Quảng Nam là tỉnh có diện tích rừng đứng thứ 2 toàn quốc và đứng thứ 6 về diện tích rừng tự nhiên với diện tích đất có rừng 681.156ha phân bố trên địa bàn 201 xã của 18 huyện, thị xã, thành phố. Diện tích rừng trồng của tỉnh này hiện có hơn 218.800ha; đất chưa có rừng quy hoạch cho rừng sản xuất là 16.490ha.
Hàng năm diện tích trồng rừng bình quân của tỉnh Quảng Nam khoảng 17.630ha, trong đó chủ yếu là rừng trồng lại sau khai thác (17.416ha), trồng mới trên đất chưa có rừng 216ha. Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng bình quân hằng năm đạt khoảng 1,65 triệu m3, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và giúp các hộ gia đình thoát nghèo bền vững.
Với tiềm năng này, tỉnh Quảng Nam đang định hướng đẩy mạnh phát triển ngành lâm nghiệp bằng cách đổi mới phương pháp, quy trình trồng rừng theo cách cũ sang hướng trồng, quản lý và khai thác rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế. Một trong số những giải pháp đó là phát triển rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ FSC. Mục đích nhằm nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng, an toàn cũng như góp phần bảo vệ rừng hiệu quả.
Theo ông Từ Văn Khánh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam, đến nay diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC của tỉnh là hơn 25.000 ha (diện tích còn hiệu lực 19.310ha). Địa phương đã triển khai đánh giá và cấp chứng chỉ FSC gồm 9 huyện Tiên Phước, Hiệp Đức, Núi Thành, Phú Ninh, Đại Lộc, Bắc Trà My, Nông Sơn, Phước Sơn và Nam Giang.
“Với diện tích rừng trồng hiện có và đất chưa có rừng quy hoạch cho phát trồng rừng sản xuất (16.490ha), tiềm năng phát triển trồng rừng gỗ lớn và cấp chứng chỉ rừng FSC của tỉnh là rất lớn. Tuy nhiên, diện tích rừng trồng gỗ lớn và diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC trên địa bàn vẫn còn khá khiêm tốn”, ông Khánh nhìn nhận.
Nguyên nhân của thực trạng này là do việc phát triển rừng gỗ lớn ở tỉnh Quảng Nam hiện nay còn gặp phải nhiều rào cản. Nhiều người dân vẫn còn chú trọng trồng rừng sản xuất dăm gỗ (chu kỳ khai thác khoảng 4 - 5 năm); chưa thấy rõ lợi ích từ chứng chỉ rừng, còn lo ngại về đầu ra của gỗ có chứng chỉ. Liên kết chuỗi chưa phổ biến, doanh nghiệp chưa hỗ trợ hiệu quả về vốn, kỹ thuật cho người dân.
Nói thêm về những khó khăn trong phát triển rừng gỗ lớn trên địa bàn, ông Nguyễn Đăng Chương, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang chia sẻ, hiện nay định mức hỗ trợ thực hiện trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam quy định hỗ trợ 10 triệu đồng/ha đối với các xã biên giới và 8 triệu đồng/ha đối với các xã ngoài khu vực biên giới.
“Tại Nam Giang, đa số thực bì là lau lách, sim, mua, lan rừng, cấp thực bì là cấp 3. Với mức hỗ trợ trên, người dân địa phương không đủ kinh phí để tham gia thực hiện trồng rừng gỗ lớn. Chi phí hỗ trợ thấp dẫn đến số lần chăm sóc hằng năm ít. Do đó, không đảm bảo chất lượng rừng trồng, dẫn đến hiệu quả thực hiện dự án trồng rừng gỗ lớn thấp”, ông Chương nói.
Bên cạnh đó, các đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện dự án trồng rừng gỗ lớn chỉ được hỗ trợ công tác khuyến lâm (định mức 500 nghìn đồng/ha/4 năm), chi phí quản lý hàng năm (10% tổng mức đầu tư), hỗ trợ một lần chi phí khảo sát, thiết kế, ký kết hợp đồng trồng rừng (300 nghìn đồng/ha)... Các chi phí này rất thấp dẫn đến công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chưa được thực hiện hiệu quả.
Theo Sở NN-PTNT Quảng Nam, trồng rừng sản xuất kinh doanh gỗ lớn phải mất thời gian dài, cộng thêm áp lực về nhu cầu kinh tế, rủi ro về thiên tai, thị trường; ở vùng miền núi, đời sống khó khăn, thiếu vốn nên nhiều hộ gia đình chưa mạnh dạn trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Nhiều địa phương chưa tìm ra được loài cây khác để rút ngắn chu kỳ kinh doanh rừng gỗ lớn.
Ông Trần Út, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam cho biết, năm 2021, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 15 về về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030 diện tích rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn, tiêu chí của quản trị rừng quốc tế (FSC) đạt 30.000ha.
Về giải pháp, ông Út cho rằng, tỉnh Quảng Nam đang chú trọng đến việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân ở nhiều địa bàn, đặc biệt là các địa phương có tiềm năng lớn về trồng rừng. Cùng với đó là triển khai các giải pháp về quản lý sử dụng đất, tổ chức, nâng cao năng lực quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng, tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ, quản lý giống, tăng cường vốn cũng được đặt ra.
“Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam cũng sẽ tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp liên doanh liên kết với các hộ gia đình để đầu tư trồng rừng gỗ lớn. Việc cấp chứng chỉ rừng thực hiện theo phương thức doanh nghiệp đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật, các hộ gia đình góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Khi có sản phẩm khai thác sẽ hưởng lợi theo tỷ lệ góp vốn, hình thành chuỗi giá trị của sản phẩm lâm nghiệp, tăng sức cạnh tranh trên thị trường...”, ông Út chia sẻ.