| Hotline: 0983.970.780

Kỳ vọng vụ đông

Thứ Tư 08/12/2021 , 10:00 (GMT+7)

THÁI NGUYÊN Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong suốt thời gian qua đã đặt ra yêu cầu đưa vụ đông tại Thái Nguyên như một cứu cánh cho sản xuất nông nghiệp.

Vụ đông được xem như cứu cánh cho sản xuất nông nghiệp tại Thái Nguyên trong điều kiện dịch bệnh Covid–19 diễn biến phức tạp trong năm nay. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Vụ đông được xem như cứu cánh cho sản xuất nông nghiệp tại Thái Nguyên trong điều kiện dịch bệnh Covid–19 diễn biến phức tạp trong năm nay. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên, sản xuất vụ đông trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có ý nghĩa đặc biệt, nhất là bảo đảm nguồn cung cấp thực phẩm dịp cuối năm, không gây đứt gãy chuỗi cung ứng, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.

Vụ đông năm nay, tỉnh không chú trọng mở rộng diện tích mà việc nâng cao giá trị, hiệu quả canh tác được quan tâm hàng đầu. Theo đó, tỉnh khuyến khích người dân, HTX tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, canh tác theo hướng hữu cơ, nâng cao chất lượng sản phẩm và đẩy mạnh liên kết tiêu thụ nông sản. Đồng thời, bố trí cơ cấu cây trồng và khung thời vụ hợp lý để đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid -19.

Với quan điểm đó, Sở NN-PTNT Thái Nguyên đã triển khai kế hoạch hỗ trợ, khuyến khích, nhân rộng các phương thức sản xuất an toàn. Vụ đông 2021 - 2022, có 25 ha sản xuất rau an toàn VietGAP, 170 ha cây ăn quả được chọn để hỗ trợ sản xuất.

Tỉnh hỗ trợ giá giống khoai tây 450 nghìn đồng/sào (với tổng diện tích hỗ trợ 290 ha); giá giống bí xanh, bí đỏ 150 nghìn đồng/sào (diện tích hỗ trợ 360 ha); hỗ trợ giá giống cà chua, dưa chuột 130 nghìn đồng/sào (diện tích hỗ trợ 290 ha).

Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã gieo trồng được hơn 11.000 ha cây màu các loại, đạt 100% kế hoạch, trong đó, chủ yếu là ngô 4.150 ha và rau các loại 6.900 ha.

Bà Nguyễn Thị Hiệp (Giám đốc HTX Bình Minh, xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình), HTX có 7 ha rau màu các loại. Thời gian qua, giá vật tư nông nghiệp, giá phân bón tăng cao.

Các loại cây củ quả vụ đông luôn được nông dân Thái Nguyên trồng theo đúng quy chuẩn, đảm bảo tránh rét và cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh Đồng Văn Thưởng.

Các loại cây củ quả vụ đông luôn được nông dân Thái Nguyên trồng theo đúng quy chuẩn, đảm bảo tránh rét và cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh Đồng Văn Thưởng.

Trong khi đó, thời tiết bất thuận, mưa nhiều ảnh hưởng đến khung thời vụ. Hiện giá bán các sản phẩm rau màu của HTX đạt cao. Bắp cải giá 20 nghìn đồng/kg, su hào 25 nghìn đồng/kg, rau cải 26 nghìn đồng/kg, cà chua từ 25 - 30 nghìn đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 10 nghìn đồng/kg. Với mức giá này, nông dân có lãi trung bình từ 6 - 8 triệu đồng/sào/vụ. Đó là mức thu nhập tốt trong điều kiện hiện nay.

Chị Đinh Thị Thu, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao, Thị xã Phổ Yên cho biết, các thành viên của HTX đã phấn đấu và gieo trồng hết diện tích để đảm bảo sản lượng cung cấp hàng hóa cho thị trường trong các tháng cuối năm.

Hiện, rau đang được giá, bà con yên tâm đầu tư sản xuất. HTX vẫn đang tiếp tục duy trì kế hoạch sản xuất, tiến hành trồng rải vụ và đa dạng các loại cây trồng như: Cà chua, khoai tây, hành, xà lách, rau mùi, cà rốt, rau cải, rau ngót, su hào, bắp cải… nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Để hạn chế chi phí đầu vào, HTX khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ ủ hoai mục. Năm nay, HTX cũng đã ký hợp đồng tiêu thụ với một số trường học trên địa bàn và một số cửa hàng thực phẩm an toàn trong tỉnh nên sản phẩm đầu ra cũng thuận lợi hơn.

Vụ đông năm nay, huyện Phú Lương có kế hoạch trồng 580 ha cây các loại, tập trung ở các xã như Động Đạt, Phẫn Mễ, Cổ Lũng, Yên Đổ, Yên Lạc... Ông Phan Văn Tường (Trưởng phòng NN-PTNT huyện) cho biết, để sản xuất đạt kết quả cao, Phòng NN-PTNT đã phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt trên cây trồng, nhất là trên các loại cây rau, củ, quả.

Trạm khai thác thủy lợi thường xuyên kiểm tra hệ thống kênh mương, hồ đập và chủ động trữ nước đệm ở ao, hồ, mương để có thể tưới cho diện tích cây vụ đông nếu gặp khô hạn sau gieo trồng.

Ông Vũ Văn Phán, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Thái Nguyên cho biết, đơn vị đã chủ động kết nối cung cầu cho nông sản đến với các hệ thống tiêu thụ như siêu thị, cửa hàng tiện ích, các bếp ăn tập thể.

Đến nay, sản lượng nông sản được sản xuất tại Thái Nguyên đã đáp ứng phần lớn số lượng tiêu thụ tại các hệ thống nói trên. Đến thời điểm này, Thái Nguyên có thể kỳ vọng vào một vụ đông thắng lợi, góp phần bù đắp cho sản xuất nông nghiệp các tháng cuối năm. 

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.