| Hotline: 0983.970.780

Trữ nước phân tán giúp vườn trái cây đặc sản ĐBSCL vượt hạn mặn

Thứ Ba 17/09/2024 , 10:44 (GMT+7)

Tiền Giang Giải pháp trữ nước phân tán do Viện Khoa học Thủy Lợi Miền Nam khuyến cáo đã giúp vườn cây ăn trái đặc sản ĐBSCL vượt qua hạn mặn.

Trải bạt trữ nước tưới vườn bưởi tại Tiền Giang. Ảnh: Minh Đảm.

Trải bạt trữ nước tưới vườn bưởi tại Tiền Giang. Ảnh: Minh Đảm.

Trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, ĐBSCL đang đứng trước những thách thức to lớn về an ninh nguồn nước. Đáng quan tâm, vùng đất có vườn trái cây chiếm khoảng 40% của cả nước với diện tích khoảng 390.000ha, đã và đang đối mặt với tình trạng thiếu nước và xâm nhập mặn nặng nề.

Theo PGS.TS Nguyễn Phú Quỳnh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy Lợi Miền Nam, nhằm kế thừa những thành công, khắc phục tồn tại về các giải pháp tích trữ nước tưới cho các vùng cây ăn trái, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam được Bộ NN-PTNT giao chủ trì thực hiện đề tài cấp bộ “Nghiên cứu giải pháp, công nghệ tích nước phân tán phục vụ vùng cây ăn quả ĐBSCL”. Thời gian thực hiện từ tháng 01/2021 đến 12/2024.

Bước đầu, nhóm nghiên cứu đã đưa ra các giải pháp tích trữ nước tưới và hướng dẫn sử dụng nước tiết kiệm, đồng thời chuyển giao cho bà con nông dân thông qua quyển sổ tay “Hướng dẫn tạm thời kỹ thuật trữ nước, tưới hiệu quả cho cây ăn trái vùng ĐBSCL” (xuất bản năm 2021). Theo đó, có các giải pháp tích nước phân tán như: trữ trong ao hồ, kênh rạch cụt, vườn cây, túi nhựa… Riêng các mô hình thiết kế ao trữ nước với diện tích từ 10-15% diện tích vườn. Bên cạnh đó, các giải pháp tưới tiết kiệm được khuyến cáo là tưới phun mưa cục bộ và tưới nhỏ giọt.

Tiến sĩ Trần Thái Hùng báo cáo kết quả nghiên cứu tại Hội thảo Khoa học 'Nghiên cứu giải pháp, công nghệ tích nước phân tán phục vụ vùng cây ăn quả ĐBSCL' được tổ chức tại Tiền Giang sáng 16/8. Ảnh: Minh Đảm.

Tiến sĩ Trần Thái Hùng báo cáo kết quả nghiên cứu tại Hội thảo Khoa học “Nghiên cứu giải pháp, công nghệ tích nước phân tán phục vụ vùng cây ăn quả ĐBSCL” được tổ chức tại Tiền Giang sáng 16/8. Ảnh: Minh Đảm.

Tiến sĩ Trần Thái Hùng, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cho biết, đề tài nghiên cứu cũng kế thừa các dự báo nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về ĐBSCL để khuyến cáo cho bà con thời điểm lấy nước phù hợp cho các vùng cây ăn quả. Đề tài đã xây dựng được 2 mô hình trữ nước thí điểm trên bưởi da xanh (tại Tiền Giang) và sầu riêng (tại Bến Tre). Qua mùa khô hạn, các nhà vườn đã sử dụng nước hiệu quả giúp cây vượt hạn mặn, nhưng vẫn đảm bảo năng suất cao.

Ông Huỳnh Tấn Thảo, nông dân thực hiện mô hình tại xã Tân Mỹ Chánh, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang chia sẻ, được hỗ trợ hơn 70% kinh phí để đào ao, sử dụng bạt HDPE để trải và tích trữ nước, đồng thời được hướng dẫn sử dụng nước tiết kiệm cho vườn bưởi 2.000m2. Ông Thảo nạo vét 4 mương vườn, mỗi mương có chiều ngang 1,8m, dài 100m và độ sâu 1,2m, trữ được khoảng 4.000m3. Cây bưởi có đủ lượng nước trong mùa khô, quả bớt rụng và năng suất cao.

“Nếu hạn mặn kéo dài, lượng nước này sử dụng từ 1-2 tháng. Do bưởi da xanh mẫn cảm với nước mặn nên chỉ sử dụng nếu độ mặn từ 0,5‰ trở xuống, nếu từ 0,75‰ trở lên thì ngưng không tưới. Mùa khô kéo dài nắng gắt không nên để trái nhiều, nếu cây ra hoa cần hái bỏ, cắt tỉa cành tránh thoát hơi nước. Khi mùa mưa trở lại, cây sẽ nhanh chóng phục hồi, trái đẹp”, ông Huỳnh Tấn Thảo nói.

Đo mực nước trong mương vườn bưởi của mô hình thí điểm tại Tiền Giang. Ảnh: Minh Đảm.

Đo mực nước trong mương vườn bưởi của mô hình thí điểm tại Tiền Giang. Ảnh: Minh Đảm.

Đối với vườn sầu riêng tại ấp Hàm Luông, xã Tân Phú, huyện Châu Thành, Bến Tre. Hộ gia đình đã sử dụng nguồn nước trong ao hồ rất hiệu quả để phục vụ tưới trong mùa khô. Ngoài ra, còn chia sẻ với bà con xung quanh một phần nước tưới trong thời gian hạn mặn kéo dài.

Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, thế mạnh của tỉnh là trái cây và rau màu, nhất là trái cây xuất khẩu mang lại giá trị cao. Trung bình mỗi năm cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước hơn 1,7 triệu tấn trái cây, 1,2 triệu tấn rau, 800 ngàn tấn lúa. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã có những tác động không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là việc phát triển cây ăn quả, khi các loại cây trồng này mẫn cảm với chất lượng nguồn nước.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp Tiền Giang cho rằng, việc Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam thực hiện đề tài khoa học này là rất thiết thực. Qua đây, góp phần giải quyết kịp thời các bức xúc của nhà vườn, nhà khoa học và nhà quản lý trong thời gian qua. Đó là tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng, hạ giá thành, nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm thiểu thiệt hại cho nông dân, đáp ứng nhu cầu sản xuất, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trước đó vào giữa tháng 3/2024, tâm điểm hạn mặn ở ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã kiểm tra tình hình ứng phó hạn mặn. Giải pháp trữ nước không tập trung (phân tán) được Thứ trưởng đánh giá rất cao. Ông khẳng định, ứng phó hạn mặn thành công được là nhờ giải pháp trữ nước không tập trung đối với nước sinh hoạt lẫn sản xuất.

Xem thêm
Ngành chăn nuôi vẫn canh cánh nỗi lo 'xuất khẩu'

HÀ NỘI Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn đang canh cánh việc chưa thể xuất khẩu được nhiều sản phẩm.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.