| Hotline: 0983.970.780

Trò chuyện cùng em gái nhà thơ, nhà báo Trần Mai Ninh

Chủ Nhật 20/06/2021 , 15:28 (GMT+7)

Trong đời hoạt động cách mạng ngắn ngủi chỉ mười một năm, Nguyễn Thường Khanh - Trần Mai Ninh đã để lại một sự nghiệp thơ văn và báo chí phong phú...

Trong câu chuyện với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, bác sĩ Nguyễn Thanh Thanh, em gái nhà báo, nhà thơ Trần Mai Ninh luôn dành cho người anh sự kính trọng về tài năng, đức độ và niềm thương nhớ khôn nguôi. Ảnh: Kiều Khải.

Trong câu chuyện với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, bác sĩ Nguyễn Thanh Thanh, em gái nhà báo, nhà thơ Trần Mai Ninh luôn dành cho người anh sự kính trọng về tài năng, đức độ và niềm thương nhớ khôn nguôi. Ảnh: Kiều Khải.

Tôi biết bác sĩ Nguyễn Thanh Thanh là em gái nhà báo - nhà thơ - liệt sĩ Trần Mai Ninh ở trung tâm Hà Nội đã lâu song chưa có dịp hỏi chuyện bà. Nhân có bạn đồng nghiệp từ miền Trung ra Thủ đô, anh lại từng được nhận Giải thưởng báo chí Trần Mai Ninh của tỉnh Thanh Hóa, đó là cú hích để chúng tôi gõ cửa nhà riêng em gái người thi sĩ tác giả “Tình sông núi”. 

Một nhà báo hăng hái

Trước khi nhận sổ hưu, bác sĩ Nguyễn Thanh Thanh là Trưởng phòng Đối ngoại Ủy ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em Trung ương.

Chúng tôi rất ngạc nhiên khi biết bà đã bước sang tuổi 95. Vậy mà, suốt cuộc trò chuyện, chúng tôi được trò chuyện với một nhà trí thức minh mẫn, thông tuệ và luôn cởi mở với một tâm hồn trẻ dù cuộc đời của bà cũng không ít sóng gió.

“Anh Nguyễn Thường Khanh - Trần Mai Ninh là thứ 3 trong 8 anh chị em. Chúng tôi là anh em cùng cha khác mẹ. Anh hơn tôi đúng 10 tuổi và là con trai cả trong 2 người con trai của gia đình. Má tôi chăm sóc 2 chị và anh như con đẻ nên bản thân tôi và các chị em trong nhà hầu như không biết là mẹ gà con vịt”.

Người tầm thước, rằn chắc, khi cười lộ một cái răng khểnh trông rất nghịch ngợm. Hai hàm răng trắng bóng, nổi bật trên khuôn mặt khi nào cũng đỏ gay. Có lẽ đây là đặc điểm đáng chú ý để sau này Nguyễn Thường Khanh khi viết báo đã đặt bút danh cho mình là Hồng Diện - mặt đỏ.

“Tôi cách anh 10 năm tuổi, nên không nhớ gì về anh hồi nhỏ - bác sĩ Nguyễn Thanh Thanh tiếp tục chia sẻ - Chỉ nghe kể rằng anh được sinh ra trong một túp lều bỏ hoang ở bìa rừng huyện Hương Khê - Hà Tĩnh - cái rốn lụt lội. Chào đời mới được 3 tháng, mẹ anh đã phải bế anh trèo lên mái nhà tranh chạy nước lụt. Tuổi thơ anh quá vất vả khi lên 4 tuổi đã mất mẹ!”

Nhà thơ, nhà báo Trần Mai Ninh (1917 - 1948). Ảnh tư liệu của KMS

Nhà thơ, nhà báo Trần Mai Ninh (1917 - 1948). Ảnh tư liệu của KMS

Hai năm sau, cha tục huyền. Từ đó, 3 chị em Nguyễn Thường Khanh lại có mẹ chăm sóc, nuôi nấng, cho ăn học. Hai cô con gái lớn được học xong tiểu học, thời đó với con gái là có học vấn cao. Còn Nguyễn Thường Khanh được ra Hà Nội học tiếp bậc tại trường Trung học tư thục Thăng Long. Đây là cái nôi cách mạng nên mới học được một năm, anh đã cùng bạn học là Đào Duy Kỳ rủ nhau bỏ học để đi làm báo, đấu tranh xã hội...

Nguyễn Thường Khanh đã cùng Trường Chinh, Đào Duy Kỳ, Trần Đình Tri,… viết trên nhiều tờ báo trong phong trào dân chủ lúc đó như Bạn Dân, Thời Thế, Tin Tức, Thế giới...

Trước đó, khi còn học ở Thanh Hóa, các cậu học trò nhỏ đã có đam mê viết báo. Đó là tờ “Con Sáo" phản ánh sinh hoạt của lớp, nổi bật là thơ và tranh châm biếm một số thầy kém đạo đức sư phạm... Nhiều thế hệ học sinh Thanh Hóa về sau còn nhắc đến báo “Con Sáo".

Tham gia công tác báo chí của Đảng từ đầu năm 1937, Nguyễn Thường Khanh nổi lên là cây bút đầy triển vọng. Dưới bút hiệu Trần Mai Ninh, anh đã viết truyện ngắn về đề tài công nhân nhan đề "Trong nhà máy" có tiếng vang rộng rãi.

Tuyển tập thơ văn Trần Mai Ninh - Tác phẩm được trao Giải thưởng Nhà nước.

Tuyển tập thơ văn Trần Mai Ninh - Tác phẩm được trao Giải thưởng Nhà nước.

Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam khủng bố dữ dội phong trào yêu nước. Về quê nhà Thanh Hóa một thời gian, Nguyễn Thường Khanh bắt được liên lạc với Lê Hữu Kiều (sau này là nhà phê bình văn học Nam Mộc) xuất bản tờ báo Bạn Đường. Năm sau xuất bản tờ báo Tự Do, được cử làm biên tập. Trong thời gian viết báo, ông viết tiểu thuyết "Ngơ ngác", viết vở kịch "Mộ phu" và kịch thơ "Hai con trâu". Bà Thanh Thanh kể tiếp:

“Gia đình tôi rất tự hào khi nghe kể anh là một phóng viên rất hăng hái, tích cực xông pha vào quần chúng, từ các bà, các chị bán hàng ở chợ Đồng Xuân, đến các anh thợ mỏ than Hòn Gai - Uông Bí.

Anh viết cũng hăng say, rất khỏe. Theo anh Như Phong kể, anh thiên về phóng sự, tản văn, châm biếm. Có khi báo không đủ bài, anh nhận viết hộ, và trong một đêm đã xong bản thảo đầy đủ cho một tờ báo nhiều chuyên mục. Viết nhiều nên anh cũng nhiều bút danh: Tố Chi, Mạc Đỗ, Hồng Diện, TK, Nguyễn Thường Khanh, Thảo Hoa và Trần Mai Ninh.

Tôi cũng thích những bút danh này, vì nó không kêu quá, không to tát quá, thí dụ như Tố Chi là con chi chi đẹp, loại bọ dừa nhỏ hay đậu cây bìm bìm, như Thảo Hoa là hoa cỏ, Mạc Đỗ - hạt đỗ mộc mạc. Còn Trần Mai Ninh là tên chị Mai và em Ninh, 2 người chị em họ chúng tôi, đã giúp đỡ anh nhiều trong đời sống...”.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Thanh em gái nhà báo Trần Mai Ninh - là phu nhân của Cố Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trọng Nhân. Ảnh: Kiều Khải.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Thanh em gái nhà báo Trần Mai Ninh - là phu nhân của Cố Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trọng Nhân. Ảnh: Kiều Khải.

 Không nguôi thương nhớ!

Cách mạng tháng Tám 1945 làm hồi sinh cả một dân tộc đã chịu thân phận nô lệ suốt 80 năm. Nhưng người Pháp thực dân cũng mau chóng quay trở lại với ý đồ đặt lại ách thống trị. Trần Mai Ninh cầm vũ khí bước vào cuộc chiến đấu mới. Thơ ca cũng là vũ khí sắc bén.

Những vần thơ phá cách, thanh sảng trong tư tưởng ra đời, nổi bật là 2 bài: Nhớ máuTình sông núi. Anh em bộ đội thường ngâm nga: “Các anh hùng tay hạ súng trường/ Rồi khẽ vuốt mồ hôi và máu/ Họ cười vang vang lớp lớp tinh cầu” (Nhớ máu) hay “Khi vui non nước cùng cười/ Khi căm non nước với người đứng lên” (Tình sông núi). 

“Trong đời hoạt động cách mạng ngắn ngủi chỉ mười một năm, Nguyễn Thường Khanh - Trần Mai Ninh đã để lại một sự nghiệp thơ văn và báo chí phong phú. Bạn đọc ngày nay biết ông qua các tập thơ, truyện nhưng ít biết ông là một cây bút báo nhạy cảm, sắc sảo, dũng cảm” (Nhà báo Đặng Minh Phương - nguyên Trưởng ban báo Nhân Dân).

Sau đó, ông được điều vào công tác ở vùng tạm bị giặc Pháp chiếm đóng ở Nam Trung Bộ. Nhà giáo Bùi Xuân Các, nguyên Trưởng ty Tuyên truyền kiêm chủ bút báo Chiến thắng, tiền thân của báo Phú Yên, một người đã từng quen thân với Trần Mai Ninh, viết trên báo Phú Yên cuối tháng như sau:

"Đầu năm 1948, báo Chiến thắng được đổi tên thành báo Cứu quốc Khu 6 do nhà thơ Trần Mai Ninh phụ trách. Tháng 6-1948, báo Cứu quốc Khu 6 tách thành hai tờ báo riêng cho hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Tờ báo của Phú Yên có tên là Phấn đấu do nhà thơ cách mạng Trần Mai Ninh phụ trách...".

Trên đường đi, ông bị giặc Pháp bắt, tra tấn tàn khốc. Em gái ông viết lại:

“Nguồn thơ lai láng và mạnh mẽ ấy năm 1948 đã bị tắt ngấm: lính Pháp tại nhà tù Nha Trang đã giết anh một cách độc ác, dã man. Chúng bắt anh vẽ theo yêu cầu của chúng - một áp phích ca tụng chúng nhưng anh đã vẽ ngược lại (anh cũng có tài vẽ Croquis, biếm hoa, áp phích...). Thế là chúng móc 2 mắt anh ra, buộc 2 tay anh vào một xe Jeeps, kéo chạy khắp phố Nha Trang. Anh ngất đi. Chúng xuống xe, bắn chết rồi vứt xác ở vệ đường.

Anh Khanh ơi! Thương anh quá! 31 tuổi, chưa vợ con, tài hoa, chung thủy. Chết mất xác ở miền đất xa xôi, chẳng có người thân nào bên cạnh, 51 năm sau mới được công nhận là liệt sĩ”.

Cho đến nay, ngày tháng, địa điểm nơi ông hy sinh vẫn chưa được biết một cách chính xác.  

Bà Thanh nhẹ nhàng trong mạch chuyện: “Lần đặt tên đường phố và đặt tên trường học Trần Mai Ninh ở Thanh Hóa thì có thầy hiệu trưởng và các cháu học sinh ra đây. Hiện nay, tôi là người trực tiếp thờ cúng liệt sĩ Trần Mai Ninh cùng bố, má và chị gái tôi. Ngoài tôi ra, còn em gái tôi cũng ở Hà Nội. Khi viết xong cuốn sách “Anh tôi hồi ấy”, tôi có gửi qua bưu điện vào tặng Hội VHNT tỉnh Thanh Hóa.

Tại Thanh Hóa có một con đường và một ngôi trường mang tên nhà báo, nhà thơ Trần Mai Ninh

Tại Thanh Hóa có một con đường và một ngôi trường mang tên nhà báo, nhà thơ Trần Mai Ninh

Nhớ lại những kỷ niệm về người anh trai, bác sĩ Nguyễn Thanh Thanh bồi hồi:  “Tôi có vào Nha Trang, tôi cứ đi thư thả ngoài bờ biển, ngoài đường phố, tôi hỏi các cụ già xem có ai biết sự kiện Tây hành quyết anh tôi không, hay có ai đắp cho anh nấm mộ nào không? Tất cả những người tôi hỏi đều không biết. Hơn 70 năm rồi, chúng tôi vẫn không nguôi thương nhớ về anh: anh Nguyễn Thường Khanh - nhà thơ - nhà báo Trần Mai Ninh”.

“Trần Mai Ninh đã ngã xuống sớm quá. Anh chưa tự thực hiện hết mình, chưa tự khẳng định được mình trọn vẹn. Nhưng, với những trang văn thơ anh để lại cho đời, anh đã có thể xứng đáng ở vào một vị trí nhất định trong dòng văn học cách mạng ở nước ta” (Nhà văn Như Phong - nguyên Giám đốc Nxb Văn học).

Xem thêm
Ông Trịnh Văn Bình làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang

Ngày 4/11, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

Diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao

PHÚ THỌ Diễn đàn phổ biến bộ giống chè chất lượng cao và yêu cầu của thị trường trọng điểm, hướng tới mục tiêu chuyển đổi 70% diện tích sang các giống chè mới vào năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.