ cần để ngồi im lặng bên nhau. Dù vậy, nhưng không hiểu sao, tôi luôn thấy Trịnh Công Sơn cô độc. Một nỗi cô độc dằng dặc trong suốt cuộc đời. Một nỗi cô độc cùng cực trong âm nhạc.
Khi cất lên lời ca: Đừng tuyệt vọng, tôi ơi, đừng tuyệt vọng… thì chúng ta mới thấm thía nỗi cô độc ấy nhường nào. Vì cô đơn quá, tuyệt vọng quá mà tự nhủ lòng mình, tự dằn lòng mình như thế. Tôi luôn bị ám ảnh bởi một hình ảnh không biết bằng cách nào đã chui vào kí ức của tôi về Trịnh: Trịnh Công Sơn ngồi một mình trên ban công, cạnh cây sứ già ba bốn mươi tuổi, trên tay cầm li rượu và điếu thuốc không ngừng cháy ở tay kia. Dường như ông đang tự thưởng thức, đang gặm nhấm nỗi cô độc của mình. Không ai có thể chia sẻ. Không có nhu cầu chia sẻ cùng ai. Đó là những sớm mai thức dậy, không còn thấy loài người, mà tuyệt vọng kêu lên rằng hãy sống giùm tôi hãy nói giùm tôi hãy thở giùm tôi.
Đã có rất nhiều phụ nữ lần lượt đi qua cuộc đời Trịnh Công Sơn. Nào những Diễm, những Thanh Thúy, Khánh Ly đến những người đẹp sau giải phóng… Nhưng rốt cục thì từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ. Tất cả họ là những dòng sông nhỏ chảy qua cuộc đời ông, bồi đắp cho ông nguồn cảm hứng tình ca bất tận. Gia tài đồ sộ hơn sáu trăm ca khúc của ông thu phục hàng triệu, hàng triệu trái tim và lớp lớp thế hệ yêu âm nhạc. Nhạc Trịnh Công Sơn len lỏi trong quán bar, trên máy bay, trong phòng khách, phòng ngủ nhà nhà, đã nối vòng tay lớn khắp từ Bắc vô Nam, còn ông thì trời cao đất rộng/ một mình tôi đi/ đời như vô tận/ một mình tôi về/ một mình tôi về, với tôi.
Trong nhạc Trịnh, hình ảnh người phụ nữ rất được nâng niu, luôn được nâng niu. Nào nâng niu từ tóc em từng sợi nhỏ; nào nơi em về ngày vui không em; mặt đất yên, mặt trời cúi nhìn em hãy ngủ đi; hay bàn tay em năm ngón anh ru ngàn năm… Quả vậy, nhưng không hiểu sao, tôi thường có cảm giác ngược lại. Tôi luôn nghĩ rằng Trịnh mới là người cần được (phụ nữ) nâng niu chia sẻ. Chia sẻ để vơi đi nỗi nỗi cô độc thường trực, ám ảnh trong cuộc đời ông, cả khi không còn nữa trên cõi đời này.
Tôi tự cho mình một cái quyền, một trách nhiệm: nghe nhạc Trịnh là để chia sẻ nỗi lòng ông. Và trong cái tâm thức ấy, trong những không gian cô độc khác nhau, lắng từng giọt âm thanh Trịnh Công Sơn, tôi ngộ ra cái đẹp của sự cô độc. Trong nỗi đau đớn, tuyệt vọng đến cùng cực, âm nhạc ông vẫn chứa chan một tình yêu cuộc sống, rất nhân văn, rất chân thực. Tôi là ai, là ai, là ai mà yêu quá đời này… Đó là khát vọng mãnh liệt để sống, để thưởng thức sự cô độc. Âu đó cũng là một cách sống đẹp.
Đã mười năm rồi nghệ sĩ tài hoa của chúng ta đi xa, nhưng nói như nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: “Âm nhạc, thơ ca và hội họa của ông sẽ lãnh trách nhiệm sống tiếp đời sống của ông”. Âm nhạc Trịnh Công Sơn vẫn vang lên. Chúng ta vẫn sẻ chia, và khám phá vẻ đẹp bất tận của nhạc Trịnh.