Tiêu thụ suôn sẻ giữa một năm biến động
Những năm gần đây, Bắc Giang đã có nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất xây dựng, mở rộng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chuyên canh, tập trung quy mô lớn để tạo vùng nguyên liệu ổn định phục vụ cho công nghiệp chế biến.
Nhờ đó, nhiều mô hình liên kết hiệu quả đã ra đời. Đặc biệt trong năm 2021, dịch bệnh Covid-19 như "thuốc thử liều cao" cho thấy những mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản đã trụ vững trước khó khăn.
Bà Trần Thị Thu Trang, Phó Giám đốc HTX Rau sạch Yên Dũng, xã Tiến Dũng (Yên Dũng, Bắc Giang) chia sẻ: HTX thành lập năm 2016 với 6 thành viên, ban đầu HTX chỉ định hướng tự sản xuất bằng khả năng của mình. Tuy nhiên sau một thời gian hoạt động, HTX nhận ra rằng, muốn nâng cao uy tín, tăng lợi nhuận, mở rộng quy mô, sản lượng, thuận lợi áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, không còn cách nào tốt hơn là đẩy mạnh liên kết với các hộ sản xuất.
HTX đã thuê lại ruộng của những hộ dân bỏ hoang hoặc sản xuất không hiệu quả. Ngoài việc trả chi phí thuê đất theo thỏa thuận, chủ ruộng nếu có nhu cầu sẽ trở thành công nhân của HTX với mức thu nhập từ 5,5 - 12 triệu đồng/người/tháng (tùy vị trí công việc). Nhờ đó đến năm 2021, HTX đã xây dựng được 15 ha nhà màng, 45 ha canh tác ngoài trời sản xuất các loại rau củ an toàn.
Cũng theo bà Trang, đơn hàng của HTX chủ yếu đi vào các siêu thị như Big C, Vinmart, Co.opmart… Do đó, HTX luôn phải đảm bảo được nguồn cung liên tục, chất lượng. Để giải quyết vấn đề này, ngoài khả năng tự sản xuất của mình, HTX đã lựa chọn các hộ nông dân có diện tích lớn, tiến hành ký hợp đồng liên kết, với hình thức mỗi hộ sẽ sản xuất một loại cây trồng khác nhau, theo quy trình và tiêu chuẩn mà HTX đưa ra.
Nhờ đó, nguồn cung luôn được đảm bảo, phân bổ đều, không bị ùn ứ vào một thời điểm, toàn bộ sản lượng của người dân sản xuất ra đều được tiêu thụ hết. Trung bình mỗi ngày, HTX xuất bán ổn định từ 10 - 12 tấn rau, củ các loại. Nhờ tiêu thụ thuận lợi nên HTX thu mua rau cho các hộ dân với giá cao hơn giá thị trường (trung bình cao hơn từ 3.000 - 4.000 đồng/kg).
Bên cạnh đó, HTX không ký hợp đồng nguyên tắc về giá bán cố định với các đối tác tiêu thụ, mà thỏa thuận giá theo tháng, tuần. Do đó, khi giá thị trường có biến động, HTX sẽ điều chỉnh giá mua sản phẩm cho người dân. Nhờ đó, HTX đã tránh được tình trạng nông dân phá vỡ liên kết, bán sản phẩm ra ngoài khi giá thị trường tăng đột biến, nhất là trong những thời điểm nguồn cung bị khan hiếm.
Trong 2 năm 2020 - 2021, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Bắc Giang, cũng như các tỉnh thành trong cả nước, nhiều vùng sản xuất không thể tiêu thụ được sản phẩm. Tuy nhiên, nhờ duy trì được mối liên kết bền chặt, HTX vẫn duy trì ổn định được hoạt động, tiêu thụ trung bình 7 - 10 tấn rau, củ/ngày.
Danh Thắng (huyện Hiệp Hòa) là xã nông nghiệp đã và đang nở rộ nhiều mô hình liên kết sản xuất. Tiêu biểu như liên kết giữa người dân với Công ty Orion Việt Nam sản xuất khoai tây trên diện tích 80 ha; liên kết sản xuất lúa giống với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương (80 ha); liên kết sản xuất lạc giống với Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình trên diện tích 90 ha…
Đặc biệt với sản xuất khoai tây vụ đông, năm nay, nhờ mối liên kết tiêu thụ với Công ty Orion Việt Nam, HTX vẫn cầm chắc được khâu tiêu thụ và duy trì được ổn định về diện tích (80 ha), dù cho thị trường đầu ra của sản phẩm của thị trường tự do được dự báo gặp nhiều khó khăn và rủi ro khi dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến khó lường.
Không chỉ có đầu ra ổn định trước những sự cố thị trường, nông dân tham gia vào các chuỗi liên kết được doanh nghiệp hỗ trợ chi phí sản xuất ban đầu (giống, phân bón…), hướng dẫn kỹ thuật sản xuất tiên tiến, bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Nhờ đó, năng suất, giá bán sản phẩm, hiệu quả kinh tế luôn tăng cao, duy trì được vùng sản xuất ổn định, bền vững… Về phía doanh nghiệp, cũng đảm bảo ổn định vùng nguyên liệu, thuận lợi xây dựng kế hoạch hoạt động, gia tăng đối tác…
Thay đổi tư duy "ăn xổi" của nông dân
Ông Trần Văn Tú, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) Bắc Giang cho biết: Từ năm 2002 đến nay, Bắc Giang đã làm rất tốt việc phát triển các chuỗi sản xuất rau, củ, quả làm nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn rất nhiều vấn đề cần tháo gỡ.
Sản xuất nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ lớn, doanh nghiệp, HTX muốn tích tụ đất đai xây dựng vùng nguyên liệu rất khó khăn do tâm lý người dân sợ mất đất khi tham gia liên doanh, liên kết.
Bên cạnh đó, việc thực hiện cam kết, liên kết của người dân và doanh nghiệp còn lỏng lẻo, việc cân đối quyền lợi của các thành phần tham gia vào chuỗi liên kết chưa phù hợp, vẫn xảy ra những mâu thuẫn về lợi ích giữa các thành phần tham gia.
“Đây là mâu thuẫn vô hình, nhưng nếu không có phương án tháo gỡ thì sẽ rất khó để có thể xây dựng chuỗi liên kết bền vững” ông Tú cho hay.
Ngoài ra, sự am hiểu về quy định pháp luật, thỏa thuận kinh tế của người dân còn hạn chế, nên hình thành tâm lý không thích tham gia vào chuỗi liên kết mà chọn sản xuất, buôn bán tự do. Vì vậy, nhiều chuỗi liên kết khó triển khai bài bản, nhân rộng hoặc để nhân rộng mất rất nhiều thời gian, công sức…
Để tháo gỡ việc này, theo ông Tú, cần có sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cơ quan quản lý, nhất là chính quyền cơ sở trong việc lựa chọn các doanh nghiệp có uy tín giới thiệu liên kết đồng hành với người dân. Tăng cường công tác tuyên truyền, xây dựng mô hình hiệu quả để người dân nhận thấy lợi ích thực sự của liên kết sản xuất, từ đó thay đổi tư duy, tập quán canh tác.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang, nhằm phát triển vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến đối với các sản phẩm nông, lâm sản giai đoạn 2021 - 2030, Bắc Giang tập trung phát triển các vùng nguyên liệu có thế mạnh như rau, quả vải, cam, bưởi, gỗ, sản phẩm thịt lợn, gà... Theo đó đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh sẽ xây dựng 77 vùng sản xuất rau tập trung, diện tích hơn 7.700 ha, trong đó có 18 vùng sản xuất rau thuộc vùng nông nghiệp ứng dựng công nghệ cao (UDCNC).
Ông Đặng Văn Hưng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hưng Thịnh, xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa, Bắc Giang) chia sẻ: Hiện HTX có 11 thành viên chính thức và 60 thành viên liên kết. Trung bình mỗi năm HTX xuất bán ra thị trường 60 - 70 tấn dược liệu, 500 - 550 tấn rau các loại.
Theo ông Hưng, khó khăn lớn nhất hiện nay là diện tích sản xuất của các hộ dân manh mún, nhỏ lẻ. HTX muốn mở rộng quy mô phải liên kết với rất nhiều hộ, trong khi mỗi hộ một suy nghĩ, thói quen canh tác nên gặp nhiều khó khăn, phức tạp.
Bên cạnh đó, khi HTX ký kết với các doanh nghiệp thu mua, chế biến, phải đảm bảo cung cấp sản phẩm an toàn, chất lượng, ổn định. Tuy nhiên, để các hộ sản xuất thực hiện đúng quy trình thỏa thuận, đòi hỏi công tác kiểm soát phải tăng cường cao hơn, đồng nghĩa với chi phí, nhân lực của HTX tăng theo…