Tàu chiến Trung Quốc phóng tên lửa trong một đợt tập trận ở Biển Đông hồi năm 2016. Ảnh: Xinhua. |
SCMP hôm qua dẫn thông báo của hạm đội Nam Hải thuộc hải quân Trung Quốc (PLAN) cho biết lực lượng này vừa tiến hành hơn 20 cuộc tập trận ở Biển Đông và các khu vực ở phía tây và trung tâm Thái Bình Dương trong hơn một tháng.
Đợt tập trận kéo dài 34 ngày, bắt đầu từ ngày 16/1 và chỉ được công khai sau khi nó kết thúc. Thông báo của hạm đội Nam Hải cho biết nhiều tàu chiến mới của Trung Quốc gồm tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường Hefei, tàu hộ tống tên lửa Yuncheng, tàu đổ bộ Changbaishan và tàu tiếp liệu Honghu đã tham gia vào đợt tập trận. Các nội dung tập trận bao gồm đánh trả các tàu tấn công, cứu hộ bằng không quân và diễn tập bắn đạn thật.
"Để mô phỏng tình huống thời chiến thật sự, đợt tập trận không được lên kịch bản và không có thông báo trước nào được đưa ra. Mọi chỉ thị và phương pháp xử lý đều dựa trên tình huống chiến đấu thực tế", thông cáo nhấn mạnh.
Một nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc (PLA) tiết lộ Lực lượng Tên lửa cũng cử một nhóm binh sĩ liên lạc tham gia khoa mục phòng thủ tên lửa trong đợt tập trận. "Lực lượng Tên lửa muốn triển khai thường trực tên lửa phòng không HQ-9 và tên lửa diệt hạm YJ trên đảo Phú Lâm", nguồn tin này nói.
Đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam là nơi bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. PLA từng triển khai phi pháp tên lửa HQ-9 và các tiêm kích, oanh tạc cơ đến hòn đảo này trong thời gian ngắn.
Binh sĩ Trung Quốc đồn trú trên các đảo nhân tạo Bắc Kinh bồi đắp trái phép ở Biển Đông cũng tham gia đợt tập trận này.
Song Zhongping, chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh, tuyên bố đợt tập trận là nỗ lực mới nhất của PLA nhằm tăng cường khả năng phối hợp tác chiến của các đơn vị thuộc Lực lượng Tên lửa và Chiến lược khu phía Nam để giám sát Biển Đông.
Trung Quốc gần đây tăng cường hoạt động quân sự hóa tại các đảo nhân tạo bồi đắp phi pháp ở Biển Đông. Để phản ứng, Mỹ thường xuyên tiến hành các hoạt động tuần tra tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông nhằm đối phó với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.