| Hotline: 0983.970.780

Trồng ném sạch trên vùng cát Hải Lăng

Thứ Tư 16/09/2020 , 15:07 (GMT+7)

Cây ném là một trong những cây trồng được người dân các xã vùng cát của huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị ưu tiên lựa chọn để sản xuất vụ đông trong năm.

Nông dân chăm sóc cây ném ở huyện hHải Lăng, Quảng Trị

Nông dân chăm sóc cây ném ở huyện hHải Lăng, Quảng Trị

Các xã vùng cát của huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị phần lớn có địa hình thấp trũng. Trước đây, sau khi kết thúc vụ hè thu, phần lớn diện tích đất được bỏ hoang hóa bởi người dân lo ngại thời tiết mưa lũ vào cuối năm gây thất thu nên không mặn mà đầu tư sản xuất.    

Cây ném xóa nghèo

Những năm gần đây, cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khai thác tiềm năng lợi thế của vùng cát hoang hóa, địa phương này đã khuyến khích người dân đưa cây ném vào sản xuất, nhất là vào vụ đông, khi 2 vụ chính là đông xuân và hè thu đã kết thúc.

Ở huyện Hải Lăng cây ném được trồng vào tháng 9,10 hàng năm, là thời điểm vừa kết thúc vụ hè thu, cũng là thời điểm nông nhàn trong năm. Sau khoảng 2 tháng có thể thu hoạch ném lá để bán. Riêng ném còn củ thì được thu hoạch vào tháng 5,6 của năm sau.

Xã Hải Dương là địa phương có diện tích trồng ném lớn nhất của huyện Hải Lăng. Ông Phan Ngọc Quỳnh, cán bộ nông nghiệp xã Hải Dương cho biết, đến nay, toàn xã đã phát triển được gần 50ha với 100 hộ dân tham gia trồng ném.

Những năm gần đây, nhờ tích cực mở rộng diện tích trồng ném đã góp phần cải tạo nhiều diện tích vùng cát hoang hóa. Cây ném đã giúp nâng cao đời sống kinh tế của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.

Hợp tác xã Đông Dương, xã Hải Dương hiện có 80 hộ canh tác trên diện tích 12 ha và hầu hết các hộ đều tham gia sản xuất ném chất lượng cao, trong đó có những hộ trồng từ 5 - 7 sào. Nhờ cây ném, nhiều xã viên đã thoát nghèo bền vững, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu, cuộc sống ngày càng khấm khá.

Theo ông Phan Văn Quang, Chủ nhiệm Hợp tác xã Đông Dương thì so với các loại cây trồng khác, ném cho thu nhập cao gấp nhiều lần. “Trên 1 sào canh tác ném với thời vụ khoảng 4 tháng, năng suất bình quân đạt 3 tạ/sào sẽ cho thu nhập từ 7 - 8 triệu đồng, như vậy 1 ha cho thu nhập từ 130 - 150 triệu đồng. Đặc biệt, ném là loại cây dễ trồng, phù hợp với tập quán canh tác của người dân địa phương và ít bị sâu bệnh, ai cũng có thể tham gia trồng ném”, ông Quang cho hay.

Xây dựng thương hiệu “Ném củ vùng cát Hải Lăng”

Những năm gần đây, cây ném vùng cát Hải Lăng hiện rất được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng với đặc điểm thơm hơn ném các nơi khác, cây cao, lá ít xốp. Đến khi ném già lấy củ thì củ ném cũng lớn hơn so với trồng ở các vùng khác nhiều.

Hiện nay, đầu ra của sản phẩm ném cây được tiêu thụ rất nhanh và thị trường ngày càng mở rộng. Tuy nhiên, ngoài ném lá, sản phẩm ném củ ở vùng cát Hải Lăng mặc dù có giá trị cao nhưng thị trường vẫn chưa ổn định bởi thiếu yếu tố thương hiệu. Nguyên nhân bởi do người dân trồng ném với diện tích manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra chủ yếu phụ thuộc nhu cầu ở địa phương, chỉ một phần nhỏ được cung ứng ra thị trường nên thường bị tư thương ép giá. Nông dân dù bỏ nhiều công sức nhưng vẫn thiệt thòi.

Mô hình trồng ném xen mướp góp phần tăng thu nhập cho nông dân vùng cát Hải Lăng. Ảnh: Công Điền.

Mô hình trồng ném xen mướp góp phần tăng thu nhập cho nông dân vùng cát Hải Lăng. Ảnh: Công Điền.

Trước thực trạng đó, để góp phần nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân trồng ném, hướng đến sản nông nghiệp sạch và bền vững, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Quảng Trị, UBND xã Hải Quế đã hoàn thành việc xây dựng nhãn hiệu “Ném vùng cát Hải Lăng”.

Sau khi thương hiệu “Ném vùng cát Hải Lăng” được cấp giấy chứng nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm, công bố chất lượng, nhiều cơ sở sản xuất ném ở địa phương đã được chứng nhận cơ sở sản xuất đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, hồ sơ xét nghiệm mẫu đất, mẫu hạt ném đảm bảo yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, quyền sử dụng mã số, mã vạch cho sản phẩm, bộ nhãn mác, logo được các bên công nhận.

Hiện tại Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp Kim Long đã ban hành quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể để 13 Hợp tác xã trên địa bàn huyện tham gia sản xuất ném cùng ký kết thực hiện nhằm quản lý và phát triển nhãn hiệu.

Ông Dương Viết Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hải Lăng cho biết: Trước đây, sản phẩm từ cây ném chủ yếu phục vụ nhu cầu của người dân tại địa phương. Vài năm gần đây sản phẩm từ cây ném được nhiều thương lái ngoại tỉnh về tận địa bàn thu mua. Riêng ném củ đã được xuất bán ra các thị trường trong nước như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Huế… 

 Cũng theo ông Hải, để cây ném phát triển bền vững, có sức cạnh tranh cao trên thị trường, chính quyền địa phương đang cùng người dân chú trọng đến các khâu trong sản xuất, sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ để cho ra sản phẩm hữu cơ, sản phẩm ném sạch. Đồng thời cần có các chính sách dài hơi nhằm hỗ trợ nhân giống, kỹ thuật canh tác, huyện còn chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu cho ném vùng cát Hải Lăng.

Ông Phạm Đình Lợi, Quyền Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết, đến nay đã phát triển được gần 200 ha ném, trong đó tập trung ở các xã, thị trấn như: Hải Dương, Hải Định, Hải Phong, Hải Ba, Hải Hưng và thị trấn Diên Sanh.

Trong thời gian tới, huyện tiếp tục có các chính sách khuyến khích người dân khai hoang, phục hóa vùng cát đưa vào trồng ném. Từng bước hình thành các vùng chuyên canh ném tập trung, sản xuất theo quy mô nhóm hộ nhằm góp phần phủ xanh vùng cát, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân, góp phần hướng đến sản xuất nông nghiệp hàng hóa, bền vững.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.