Chiều 5/8, tại TP Rạch Giá, đã diễn ra lễ ký kết ghi nhớ hợp tác phát triển vùng nguyên liệu lúa đạt chuẩn chất lượng cao trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ lúa, gạo trên địa bàn vùng Tứ giác Long Xuyên giữa Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An và Sở NN-PTNT Kiên Giang.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, cho biết đơn vị bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Kiên Giang từ năm 2012, mà cụ thể là phát triển sản xuất lúa cánh đồng lớn. Phương thức đầu tư của Trung An với bà con nông dân là khép kín từ khâu giống, vật tư nông nghiệp, quy trình sản xuất đạt chuẩn và bao tiêu sản phẩm.
Theo kế hoạch của Bộ NN-PTNT và của UBND tỉnh Kiên Giang về phát triển vùng nguyên liệu lúa, gạo tại vùng Tứ giác Long Xuyên, Trung An đã xây dựng phương án đầu tư, phát triển sản xuất nhằm đáp ứng vùng nguyên liệu của doanh nghiệp. Để phát triển vùng nghiên liệu 63.000 ha tại vùng Tứ giác Long Xuyên của tỉnh Kiên Giang, Công ty Trung An sẽ đầu tư cơ giơi hóa đồng bộ, ứng dụng máy bay không người lái trong sản xuất và làm theo quy trình hữu cơ.
Theo đó, nội dung hợp tác nhằm triển khai xây dựng và phát triển nông nghiệp sạch, xanh và bền vững tại vùng nguyên liệu lúa gạo, đảm bảo giảm chi phí trong sản xuất, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường để đảm bảo không gây hiệu ứng nhà kính trong sản xuất lúa gạo. Thông qua chương trình hợp tác, đẩy mạnh sử dụng phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học và thuốc BVTV sinh học của Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ Việt Nam đã được Bộ NN-PTNT cho phép lưu hành vào các vùng nguyên liệu lúa gạo theo định hướng hữu cơ và đạt chất lượng cao. Nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất lúa gạo bền vững, an toàn theo định hướng hữu cơ và không sử dụng thuốc BVTV hóa học.
Ngoài phát triển vùng nguyên liêu, Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An còn đầu tư hệ thống nhà máy chế biến chuyên sâu, nâng cao giá trị để phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, xây dựng nhà máy sản xuất phân hữu cơ để phục vụ sản xuất và cung ứng ra thị trường, nhằm mở rộng vùng sản xuất nguyên liệu lúa gạo theo hướng hữu cơ.