| Hotline: 0983.970.780

Trồng hoa loa kèn thu nhập cao ở Thừa Thiên - Huế

Thứ Hai 30/04/2018 , 08:01 (GMT+7)

Những năm qua, cây hoa loa kèn không chỉ giúp người dân phường Thủy Biều (TP Huế, Thừa Thiên – Huế) có thu nhập cao và ổn định mà còn làm cho đường phố thêm phần thơ mộng.

31237763-2165565123671899-6654785687503503360-n10513553
Ngoài thu nhập ổn định từ bán hoa tươi, người dân còn có nguồn thu từ bán củ giống

Phường Thuỷ Biều cách trung tâm TP Huế khoảng 4km về phía Tây Nam. Nơi đây có hệ sinh thái phong phú, đa dạng. Nhờ chất đất phù sa màu mỡ nên địa phương này có những vườn cây ăn trái quanh năm xanh mướt như mít, dâu, nhãn, chuối. Đặc biệt là vườn cây đặc sản thanh trà với diện tích lớn và ngon nhất tỉnh, nức tiếng gần xa.

Bên cạnh những vườn trái cây đặc sản đang cho thu nhập ổn định, những năm qua chính quyền địa phương còn triển khai mô hình trồng hoa loa kèn. Đây là loại cây đang phát huy hiệu quả kinh tế cao.

Hiện toàn phường trồng khoảng 4ha hoa loa kèn. Hoa được người dân trồng từ tháng 9 âm lịch đến tháng 2 thì bắt đầu cho thu hoạch. Năm nay thời tiết khá thuận lợi nên hoa loa kèn phát triển mạnh, đạt năng suất và chất lượng cao.

Có mặt tại Thủy Biều những ngày tháng tư, trên những cánh đồng hoa loa kèn đang vào vụ thu hoạch chính, những bông hoa xinh xắn nở trắng một màu, xen kẽ bên những vạt lúa xanh đẹp như một bức tranh.

Từ sáng sớm người dân đã bắt đầu xuống đồng thu hoạch hoa chờ thương lái đến tận vườn chở đi tiêu thụ. Ông Hoàng Trọng Tuấn (phường Thủy Biều) vui vẻ cho biết, thường thì sau khi thu hoạch, người dân phải chở đến tận các chợ bỏ mối, nhưng năm nay, thời tiết thuận lợi, hoa loa kèn được mùa và chất lượng rất đẹp nên một số thương lái từ Hà Nội vào thu mua ngay tại ruộng, người trồng rất phấn khởi.

Theo người dân cho hay, cây hoa loa kèn cho thu nhập cao hơn gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa hoặc các loại hoa màu khác trên cùng diện tích đất. Loại hoa này cũng ít sâu bệnh hơn nên chi phí cho thuốc bảo vệ thực vật thấp. Tuy nhiên, để đạt năng suất cao, mã đẹp phải cẩn thận từ khâu chọn củ giống và làm đất. Hoa loa kèn được nhân giống bằng củ. Gần 2 tháng sau khi xuống giống, cây mới nhú mầm. Hoa loa kèn phát triển đều nhau nên không mất công tỉa cành, chăm bông như hoa cúc hay hoa hồng. 

Người trồng hoa ở phường Thủy Biều cho biết thêm, hoa loa kèn ưa ẩm nên phải tưới đủ nước giữ độ tơi xốp, thông thoáng cho đất, đồng thời cần cung cấp đủ chất dinh dưỡng để cây khỏe khoắn chống lại các loại bệnh dịch và thời tiết khắc nghiệt xứ Huế. Từ trồng đến lúc mọc có thể tới 45 - 48 ngày. Để tránh cỏ mọc người ta phải phủ 1 lớp rạ mỏng, vừa hạn chế cỏ, vừa che phủ đất để giữ ẩm.

Bên cạnh đó, trước khi gieo củ phải cày ải nhiều lần, đánh luống cao, mặt luống bằng phẳng. Cây hoa loa kèn thường mắc bệnh đạo ôn, cần lưu ý phòng trừ kịp thời để không gây ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất của hoa.

Điều quan trọng nhất trong trồng hoa loa kèn là độ ẩm, nguồn nước. Mặc dù hoa không chịu được ngập úng, nhưng đất luôn phải được giữ ẩm 70 - 72%... Nếu chọn được giống tốt và chăm bón đúng kỹ thuật thì một cây loa kèn có thể cho từ 5 – 7 bông hoa.

Theo ông Hoàng Trọng Dị, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thủy Biều: Hoa loa kèn giá trị thu hoạch tương đối cao. Bình quân 1ha đạt 100 -120 triệu đồng. Ngoài thu tiền từ bán hoa, người trồng còn thu về được cả tiền củ giống cho thương lái ngoài Hà Nội, nơi có nhu cầu về nguồn giống hoa ất lớn. Chỉ riêng tiền bán giống thì bà con cũng có thu nhập vào khoảng 16 - 20 triệu đồng/sào. Cộng lại bình quân giá trị trên 270 triệu đồng/ha.

 

Xem thêm
Người làm nên thương hiệu 'heo say xỉn'

NINH BÌNH Mấy năm nay tôi không thể vào một trại lợn nào vì chủ trại phòng dịch rất nghiêm, thế mà anh Nga bảo vào thoải mái, lao động ở đây còn thường xuyên về nhà.

Chú trọng tiêm vacxin, chống buôn lậu trước mùa nguy cơ dịch bênh

Chỉ đạo hoạt động của ngành thú y, chăn nuôi thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh bằng vacxin và phòng chống buôn lậu.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.