| Hotline: 0983.970.780

Trúng hàng chục triệu trong 2 tháng cào sò huyết

Thứ Sáu 27/03/2015 , 06:15 (GMT+7)

Hàng năm, bắt đầu từ tháng 2 cho đến cuối tháng 4 âm lịch, bà con ngư dân vùng ven biển Bạc Liêu lại rộn ràng bắt tay vào việc khai thác sò huyết giống.

Vào những ngày này, hàng nghìn người, đa phần là thanh niên, họ chia ra từng nhóm đổ ra các bãi biển để cào bắt sò từ sáng sớm. Sôi động, nhộn nhịp nhất là tại các bãi biển phường Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) và huyện Hòa Bình, Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu).

Nhiều người cho biết, ở các vùng ven biển, nhiều gia đình nhờ nghề bắt cua con, vớt cá kèo và cào sò huyết giống mà thoát nghèo, trong đó có nhiều hộ khá lên nhờ làm đại lý thu mua để giao lại cho khách hàng.

Tại một bãi biển thuộc ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, trời nắng gay gắt như đổ lửa, vậy mà hàng trăm người phơi mình trên mặt biển để cào bắt từng con sò giống. Mỗi người đi bắt chỉ cần mang theo một cái vợt lưới có cán dài, một chai nước uống và một cái thùng nhựa để đựng sò.

Khi bãi bồi vừa phơi mình lên khỏi mặt nước, tất cả đổ xô ra phía biển, mạnh ai nấy xúc, cào, hốt, không khí thật náo nhiệt. Mỗi lần cào xong, họ đãi cho sạch bùn, đất và rác, phần còn lại chính là sò huyết, con nhỏ li ti như hạt tấm.

Nghề cào sò huyết đòi hỏi mỗi người phải lanh tay lẹ chân, nếu chậm nước sẽ dâng cao, khi sóng to gió lớn phải vào bờ, hôm sau mới tiếp tục. Công việc của họ tuy thầm lặng nhưng vất vả không sao kể siết.

Chị Thạch Thị Hồng, quê ở xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình cho biết, chị làm nghề cào sò huyết được 2 mùa, bình quân mỗi ngày kiếm trên 200.000đ. Còn anh Thạch Phong, ở xã Vĩnh Trạch Đông thì hôm nào trúng kiếm trên 400.000đ nhờ có nhiều sức khỏe và kinh nghiệm. Tuy nhiên cũng có ngày thất thu do thời tiết, sóng gió thay đổi bất thường.

Anh Phong chia sẻ: Không phải nơi nào, ngày nào cũng có sò. Hôm nay anh em cào bãi này, mai cào bãi kia, thay đổi liên tục địa điểm mới khai thác được nhiều.


Những người đi cào sò huyết giống từ biển trở về

Mấy năm gần đây, tại Bạc Liêu lại xuất hiện một số ghe cào sò huyết có gắn mô-tơ nên năng suất rất cao, khiến người cào tay lo lắng không biết rồi đây họ có còn đất sống nữa hay không.

Anh Nguyễn Minh Tuấn, một người chuyên mua sò huyết giống về thả nuôi với giá 15đ/con (không đếm con mà chỉ ước lượng trong dĩa để tính thành tiền). Sau khi thả nuôi một vài tuần anh bán lại với giá 25đ, 50đ, 100đ/con…tùy theo con lớn nhỏ. Dân trong nghề chia sò huyết giống ra làm nhiều loại.

Với cặp mắt nhà nghề, người mua chỉ nhìn vào hình dạng lớn nhỏ, nhiều hay ít mà ước lượng giá cả chứ không tính bằng đơn vị như các mặt hàng khác, vì con giống quá nhỏ không thể cân đo đong đếm được.

Anh Nguyễn Thái Học, quê ở Kiên Giang, ngày nào cũng qua vùng ven biển Bạc Liêu thu mua sò huyết giống về giao lại cho các chủ nuôi. Anh cho biết, vào thời điểm này, mỗi ngày anh bỏ ra từ 50 - 70 triệu đồng để mua con giống về giao lại cho các chủ nuôi, kiếm lời trên triệu bạc.

Không chỉ một mình anh Học mà Bạc Liêu có tới hàng mấy chục thương lái chuyên mua đi bán lại kiềm lời. Có người xuống tận bãi để thu mua trực tiếp, có người gom hàng tại đại lý, khiến thị trường con giống lúc nào cũng nóng và sôi động.

Nuôi sò huyết lãi cao, đầu ra tương đối ổn định. Hiện nay, người nuôi thường tận dụng các dòng kênh để thả hoặc nuôi trong vuông nên nhiều nông dân Bạc Liêu, Kiên Giang, Bến Tre…đã đạt hiệu quả cao với mô hình này, trong số đó có nhiều người vươn lên thành tỷ phú sò huyết.

Cũng nhờ vậy mà thị trường con giống ngày càng khan hiếm. Đó cũng là cơ hội tốt đối với những người chuyên sống bằng nghề biển.

Anh Nguyễn Minh Tuấn khẳng định, một người lao động giỏi, siêng năng sau mỗi vụ có thể thu nhập trên 20 triệu đồng từ cào sò huyết giống. Riêng gia đình anh, năm ngoái thu nhập trên 300 triệu đồng từ tiền bán sò huyết giống và sò huyết thương phẩm.

Xem thêm
Tiêu thụ điện lập kỷ lục mới trong những ngày đầu nghỉ lễ

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng tiêu thụ điện ngày cả nước và công suất cực đại hệ thống điện đã đạt kỷ lục mới.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.