| Hotline: 0983.970.780

Thúc đẩy liên kết, đảm bảo tiêu thụ cây vụ đông

Thứ Ba 07/12/2021 , 18:16 (GMT+7)

Ngày 7/12, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT Hải Dương tổ chức Diễn đàn Nâng cao chất lượng và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông.

Đồng bộ nhiều giải pháp kỹ thuật canh tác

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), vụ đông 2021 tại các tỉnh phía Bắc, theo kế hoạch ổn định diện tích khoảng 400.000 ha, sản lượng 4,6 triệu tấn. Trong đó, tập trung phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Tổng giá trị sản xuất phấn đấu đạt khoảng 35.000 tỷ đồng (giá tại thời điểm), trung bình giá trị sản xuất đạt khoảng 85 triệu đồng/ha.

Vụ đông 2021 tại các tỉnh phía Bắc tập trung phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Ảnh: Trung Quân.

Vụ đông 2021 tại các tỉnh phía Bắc tập trung phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Ảnh: Trung Quân.

Về cơ cấu giống, nhóm cây ưa ấm (ngô, khoai lang, đậu tương, lạc, rau ưa ấm) chiếm tỷ lệ khoảng 55% tổng diện tích cây vụ đông. Nhóm cây ưa lạnh (khoai tây, rau đậu ưa lạnh) khoảng 45%.

Để đảm bảo sản xuất thắng lợi vụ đông 2021, theo Cục Trồng trọt, về thời vụ, từng tỉnh căn cứ vào diện tích thu hoạch lúa vụ hè thu, lúa mùa 2021 cũng như điều kiện nguồn nước, đất đai, thị trường chủ động bố trí thời vụ, diện tích với cơ cấu cây trồng phù hợp nhằm đảm bảo đạt diện tích sản xuất vụ đông tối đa, nhưng phải đảm bảo chắc ăn và hiệu quả kinh tế.

Về kỹ thuật, căn cứ vào đề án, kế hoạch sản xuất vụ đông đã được xây dựng và điều kiện thực tiễn, các địa phương xây dựng và hướng dẫn quy trình kỹ thuật gieo trồng cây vụ đông cho nông dân.

Về làm đất, thực hiện tốt kỹ thuật làm đất tối thiểu, hạn chế làm đất đối với diện tích trên đất 2 lúa. Tranh thủ thời vụ cần rẽ lúa đặt bầu, hoàn thiện luống sau, chú ý tạo rãnh thoát nước xung quanh và bề mặt ruộng đề phòng mưa úng.

Về bố trí thời vụ gieo trồng và cơ cấu giống, đối với nhóm cây ưa ấm, thời vụ gieo trồng kết thúc trước 10/10, nhóm cây ưa lạnh gieo trồng sau 10/10, riêng với cây khoai tây tập trung trồng từ 25/10 đến 15/11. Trồng rải vụ đối với nhóm rau để đảm bảo nguồn cung, hạn chế tình trạng dư thừa giá thấp hoặc thiếu rau đẩy giá lên cao.

Theo Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, các tỉnh cần lựa chọn bộ giống rau, màu với các giống lai (F1) hoặc giống thuần phù hợp trồng và cho hiệu quả kinh tế cao trong điều kiện vụ đông tại các tỉnh phía Bắc.

Đối với vụ đông sớm (gieo trồng từ tháng 8 đến tháng 9), nên chọn giống rau màu trồng có thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chịu nhiệt tốt và khả năng chống chịu khá với bệnh héo xanh vi khuẩn và đốm nâu...

Đối với vụ đông chính vụ và vụ muộn tại các tỉnh phía Bắc (gieo hạt từ tháng 9 đến tháng 11), nên gieo trồng các chủng loại rau, màu có ngồn gốc ôn đới, á nhiệt đới như cải xanh, cải bắp, súp lơ, cà rốt, hành, tỏi, rau họ đậu, khoai tây các loại... Tuy nhiên, ở thời vụ này cần chọn giống rau màu có khả năng thâm canh cao, năng suất cao, chất lượng tốt, sản phẩm đạt tiêu chuẩn cho xuất khẩu.

Đa dạng các hình thức liên kết

Tại hội nghị, ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ: Hiện nay, sản xuất vụ đông của các tỉnh phía Bắc vẫn còn thiếu sự ổn định trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Do đó, việc nâng cao chất lượng, tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chủ lực là giải pháp bền vững đối với sản xuất vụ đông. 

Các địa phương đề nghị Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, truy xuất nguồn gốc... Ảnh: NNVN.

Các địa phương đề nghị Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, truy xuất nguồn gốc... Ảnh: NNVN.

Trên cơ sở đó, theo Sở NN-PTNT Hải Dương, để thúc đẩy liên kết, tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông, tại Hải Dương đã hình thành rất nhiều hình thức liên kết giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp…

Cụ thể với hình thức liên kết ngang, các thành viên ở cùng cấp trong chuỗi sản xuất sẽ liên kết với nhau trong tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) như HTX Tân Minh Đức (xã Phạm Trấn, Gia Lộc), HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính (Cẩm Giàng), tổ sản xuất rau thôn Lúa (xã Đoàn Thượng, Gia Lộc)...

Bên cạnh đó, có các mô hình liên kết dọc giữa hai hay nhiều thành viên tham gia chuỗi sản xuất ở các cấp khác nhau (giữa các khâu trong chuỗi giá trị) thông qua các hợp đồng được đảm bảo bởi pháp luật. Liên kết giữa nhà cung cấp đầu vào với người sản xuất, liên kết giữa nhà sản xuất nguyên liệu với công ty chế biến như Công ty Chế biến nông sản xuất khẩu Hải Dương, Công ty Vạn Đắc Phúc, Công ty Cổ phần Tân Hương, Công ty TNHH Chế biến nông sản Tân Tiến…

Với đặc điểm quản lý theo chuỗi từ khâu đầu vào tới đầu ra theo quY trình khép kín, liên kết dọc giúp kiểm soát được chi phí, chất lượng sản phẩm tốt và đồng đều, ổn định được giá đầu ra và cân đối cung cầu. Đặc biệt, các thành viên tham gia trong liên kết dọc có cùng tiếng nói và trách nhiệm đến sản phẩm cuối cùng. Do đó, dễ dàng chia sẻ thông tin, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm ngành hàng.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh kiểm tra sản xuất vụ đông sớm tại Hải Dương. Ảnh: NNVN.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh kiểm tra sản xuất vụ đông sớm tại Hải Dương. Ảnh: NNVN.

Ngoài liên kết ngang và liên kết dọc, Hải Dương còn có mối liên kết “nhiều nhà”, đây là sự hỗ trợ riêng lẻ cho từng tác nhân trong chuỗi về kỹ thuật từ các viện, trường, hệ thống khuyến nông của tỉnh, công ty cung ứng vật tư đầu vào, công ty chế biến về  xúc  tiến  thương  mại, ngân hàng hỗ trợ vốn, chính sách từ chính quyền địa phương... Nhờ đó, đảm bảo cao hơn cho sự phát triển bền vững trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, còn có hình thức liên kết giữa các vùng sản xuất cùng loại sản phẩm hàng hóa trong tỉnh như vùng sản xuất cà rốt, hành tỏi, bắp cải, su hào… Liên kết này được hình thành nhằm cân bằng cung, cầu sản phẩm trên thị trường, tránh khủng hoảng thừa, thiếu sản phẩm. Dự báo thị trường tốt hơn thông qua quy hoạch sản xuất bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định chi phí và giá, tạo dựng thương hiệu, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên…

Tại hội nghị, đại diện các địa phương cũng đề nghị Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục hỗ trợ, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, truy xuất nguồn gốc, thường xuyên cập nhật dự báo thị trường để các địa phương nắm bắt, phục vụ chỉ đạo sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ khuyến nông, tăng nguồn lực hỗ trợ xây dựng, triển khai các chương trình, dự án, mô hình đối với sản xuất cây vụ đông…

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.