Lãi ròng tăng gấp đôi
Qua 5 năm thực hiện việc kinh doanh trồng rừng gỗ lớn, đến nay, Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn (thành phố Quy Nhơn, Bình Định) đã trồng mới và chuyển hóa được 900ha rừng gỗ lớn. Đặc biệt, toàn bộ diện tích rừng trồng gỗ lớn của đơn vị này đều đã được cấp chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (FSC) do Tổ chức GFA (Đức) cấp từ năm 2020 đến nay.
Với những cánh rừng được trồng ban đầu với mật độ 1.600-2.000 cây/ha, sau 4-5 năm, Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn tỉa thưa để chuyển hóa thành rừng gỗ lớn, chỉ để lại 1.000-1.100 cây/ha rồi tiếp tục đầu tư chăm sóc để nâng cao chất lượng rừng sau khi chuyển hóa, tạo điều kiện cho cây rừng sinh trưởng phát triển tốt hơn.
Theo ông Trần Nguyên Tú, Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, kinh doanh cây gỗ lớn có nhiều cái lợi, đầu tiên là giảm bớt số lần khai thác và trồng lại rừng, thứ đến là năng suất rừng trồng gỗ lớn tăng trưởng bình quân trên 25m³/ha/năm; tỷ lệ sản phẩm gỗ lớn (có đường kính từ 13cm trở lên) chiếm 60% và gỗ nhỏ chỉ 40%; do đó, hiệu quả sản xuất được tăng cao; theo đó, thu nhập của người lao động cũng được nâng cao.
“Kinh doanh rừng gỗ lớn góp phần thúc đẩy tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty”, ông Trần Nguyên Tú khẳng định.
Theo tính toán của ông Tú, sản lượng của rừng gỗ lớn đạt đến 250 tấn/ha; trong đó, có 150 tấn có đường kính từ 13cm trở lên làm gỗ nguyên liệu bán cho các nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu với giá 1,8 triệu đồng/tấn; còn lại 100 tấn là gỗ nhỏ bán cho các nhà máy băm dăm với giá 1,5 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, rừng gỗ nhỏ chỉ cho sản lượng đạt 140 tấn/ha; trong đó, chỉ có 14 tấn là gỗ lớn bán được 1,8 triệu đồng/tấn, còn lại 126 tấn là gỗ nhỏ phục vụ chế biến dăm gỗ chỉ bán được 1,5 triệu đồng/tấn.
“Như vậy, tổng doanh thu của rừng gỗ lớn là 425 triệu đồng/ha, còn tổng doanh thu rừng gỗ nhỏ chỉ 220 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí khai thác và các chi phí khác như đầu tư trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng cùng trả lãi vay hết 212,61 triệu đồng, người trồng rừng gỗ lớn còn lãi ròng 212,39 triệu đồng/ha; còn rừng gỗ nhỏ sau khi trừ tổng chi phí 110,23 triệu đồng, còn lãi ròng chỉ 110,27 triệu đồng/ha. Đó là chưa kể gỗ nguyên liệu của rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC có giá trị tăng thêm từ 20-30% so với gỗ lớn không có chứng chỉ”, ông Trần Nguyên Tú tính toán.
Cơ hội của rừng gỗ lớn
Hiện nay, nhu cầu gỗ nguyên liệu phục vụ cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu trên địa bàn Bình Định là rất lớn. Trong khi đó, nguồn gỗ khai thác từ rừng tự nhiên không còn, nguồn nguyên liệu gỗ nội địa duy nhất chỉ còn trông chờ vào gỗ rừng trồng. Ấy vậy mà gỗ nguyên liệu rừng trồng hiện chỉ mới đáp ứng chưa được 20% nhu cầu của ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Bình Định, hơn 80% nhu cầu còn lại lệ thuộc hoàn vào gỗ nguyên liệu nhập khẩu.
Thực tế trên là động lực để Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn duy trì diện tích rừng gỗ lớn đã có và tiếp tục mở rộng quy mô lên 1.000ha trong thời gian tới.
Xác định cây giống trồng rừng gỗ lớn là các giống keo lai, Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn sử dụng phương pháp nhân giống bằng công nghệ nuôi cấy mô phục vụ trồng rừng đối với diện tích rừng trồng mới và diện tích khai thác trồng lại nhằm đạt năng suất, chất lượng và có giá trị kinh tế cao phù hợp cho việc trồng rừng kinh doanh gỗ lớn.
Để phát triển rừng gỗ lớn, Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn đầu tư thâm canh, chọn giống cây lâm nghiệp phù hợp cho từng vùng thổ nhưỡng, địa hình và khí hậu. Bên cạnh đó, Công ty áp dụng đúng quy trình kỹ thuật để tăng năng suất rừng trồng, đồng thời từng bước chuyển hóa những cánh rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn. Xây dựng kế hoạch theo dõi, đánh giá tình hình tăng trưởng phát triển cho từng cấp tuổi rừng gắn với phương án quản lý rừng bền vững và tiến đến cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Công ty cũng nỗ lực đầu tư kết cấu hạ tầng cho vùng phát triển trồng rừng cây gỗ lớn tập trung, trong đó đặc biệt ưu tiên xây dựng hệ thống đường lâm nghiệp, đường ranh cản lửa, để thuận lợi cho việc vận chuyển trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Đồng thời xây dựng các mô hình liên kết sản xuất từ đầu tư trồng rừng, đến thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
“Trong thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm của Công ty là phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn để nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng giá trị gia tăng trong sản xuất lâm nghiệp; đồng thời tạo ra nguồn gỗ nguyên liệu cung ứng cho nhu cầu của ngành chế biển gỗ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh”, ông Trần Nguyên Tú, Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn chia sẻ.