| Hotline: 0983.970.780

Trồng chanh... xây biệt thự

Thứ Sáu 18/06/2010 , 15:07 (GMT+7)

Anh Tài là điển hình của một nông dân đi lên từ hai bàn tay trắng. Nhờ trồng chanh, anh đã xây được biệt thự, mua thêm được 2 ha đất để tiếp tục trồng chanh.

Theo chân ông Võ Ngọc Lễ, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, chúng tôi tới thăm khu vườn trồng chanh rộng 6 ha của gia đình anh Huỳnh Văn Tài, sinh năm 1972 (hiện ở ấp 1, xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ). Đập vào mắt chúng tôi là một ngôi nhà bề thế xây theo kiểu Thái rất xinh xắn, mái đỏ tươi, xung quanh là một vườn chanh sum suê, tươi tốt đang thời kỳ cho thu hoạch.

Tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Minh Hát, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Hòa Nam cho biết: Trước đây xã Bình Hòa Nam là xã vùng sâu vùng xa và là xã nghèo nhất của huyện. Cả xã có 3.850 ha đất nông nghiệp, trong đó có 650 ha đất trồng chanh. Nhờ trồng chanh, mấy năm gần đây bà con làm ăn khấm khá, đời sống kinh tế đi vào ổn định, nhiều hộ mua được xe tải, có hộ xây được biệt thự… Điển hình là hộ anh Tài, một nông dân đi lên từ hai bàn tay trắng, nhờ trồng chanh, anh đã xây được biệt thự, mua thêm được 2 ha đất để tiếp tục trồng chanh.

Từ trồng mía

Trao đổi với chúng tôi, anh Huỳnh Văn Tài cho biết: Thời gian trước đây, cuộc sống của gia đình gặp rất nhiều khó khăn, học hết lớp 7 anh đã phải nghỉ học để phụ gia đình làm ruộng, trồng lúa, trồng mía… Tôi còn nhớ như in hồi đó (chưa có giao thông đường bộ) phương tiện vận chuyển hầu hết bằng ghe thuyền, ai có ghe thì khi thu hoạch mía có lời nhiều, ai không có ghe phải đi thuê mướn, trừ chi phí lời chẳng được bao nhiêu? Thậm chí làm không cẩn thận còn bị lỗ công. Thấu hiểu được sự vất vả của người lao động, anh lặn lội đi học nghề đóng ghe, lúc đầu anh chỉ nghĩ đóng ghe chủ yếu chở mía cho gia đình, sau này nhiều bà con tới nhờ đóng và mua ghe. Ghe của anh đóng vừa tốt, giá cả lại hợp lý, ghe làm ra không đủ bán, thế là anh trở thành thợ đóng ghe chuyên nghiệp luôn.

Anh Tài cho hay, sau ngày cưới vợ, gia đình cho 5 công đất (5.000m2) trồng mía. Hai vợ chồng “cày” miệt mài, vừa trồng mía vừa đóng ghe, sẵn có ghe đi buôn mía bán trực tiếp cho các lò nấu đường. Nhờ tích cóp từ các khoản, trong 10 năm, anh Tài mua thêm được 3,5ha đất để trồng mía.

Chuyển qua trồng chanh

Đang trồng mía ngon lành thì năm 2000 bị thiên tai, diện tích mía của cả xã bị nhấn chìm trong nước lũ, nhiều gia đình lâm vào cảnh tay trắng. Trong khi bà con đang loay hoay chưa dám trồng cây gì thì anh Tài lặn lội xuống tận huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm mua giống chanh về trồng.

“Làm kinh tế đôi khi phải táo bạo”, anh nói. Năm 2001 anh gom hết vốn liếng của nhà, mượn thêm tiền của bạn bè mua cây chanh giống về trồng kín 4 ha. Hồi mới làm đất để trồng chanh, ai nhìn thấy cũng phải lắc đầu, nhiều người còn cho là thằng cha Tài “khùng”, vừa bị lũ, mía ngập hết vẫn chưa ớn đã lại chuyển hết đất sang trồng chanh. Anh Tài cười hóm hỉnh nói: “Ai cười hở mười cái răng”, và quyết tâm theo tới cùng. Đất không phụ công người, cây chanh mới trồng được 1 năm, bằng người khác trồng 2 năm, cây nào cây nấy xanh mơn mởn, lúc lỉu quả. Anh Tài phân trần: “Nhờ bị lũ mà mình hên, đất tốt quá trời, chanh trồng lớn nhanh như thổi, hơn nữa năm đó do mới bị lũ, chanh ở các địa phương bị mất mùa, chanh nhà anh trở nên quí hiếm, bán với giá rất cao, chanh thu bói đã dư sức trả tiền giống vốn”. Qua thời gian trồng anh thấy cây chanh rất phù hợp với vùng đất ở địa phương, anh vận động anh em trong gia đình và bà con trong ấp cùng làm. Nhờ trồng chanh, nhiều gia đình có cơ hội thoát nghèo. Khi cây chanh đã vượt qua khỏi ranh giới của ấp, lan tỏa hết trong xã, người người trồng chanh, nhà nhà trồng chanh, ai cũng có chanh bán, giá cả bị cạnh tranh, dẫn đến chanh bị mất giá.

Anh Tài cho hay, nếu mình cũng trồng như người ta (trồng - chờ tới vụ thu hoạch là hái) thì không có ăn. Vấn đề đặt ra là người nông dân cần phải có kiến thức, am hiểu kỹ thuật. Một lần nữa anh phải lặn lội tìm kiếm thông tin trên sách báo, về tỉnh Tiền Giang - thủ phủ của trái cây, học hỏi kinh nghiệm, áp dụng KHKT cho chanh ra trái vụ. Sau nhiều năm gắn bó với cây chanh, anh đúc rút được nhiều kinh nghiệm và muốn chia sẻ để bà con tham khảo:

Cách 1: tạo sự khô hạn. Chanh có thể ra hoa quanh năm, nhưng thường tập trung vào mùa xuân (mùa thuận). Muốn cho trái nghịch vụ, đầu tháng 7 dương lịch tiến hành bón phân, mỗi gốc 500g phân hỗn hợp theo tỷ lệ: 1 ure + 2 DAP + 2 kali, tưới nước cho tan, sau 15 ngày số lá trên cây sẽ rụng 30%. Sau đó ngưng tưới nước 15 ngày, đến cuối tháng 7 sẽ tưới trở lại. Tuần lễ đầu tưới 2 – 3 lần/ngày, sau đó giảm dần cây sẽ ra hoa, 20 ngày sau cây đậu trái. Khi trái bằng đầu ngón tay, mỗi gốc bón 200g – 500g hỗn hợp phân ure, DAP, kali theo tỷ lệ 1 : 1 : 1, sau đó cứ 15 ngày bón một lần (bón liều lượng như trên). Cách 2: Chăm sóc cây giống như cách 1, tuy nhiên phân bón thì dùng phân ure liều lượng 1kg pha cho 8 lít nước phun lên cây, sau 3 – 5 ngày lá rụng 50% thì ngưng tưới nước. Cuối tháng 7 phun phân bón lá Flower 95 hoặc kích thích tố ra hoa Thiên Nông, sau đó tưới như cách 1 cây sẽ ra hoa và cho trái nghịch vụ.

Anh Tài cho biết thêm nếu áp dụng tốt kỹ thuật xử lý ra hoa trái vụ thì giá bán sẽ tăng gấp 3 – 4 lần so với cây chanh không được xử lý. Năm 2008 anh đã xây được biệt thự và mua thêm 2ha đất trồng chanh, hiện nay anh Tài có 6 ha chanh đang thu hoạch, sản lượng đạt 70 – 80 tấn/ha/năm, giá bán bình quân khoảng 10.000đ/kg.

Qua việc chuyển đổi đất trồng mía sang trồng chanh, gia đình anh Huỳnh Văn Tài, trừ chi phí, thu nhập khoảng 600 triệu đồng/năm. Anh tạo điều kiện cho 20 lao động nhàn rỗi ở địa phương có thêm việc làm với mức trả 80.000đ/ngày.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Vụ lúa đông xuân 'vui như tết' của nông dân Quảng Trị

Đến cuối tháng 4, nông dân Quảng Trị đã thu hoạch gần 60% diện tích lúa đông xuân, dự kiến sẽ kết thúc thu hoạch trước 10/5; năng suất đạt 6,1 - 6,2 tấn/ha.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm