| Hotline: 0983.970.780

Nghìn lẻ thủ đoạn phá hoại cây trồng, vật nuôi:

Trộm tấn công vườn cây ăn trái

Thứ Tư 25/04/2018 , 09:10 (GMT+7)

Từ sau tết đến nay, do giá trái cây như mít, chuối, thanh long, bưởi... tăng cao khiến các vườn cây ăn quả nhiều tỉnh phía Nam bị trộm hoành hành dữ dội suốt ngày đêm.

Thủ đoạn rất táo tợn, chúng đánh cả xe đi ăn trộm, tháo cả mô tơ điện, máy bơm nước trong vườn nên nông dân vô cùng hoang mang…
 

"Mít tặc" hoành hành

Chúng tôi tìm đến tỉnh Tiền Giang, anh Nguyễn Thanh Hiền, một người dân nhiệt tình dẫn đến nhà ông Bùi Văn Ba (ấp Hậu Phú 1, xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè) để tìm hiểu vụ mất trộm mít mới xảy ra ít ngày.

11-41-26_7
Nhà vườn trồng mít ở tỉnh Tiền Giang vừa bị trộm cuỗm mất trái mít to

Theo xe anh Hiền, chúng tôi để ý hai bên tuyến kênh Đoàn Dong dẫn vào nhà ông Ba trồng kín những hàng mít đang cho trái. Xe vừa đậu trước ngõ, trời đã nhá nhem tối, đàn chó sủa inh ỏi, từ trong nhà ông Ba vội cầm đèn bin chạy ra kiểm tra.

Gặp chúng tôi đi cùng anh Hiền, nên ông Ba hơi chững lại, rồi niềm nở: “Ai cũng bảo nông dân là sướng, ban ngày vác cuốc ra đồng, tối về ngủ thẳng cẳng một giấc. Ấy vậy mà chúng tôi có đêm nào được yên giấc đâu, nhất là gần đây bọn trộm hoành hành dữ quá khiến bà con mong có một giấc ngủ ngon cũng khó, chú ạ!”.

Nói rồi ông Ba dẫn chúng tôi ra vườn mít sau nhà, rọi đèn bin vào những cây mít vừa bị bọn trộm cắt trái, vết cắt vẫn còn tươi mới. Ông bức xúc: “Cả năm trồng cây mong ngày hái quả, ấy thế mà mình chưa kịp cắt bán thì bọn trộm đã vào “ăn” trước, chúng lại toàn xơi những trái mít to cả chục ký. Chẳng đâu xa, mới hôm trước chúng rình vặt thêm mấy trái mít bự nhất ngoài ngõ. Nghe chó cắn, tôi chạy ra liền nhưng chẳng kịp, nhìn vết dao vừa cắt nhựa đang nhỏ tong tong mà bực quá”.

Gia đình ông Ba có trên 100 gốc mít siêu sớm đã 4 năm tuổi, cây đang vào độ cho trái rất sung và toàn trái to. Từng cây, từng quả mít trong vườn đều được chăm sóc rất kỹ càng, thậm chí còn bao trái để tránh sâu bệnh.

11-41-26_8
Ông Ba chỉ vào những vết cắt trộm mít còn mới trên cây

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Nhi (xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy) mới đây cũng bị bọn trộm ôm trộm sạch số trái mít trong vườn. Theo ông Nhi, bọn trộm chạy xe chở theo những giỏ xách to đùng giả dạng thương lái đi thu mua mít. Buổi chiều đi ngang qua nhà ông, chúng ghé thăm cứ tấm tắc khen, vườn toàn trái mít to đẹp. Một tên khuyên ông nên dùng bao tải bọc những trái mít to sắp chin, để khỏi sâu bệnh.

“Gặp bọn trộm mít, chuối giả dạng người đi thu mua thì rất khó xử lý. Bởi lẽ trái mít, chuối nào nhìn cũng như nhau, do chủ vườn không thể làm dấu để nhận biết trái của vườn nhà mình, nên bọn trộm có chở mít, chuối đi công khai cũng không thể nói đó là đồ ăn trộm. Nếu có bắt được quả tang tại vườn thì khi đưa ra chính quyền, công an xử lý cũng chỉ là…xử phạt hành chính, bọn chúng không sợ”, anh Nguyễn Thanh Phước, PGĐ HTX ca cao Thống Nhất (Đồng Nai) nói.

Nghe có lý, ông Nhi vui vẻ làm theo, hy vọng lứa mít sẽ thu hoạch khá. Không ngờ sáng hôm sau ra thăm vườn, ông tá hỏa khi thấy tất cả những trái mít to già nhất vừa bao trái hôm trước đã “không cánh mà bay”. Lúc này, ông mới biết mình đã bị bọn trộm lừa xui ông bao sẵn những trái to, già để chúng dễ cắt trộm và vận chuyển nhanh gọn hơn.

Trộm và chủ... canh nhau

Gặp chúng tôi, anh Nguyễn Văn Lành (ấp Hưng Nghĩa, xã Hưng Lộc) cho biết, nhà anh có vườn mít 1,5ha ở ấp Hưng Bình, xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom (Đồng Nai), do vườn ở xa nên ban ngày anh thuê người trông coi. Gần đây, vườn mít rộ trái, anh đích thân phải lên vườn canh giữ mít suốt đêm.

Anh Lành than vãn: “Dịp tết vừa qua bọn trộm cứ chờ đến đêm mò vào vườn nhà tôi vặt trái te tua. Ức nhất khi trái mít nào bọn chúng cũng khoét một miếng, thấy trái già sắp chín mới cắt, còn trái non thì bỏ lại khiến cả vườn mít thối hết”.

Tết vừa qua gia đình anh bị mất mấy chục triệu tiền mít, chưa kể số trái mít bị thối phải vứt bỏ. Thế nhưng cứ đêm nào, anh bí mật ở lại canh vườn thì chẳng thấy bóng dáng trộm đâu, chờ đến sáng sớm anh vừa tranh thủ về nhà thì trộm lại kéo vào “luộc” mít ngay.

Thậm chí, để bảo vệ vườn mít, anh đã phải dựng hàng rào thép B40 vây kín xung quanh, thế mà bọn trộm cũng không tha, vừa cắt trộm mít chúng còn vơ luôn cả 200 mét hàng rào. Mặc dù anh báo công an địa phương nhưng cũng chẳng có hy vọng gì.

Không chỉ bị trộm hoành hành, nhiều nhà vườn còn gặp thương lái tung chiêu mua mít rất “độc”. Mới đây, anh Trần Anh Tuấn (ấp Hưng Nghĩa, xã Hưng Lộc) đã tiếp nhóm thương lái đến tận vườn hỏi mua mít, nhưng họ đòi kiểm tra tại chỗ, nếu trái có sơ trắng thì sẽ mua với giá cao, còn sơ đen thì họ chỉ trả rẻ hoặc không mua.

Lợi dụng trời nhá nhem tối, nhóm thương lái tẩm đất bùn vào dao rồi khoét một miếng trên trái mít, cố tình hé cho thấy miếng sơ mít bị đen khiến chủ vườn tưởng thật, đành bán rẻ để gỡ chút vốn, thay vì đổ bỏ. Với “chiêu lừa” này đã không ít chủ vườn mít trên cùng địa bàn ăn quả đắng, đến khi hiểu ra thì bọn lái rởm đã…chuyển vùng làm ăn.

11-41-26_1
Giếng khoan tại vườn nhà chị T vừa bị trộm cắt khóa tháo mất máy bơm nước
11-41-26_5
11-41-26_4
Các đối tượng trộm chuối bị bắt quả tang cùng tang vật tại vườn chuối
11-41-26_11
Chị T bức xúc kể vụ bị trộm đột nhập vào vườn trộm máy bơm nước

Trộm tấn công chủ vườn

Theo nhà vườn, thời gian gần đây nạn trộm chuối đang tung hoành khá công khai, thậm chí bị phát hiện, bọn trộm còn sẵn sàng chống trả, hoặc trả thù...

Đến thăm khu vườn chuối 10ha, khoảng 16.000 cây chuối cấy mô chất lượng cao của gia đình chị T, ở xã Suối Tre (Long Khánh, Đồng Nai). Dẫn chúng tôi ra xem vườn chuối bị trộm chặt phá te tua, chị T bức xúc: “Tôi đã đầu tư cả tỉ đồng để xây dựng mô hình trồng chuối ứng dụng công nghệ cao. Từ sau tết đến nay, giá chuối tang, vườn chuối bị trộm đột nhập liên tục cả ngày lẫn đêm. Mình cứ chờ cho chuối già mới thu hoạch, nhưng chưa kịp cắt thì trộm đã cuỗm mất rồi khiến tôi nản quá”.

Theo chị T, trước đây cứ nửa tháng chị thu được 2 tấn chuối, vậy nhưng cả tháng nay chị không cắt được quầy chuối nào vì bị trộm vào "xơi" sạch chuối già. 

“Bọn trộm rất manh động và có tổ chức, chúng chặt trộm rất nhanh. Cứ mỗi ngày vườn tôi mất mấy chục quầy chuối, cao điểm có hôm đếm mất tới 60-70 quầy chuối già. Vườn mất toàn quầy chuối lớn, trên 10kg trở lên, mỗi kg hiện bán 6 -7 ngàn đồng, bọn chúng lấy 30 quầy thì tôi cũng phải mất vài triệu bạc/ngày”.

Mặc dù chị thuê hai bảo vệ, nhưng vẫn không giữ được chuối bị cắt trộm. Có lúc đang thu hoạch đầu vườn này, bọn trộm kéo đến cắt trộm đầu kia, khi phát hiện đuổi bắt thì chúng vứt lại cả xe máy chạy tháo thân. Thậm chí có lần, chúng hung hăng quay lại tấn công chủ vườn để cướp lại xe và chuối.

Chỉ cách nay ít ngày (17/4), trong lúc chị T đang đi công việc ở xa thì nghe người quen điện thoại cấp báo bọn trộm lại vào cắt khóa, lấy mất 2 trong số 3 cái máy bơm nước ở giếng khoan trong vườn chuối.

Chẳng còn cách nào, sợ quá chị T đành phải cho tháo máy bơm còn lại đem về nhà cất. Chị T cho biết, mỗi máy bơm có trị giá 6 triệu đồng, chị đầu tư cả giếng khoan cùng ống nước hết khoảng 200 triệu, vậy mà đến nay bị trộm phá tan nát hết các giếng, lấy cắp mất cả máy bơm.

PV- MV

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm