Đây là phản ứng sau trường hợp bò điên được phát hiện hồi giữa tháng 9 tại một trang trại ở Somerset, theo Cơ quan Y tế vật nuôi và cây trồng Liên hiệp Anh.
Lệnh cấm của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 29/9, nhưng đến nay mới được công bố, theo thông báo từ Tổng cục Hải quan nước này.
Trên thực tế thì Trung Quốc chưa trở lại mua thịt bò của Anh, dù năm 2018 hai nước đã đạt thỏa thuận gỡ bỏ lệnh cấm được thực hiện từ những năm 1990 khi bệnh bò điên bùng phát.
Năm ngoái, Mỹ đã gỡ bỏ lệnh cấm nhập thịt bò Anh được thực hiện từ năm 1996, và hoạt động giao thương được nối lại ngay. Trong nửa cuối tháng 9 vừa qua, lệnh cấm tương tự với thịt cừu kéo dài từ năm 1989 cùng một lý do cũng đã được gỡ bỏ.
Lệnh cấm mới là tin chẳng hề tốt lành với ngành chăn nuôi Anh, sau nhiều năm cơ quan chức năng hai nước đàm phán và giám sát thực địa. Một đánh giá của chính phủ Anh cho biết, họ nhìn nhận sẽ có khoản doanh thu 250 triệu bảng Anh cho người chăn nuôi trong vòng 5 năm nhờ nối lại được thị trường Trung Quốc.
Bộ Môi trường, Thực phẩm và Phát triển nông thôn Anh tuyên bố, họ sẽ làm việc với đối tác Trung Quốc để đảm bảo rằng sự cố bò điên mới nhất đã được kiểm soát và chất lượng thịt nhập khẩu đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của hai bên.
"Chúng tôi có hệ thống an ninh sinh học thuộc đẳng cấp cao nhất thế giới, được giám sát cao độ giúp cho nông sản của cả nước luôn an toàn và không hề vi phạm các tiêu chuẩn thương mại", lãnh đạo cơ quan thú y Anh là Christine Middlemiss cam kết.