Nhu cầu khoảng 1,4 triệu cây giống mỗi năm
Tỉnh Tiền Giang hiện có 480 cơ sở sản xuất và buôn bán giống cây trồng. Trong đó, 350 cơ sở buôn bán giống cây trồng đã thông báo thông tin về đăng ký buôn bán giống cây trồng về Sở NN-PTNT, đạt gần 73%.
Về giống lúa, các cơ sở sản xuất, buôn bán có khả năng cung ứng trên 13 ngàn tấn lúa giống/năm (trong đó sản xuất lúa giống khoảng 3 ngàn tấn/năm), cơ bản đã đáp ứng nhu cầu giống lúa phục vụ cho sản xuất nội tỉnh và cung ứng cho các tỉnh lân cận.
Về giống rau màu, các cơ sở buôn bán đảm bảo cung ứng hạt giống đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất.
Đối với giống cây ăn trái, các cơ sở sản xuất, buôn bán cây giống có khả năng cung ứng hơn 1,4 triệu cây giống/năm, đáp ứng về số lượng và chủng loại cây giống phục vụ yêu cầu sản xuất. Nguồn cây giống chủ yếu là nhập từ các tỉnh khác với sản lượng hơn 1,1 triệu cây.
Trong đó, các loại cây giống được sản xuất và tiêu thụ nhiều nhất là mít (300 ngàn cây), sầu riêng (200 ngàn cây), ổi các loại (trên 100 ngàn cây) và dừa (hơn 180 ngàn cây). Ngoài ra còn có các loại cây khác như bưởi, chanh, vú sữa, mận…
Giống hoa kiểng đa dạng, phong phú, đảm bảo về chủng loại, chất lượng và sản lượng phục vụ cho sản xuất, nhất là hoa phục vụ Tết.
Tỉnh Tiền Giang cũng hiện có 26 cây đầu dòng và 9 vườn cây đầu dòng được công nhận, với khả năng cung ứng trên 3,9 triệu mắt ghép/năm, tạo nguồn vật liệu nhân giống chất lượng phục vụ nhân giống cây ăn quả. Công tác quản lý giống cây trồng thời gian qua được thực hiện khá chặt chẽ với sự phối hợp của các ngành, địa phương.
Còn cơ sở kinh doanh chưa tuân thủ
Trong năm 2023 - 2024, Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang đã tổ chức được 12 lớp tuyên truyền cho 2.359 người tham dự, gồm công chức phòng NN-PTNT, trung tâm dịch vụ nông nghiệp và các tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán giống cây trồng trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, tỉnh đã ban hành 1 nghị quyết, 3 tiêu chuẩn cơ sở về cây đầu dòng/vườn cây đầu dòng, 2 thủ tục hành chính và 1 quy trình tạm thời công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng và trên 10 văn bản chỉ đạo, điều hành. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong công tác quản lý giống cây trồng.
Theo ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Tiền Giang vẫn còn tình trạng các cơ sở sản xuất, buôn bán giống cây trồng chưa tuân thủ tốt việc gửi thông báo sản xuất, buôn bán giống cây trồng về Sở NN-PTNT Tiền Giang trước khi hoạt động. Việc thực hiện gắn nhãn giống cây trồng chưa được các chủ cơ sở sản xuất, buôn bán thực hiện đầy đủ. Vẫn còn các cơ sở buôn bán giống cây trồng nhỏ lẻ chưa thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh theo quy định. Hầu hết các cơ sở vẫn sản xuất, buôn bán giống cây trồng chưa được công nhận lưu hành, công nhận lưu hành đặc cách, tự công bố lưu hành theo quy định của Luật Trồng trọt.
Đặc biệt, tình trạng không sử dụng nguồn vật liệu nhân giống được công nhận để sản xuất cây giống cây ăn quả lâu năm vẫn còn nhiều. Giống cây trồng không rõ nguồn gốc xuất xứ được lưu thông trên thị trường còn khá phổ biến. Các giống cây trồng chất lượng cao được nghiên cứu, chọn tạo phục vụ sản xuất chưa nhiều. Cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng được công nhận nhưng chưa khai thác đúng mức. Một số địa phương chưa quan tâm đến công tác quản lý giống cây trồng.
Bảo vệ nguồn giống quý, phát triển giống chất lượng
Để thực hiện tốt việc quản lý giống cây trồng, tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tổ chức ngày 12/11, các đại biểu cho rằng cần tăng cường công tác tuyên truyền về tầm quan trọng của giống cây trồng để người dân hiểu và sử dụng giống cây trồng có nguồn gốc và đúng giống để đảm bảo hiệu quả sản xuất. Tập huấn, tuyên truyền cho các cơ sở sản xuất, buôn bán giống cây trồng các văn bản quy phạm pháp luật về giống cây trồng để biết, thực hiện đúng quy định.
Đặc biệt là tranh thủ sự hỗ trợ của các viện, trường, trung tâm trong nghiên cứu, thử nghiệm và chuyển giao giống cây trồng mới, phục tráng các giống cây trồng đặc sản, đồng thời nhân rộng các mô hình sản xuất giống cây trồng đạt chuẩn.
Theo bà Nguyễn Đoàn Thanh Tuyết, Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Tiền Giang, cần xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho cây giống, con giống. Việc duy trì giống, gen, con giống, cây giống thông qua bảo hộ thương hiệu sẽ giúp Tiền Giang duy trì được nguồn giống quý như xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn…
Nghị quyết 06/2022/NQ- HĐND tỉnh quy định mức bảo hộ giống cây trồng là 15 triệu đồng/sản phẩm cây giống được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận. Ngoài ra, chính sách của trung ương cũng có hỗ trợ công trình nghiên cứu giống mới… Tuy nhiên, vấn đề khó khăn là giống chất lượng thì giá cao nên đa số nhà nông chọn cây giống giá rẻ hay tự chọn cây giống.
Ông Lê Văn Nê, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Gò Công Tây cho biết, số hoá trong quản lý giống cây trồng là rất quan trọng. Vì vậy, cần phát huy hiệu quả các phần mềm dữ liệu nông nghiệp và tích hợp các phần mềm này trên hệ thống website của Sở NN-PTNT, kịp thời phổ biến đến các cơ quan quản lý, cơ sở sản xuất, buôn bán các quy định mới về quản lý giống cây trồng. Cập nhật, công khai danh sách các cơ sở sản xuất, buôn bán giống cây trồng trên môi trường mạng. Tuyên truyền các cơ sở sản xuất giống cây trồng sử dụng mã QR để đảm bảo truy xuất nguồn gốc giống.
Theo ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, việc quản lý giống cây trồng đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng, cơ sở sản xuất và nông dân. Thông qua các biện pháp khuyến cáo, quản lý, thanh tra và ứng dụng khoa học công nghệ…, có thể đảm bảo cung cấp nguồn giống cây trồng chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu sản xuất và phát triển nông nghiệp bền vững.
Tới đây, Sở NN-PTNT Tiền Giang sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách trong công tác giống như sản xuất giống, nghiên cứu giống mới giúp nhà sản xuất giống, nhà nông có thêm điều kiện để phát triển, bảo tồn giống và tăng thu nhập.
“Nghị quyết 12 năm 2022 của HĐND tỉnh Tiền Giang quy định nội dung hỗ trợ, mức chi hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất giống trong chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2022 - 2030 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang chưa được nhiều nông dân và cơ sở sản xuất giống biết đến. Vì vậy cần tăng cường công tác tuyên truyền, đưa Nghị quyết, các chương trình vào thực tiễn nhiều hơn”, ông Trần Hoàng Nhật Nam nhấn mạnh.
Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang đã lập hồ sơ đề nghị và được Cục Trồng trọt công nhận lưu hành đặc cách đối với 7 giống cây trồng gồm: Giống xoài cát Hòa Lộc, giống mãng cầu Xiêm, giống sơ ri ngọt, giống khóm Queen Tân Lập, giống nhãn xuồng cơm vàng, giống sầu riêng Ri6 và giống vú sữa Lò Rèn. Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Tiền Giang chủ trì đề tài phục tráng thành công giống lúa VD20 đặc sản của tỉnh có chất lượng gạo thơm, được thị trường ưa chuộng.