| Hotline: 0983.970.780

Trồng hơn 1.000 cây xanh xung quanh ngọn núi cao nhất Huế

Chủ Nhật 24/11/2024 , 19:00 (GMT+7)

THỪA THIÊN - HUẾ Hơn 1.000 cây xanh các loại sẽ được trồng từ chân lên đỉnh núi Kim Phụng với mục đích tạo các mảng rừng nhiều sắc màu từ hoa và lá cây rừng theo tuyến đường.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế và Sở NN-PTNT tham gia trồng cây tại lễ phát động. Ảnh: CĐ.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế và Sở NN-PTNT tham gia trồng cây tại lễ phát động. Ảnh: CĐ.

Ngày 24/11, Sở NN-PTNT Thừa Thiên - Huế tổ chức trồng cây tôn tạo cảnh quan núi Kim Phụng thuộc xã Hương Thọ, thành phố Huế. Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 65 năm ngày Lâm nghiệp Việt Nam (28/11/1959 - 28/11/2024). 

Tại lễ phát động, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng cán bộ, công nhân viên chức, người lao động ngành nông nghiệp địa phương này đã thực hiện trồng tổng cộng 500 cây các loài gồm phượng tím, phượng vỹ đỏ, giáng hương, ngô đồng, lim xẹt, bằng lăng tại khu vực chân núi Kim Phụng.

540 cây xanh còn lại, Chi cục Kiểm lâm và Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Tiền Phong sẽ tiếp tục trồng thêm từ độ cao 135 mét đến đỉnh núi Kim Phụng theo đúng thiết kế và hoàn thành trước ngày 31/12/2024.

Các loại cây sẽ được trồng dọc tuyến đường lên đỉnh núi Kim Phụng, tạo 5 điểm quan sát nhìn toàn cảnh thành phố Huế ở các độ cao lần lượt là 200m, 250m, 300m, 350m và khu vực đỉnh núi. Trong đó, các loài cây sẽ được bố trí trồng xen kẽ theo cụm để có thể duy trì màu sắc hoa và lá theo mùa trên đường mòn dẫn lên đỉnh núi Kim Phụng.

Được biết, tổng nguồn kinh phí trồng cây đợt này khoảng 170 triệu đồng, chủ yếu do các cán bộ, công nhân viên chức, người lao động thuộc Sở NN-PTNT Thừa Thiên - Huế và các tổ chức, đơn vị liên quan đóng góp.

Bên cạnh đó, nguồn kinh phí trồng dặm, chăm sóc, quản lý bảo vệ cây sau khi trồng do Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Tiền Phong đề xuất từ nguồn sự nghiệp kinh tế ngành và chương trình phát triển lâm nghiệp, cũng như các nguồn vốn hợp pháp khác.

Các lực lượng tham gia trồng cây.

Các lực lượng tham gia trồng cây.

Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT Thừa Thiên - Huế cho rằng, việc trồng cây tại núi Kim Phụng nhằm tạo các mảng rừng nhiều sắc màu từ hoa và lá cây rừng, xuyên suốt theo tuyến đường đi lên đỉnh núi Kim Phụng, góp phần xây dựng khu vực trở thành điểm tham quan hấp dẫn, kết hợp các hoạt động du lịch trải nghiệm, từng bước hình thành khu du lịch sinh thái.

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế nhấn mạnh, núi Kim Phụng là nơi cư trú của nhiều loại động thực vật bản địa, việc trồng cây tại đây giúp cải thiện môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và giữ gìn sự cân bằng hệ sinh thái. Đồng thời mang một dấu ấn quan trọng cho một đô thị di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường.

Việc trồng cây còn góp phần biến nơi đây thành một điểm đến lý tưởng cho du khách yêu thiên nhiên. Những con đường mòn phủ bóng cây xanh sẽ thu hút những người dân, du khách thích leo núi, cắm trại, và khám phá.

Cán bộ, nhân viên Sở NN-PTNT Thừa Thiên - Huế tham gia trồng cây xanh. Ảnh: CĐ.

Cán bộ, nhân viên Sở NN-PTNT Thừa Thiên - Huế tham gia trồng cây xanh. Ảnh: CĐ.

“Bên cạnh duy trì vẻ đẹp tự nhiên, hy vọng núi Kim Phụng sẽ ngày càng xanh tươi, có một không gian mới mang tính đặc trưng, trở thành địa điểm của sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên; là điểm đến lý tưởng cho du khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng tại thành phố Huế”, ông Phương chia sẻ.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết thêm, thời gian tới, thành phố Huế sẽ phối hợp với các đơn vị để tiến hành xây dựng một tuyến đường sinh thái dựa trên lối mòn cũ; cùng với các thiết chế như: điểm dừng chân; bãi đỗ xe… để phục vụ khu khách khi đến tham quan tại núi Kim Phụng.

Núi Kim Phụng hay còn gọi là Thương Sơn hoặc Thiên Dữu, dân gian gọi là hòn Đốn hay hòn Đụn, thuộc địa phận làng Hải Cát, xã Hương Thọ, thành phố Huế.

Núi Kim Phụng là một biểu tượng được khắc trên Chương đỉnh đặt trong Đại Nội, còn được biết đến là ngọn núi cao nhất cố đô Huế, với độ cao khoảng 427 mét.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.