Anh Tú kiểm tra giàn nấm
Nấm sò hiện đang được giá, 40 nghìn đồng/kg bán tại nhà. Anh Tú cho biết, hiện nguồn cung nấm tươi từ trại nấm của anh cũng như tất cả các cơ sở trồng nấm tại Hải Phòng không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.
Riêng trại nấm của anh có khoảng 30 mối đặt hàng tổng cộng khoảng 3 tạ nấm mỗi ngày, trong khi anh chỉ cung cấp được hơn 1 tạ. Nấm sò của trại anh Tú được đánh giá cao về chất lượng, bông nấm thơm, mũ và gốc nấm căng đầy, mỗi cụm hoa nấm nặng tới 400 gram.
Anh Tú đầu tư gần 200 triệu đồng cho 200m2 nhà xưởng trồng nấm từ năm 2014. Nguyên liệu chủ yếu mà anh dùng làm giá thể trồng nấm là rơm. Để có 4 nghìn bịch nấm sò, anh sử dụng 9 tấn rơm. Sau khoảng 40 ngày trồng, nấm sẽ cho thu hoạch đều đặn hằng ngày trong vòng hơn 2 tháng.
“Mỗi vụ như vậy tôi thu hoạch khoảng 5 tấn nấm tươi. Tổng chi phí cho mỗi bịch nấm là 10 nghìn đồng, cho lợi nhuận từ 30 - 50 nghìn đồng”, anh Tú cho hay. Như vậy, mỗi vụ nấm từ tháng 8 đến tháng 2 năm sau, anh Tú thu lời từ 70 đến 200 triệu đồng từ 200m2 trại nấm, tùy theo giá thị trường.
Theo chủ trại nấm này, trồng nấm không khó nhưng để có được sản lượng, chất lượng cao thì không hề dễ. “Mỗi người trồng nấm lại có một cách làm, bí quyết rất riêng để thu hoạch được nấm ngon nhất và nhiều nhất trên một đơn vị diện tích. Riêng tôi không mua bịch đóng sẵn giá thể mà tự đóng bịch tại nhà. Để làm giá thể, tôi thường chọn rơm nếp. Rơm nếp cho nấm nhiều hơn gấp 3 - 4 lần và nấm cũng thơm ngon hơn so với nấm trồng từ giá thể rơm tẻ”, anh Tú chia sẻ kinh nghiệm.
Việc khử trùng nguyên liệu cũng hết sức quan trọng. Anh Tú đầu tư hơn 20 triệu đồng để có một lò sấy thanh trùng tất cả các nguyên liệu đầu vào. Môi trường lán trại luôn phải an toàn, sạch bệnh, người ra vào tiếp xúc với nấm cũng phải đảm bảo vệ sinh.
Mặc dù nấm sò có thể trồng được quanh năm nhưng anh tính toán chỉ bắt đầu trồng từ mùa thu, khi thời tiết mát mẻ dễ chịu, nấm phát triển tốt, cho đến mùa xuân năm sau. Đó là mùa lạnh nên anh chọn giống nấm sò chịu nhiệt, có thể chịu được rét. Giống được mua tại những cơ sở có uy tín để đảm bảo chất lượng giống.
Nấm sò của trại anh Tú
Anh nói: “Phải tính toán làm sao để khoảng giữa tháng 2 đến giữa tháng 3 là thu hoạch xong. Như vậy, thời điểm thu hoạch nấm sẽ trùng vào mùa lạnh và nhất là dịp Tết, khi nhu cầu nấm tươi tăng mạnh, giá cao gấp đôi những thời gian còn lại trong năm. Thu hái xong thì phơi phóng, khử trùng nhà xưởng, chờ đến tháng 8 lại tiếp tục vụ mới. Thời gian chờ thì đi làm những việc khác”.
Dương Kinh là quận mới tách ra từ huyện Kiến Thụy. Nhiều nông dân ở đây cho rằng các chính sách phát triển nông nghiệp nói chung và ngành nấm nói riêng chưa thực sự được địa phương quan tâm. Bà con rất mong được hỗ trợ để có thể tiếp cận được các chính sách ưu đãi về vốn, mặt bằng phát triển sản xuất. |
Ngoài những yếu tố cần thiết đối với nghề trồng nấm như sự cần cù, tỉ mỉ, liên tục chú ý chăm sóc, theo anh Tú, tỷ lệ các yếu tố quan trọng hàng đầu là kinh nghiệm 60%, thời tiết 20%, còn lại là chất lượng giống.
Về kinh nghiệm, anh Tú kể mình từng có năm đầu tiên trồng nấm thất bại, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Anh khẳng định, để thành công trong nghề trồng nấm cần chịu khó học hỏi từ nhiều nguồn khác nhau, từ sách báo, các cơ sở nghiên cứu đến các cơ sở trồng nấm khác… Nhưng mặt khác không thể thiếu là phải tự tìm tòi thử nghiệm, sáng tạo trong hoàn cảnh thực tế sản xuất của mình, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Hơn nữa, cũng phải chấp nhận rủi ro. “Như mấy ngày trước, xưởng nấm của tôi bị sương muối, mẻ nấm đang cho thu hoạch bị vàng héo hết, thiệt hại không nhỏ”, anh Tú cho biết.
Tuy nhiên, theo các hộ trồng nấm, cái khó nhất không phải là thời tiết khắc nghiệt, vì “hỏng lứa này thì chăm sóc tiếp lại có lứa mới” mà là chuyện vốn đầu tư. Thiếu vốn là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến cho nghề nấm khó phát triển bền vững. Cách đây mấy năm, khi nghề trồng nấm nở rộ tại địa phương, quận Dương Kinh có rất nhiều hộ tham gia sản xuất. Tuy nhiên, đến nay cả quận chỉ còn duy nhất hộ anh Tú còn bám trụ được với nghề. Các hộ còn lại sau 1 - 2 vụ thất bại, nợ nần chồng chất, phải chuyển hướng làm ăn.
Riêng anh Tú muốn mở rộng quy mô sản xuất nhưng không có vốn. Chờ thu lợi nhuận để tái đầu tư thì cần rất nhiều thời gian. Quay vòng vốn chậm khiến việc sản xuất khó phát triển bứt phá.