| Hotline: 0983.970.780

Trồng gấc thu nhập khá

Thứ Năm 01/11/2018 , 14:50 (GMT+7)

Gấc là loại cây trồng được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trà Vinh triển khai thực hiện tại nhiều xã ở huyện Càng Long, Cầu Ngang… bước đầu mang lại hiệu quả vô cùng phấn khởi.

08-39-47_1_ong_phn_trung_ho_gioi_thieu_tri_gc_vu_thu_hoch
Ông Phan Trung Hòa giới thiệu trái gấc vừa thu hoạch

Mô hình trồng gấc thực hiện nhằm mục tiêu đa dạng hóa giống cây trồng, thích ứng với biến đổi khí hậu và góp phần tăng năng suất cho bà con nông dân. Tại Trà Vinh, ngoài mô hình trồng gấc được sự tài trợ kinh phí của dự án thích ứng biến đổi khí hậu (AMD), còn có nhiều mô hình trồng tự phát. Điển hình là mô hình của ông Phan Trung Hòa, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp tại ấp Phú Hưng 1, xã Bình Phú, Càng Long.

Ông Hòa trước đây trồng lúa, sau đó chuyển sang trồng cây ăn trái. Từ phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với từng vùng sản xuất nhằm mang lại hiệu quả cao, ông đã mạnh dạn chuyển đổi 1.000m2 đất kém hiệu quả sang trồng 30 gốc gấc do Viện Cây ăn quả miền Nam cung cấp giống.

Sau một thời gian chăm sóc, ông nhận thấy gấc là cây dễ trồng, chịu hạn tốt, thích nghi với nhiều loại đất nhưng với điều kiện phải cao ráo, thoát nước. Đặc biệt dây gấc có thể trồng xen với vườn cây ăn trái, bên bờ ao mương, cây vẫn phát triển tốt và cho nhiều trái. Chính nhờ vậy mà đến nay, ông đã nhân giống trồng được 150 gốc trên diện tích khoảng 5 công.

Ông cho biết, gấc được trồng xen trong vườn cây ăn trái, giàn làm bằng lưới nylon, trụ xi măng. Những nơi có cây, ông tận dụng cây làm trụ đề giăng lưới. Dưới ao ông nuôi vịt và thả cá. Nhờ gấc bò phủ trên ao, tạo bóng mát nên cá lớn rất nhanh.

Theo ông, nếu trồng đúng kỹ thuật, chỉ sau 3 tháng gấc sẽ trổ bông và bắt đầu thu hoạch trái từ tháng thứ 6, liên tiếp 3 – 4 đợt, mỗi đợt cách nhau 1 tháng. Sau đó bắt đầu cắt dây, vô phân, tưới nước, dây sẽ tiếp tục đâm chồi, mọc nhánh và ra hoa. Cứ thế mà thu hoạch kéo dài cho đến 5 – 6 năm mới trồng lại.

Gấc tuy dễ trồng, ít bệnh, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhưng cũng phải bón phân đầy đủ cho dây phát triển và trái to. Phân thích hợp nhất là phân hữu cơ, bổ sung thêm phân vô cơ như NPK. Về phân chuồng, ông đã tận dụng phân bò nuôi ủ quay để bón cho gấc nên đỡ tốn kém.

08-39-47_2_gc_leo_gin_de_theo_doi_v_de_hi
Trồng gấc cho thu nhập khá

Theo tính toán của người trồng, mỗi dây gấc trồng đạt yêu cầu sẽ cho 100 trái/năm, bán với giá 9.000đ – 12.000đ/kg. Riêng cá nhân ông Hòa trồng 150 dây, thu lãi mỗi năm trên 200 triệu đồng, kể cả tiền bán cây giống. Nếu tính tổng cộng tiền bán cá và vịt, lợi nhuận sẽ cao hơn nhiều.

Gấc cũng có hai mùa, mùa thuận từ tháng 4 đến tháng 10 ÂL. Vào mùa thuận giá gấc có mức trung bình 9.000đ/kg; mùa nghịch là mùa khô hạn, vùng Tây Nguyên không đủ nước tưới nên sản lượng bị sụt giảm. Do vậy mà giá gấc ở đồng bằng lên tới 12.000đ/kg.

Từ hiệu quả đã đạt được, năm 2012 ông Phan Trung Hòa đã nhận được giấy khen của Ban Quản lý dự án Hifer Trà Vinh. Tiếp theo, ông đứng ra vận động thành lập Tổ trồng gấc Càng Long, gồm 15 tổ viên do ông làm tổ trưởng. Hàng tháng đều có cuộc họp tổ để trao đổi về kinh nghiệm SX. Nhờ vậy mà năng suất và chất lượng ngày càng cao, đầu ra dễ dàng. Khi trái chín có thương lái đến tận vườn thu mua...

 

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Chia sẻ cách tiếp cận liên ngành theo chuỗi về an toàn thực phẩm

THỪA THIÊN - HUẾ Các đại biểu đã cùng chia sẻ kết quả nghiên cứu về an toàn thực phẩm từ Dự án 'Bảo vệ sức khỏe con người thông qua cách tiếp cận Một Sức Khỏe'.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.