Hôm 20/7, Trung Quốc chính thức khai trương hệ thống tàu từ trường có tốc độ di chuyển 600km/h ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông. Công nghệ từ trường không mới ở Trung Quốc nhưng hiện mới được áp dụng hạn chế, đơn cử như hệ thống đường sắt đô thị ở Thượng Hải nối sân bay quốc tế tới trung tâm thành phố.
Với tốc độ thực tế 600km/h, việc di chuyển giữa Bắc Kinh - Thượng Hải sẽ chỉ còn 2,5 tiếng trên quãng đường nhỉnh hơn 1.000km. Để so sánh, cùng quãng đường trên nếu đi máy bay mất 3 tiếng (cả thời gian làm thủ tục) hoặc tàu cao tốc mất 5,5 tiếng.
Tàu từ trường được nhận xét là có độ an toàn cao, ô nhiễm tiếng ồn thấp, rung lắc gần như bị triệt tiêu, dung lượng chuyên chở cao, chi phí bảo trì thấp. Nó sẽ là phương tiện lấp đầy khoảng trống giữa tàu cao tốc với vận tốc 350km/h và máy bay ở khoảng 800 - 900km/h ở Trung Quốc.
Theo Lu Huapu, Giám đốc Viện nghiên cứu giao thông thuộc Đại học Thanh Hoa, thành công trong lĩnh vực tàu từ trường giúp Trung Quốc hiện thực hóa “vành đai giao thông 3 tiếng” giữa các thành phố trọng điểm được đảng và nhà nước đặt mục tiêu từ năm 2019.
Việc phát triển tàu từ trường được triển khai ở nhiều nước như Nhật Bản, Mỹ, Đức, Anh, Canada nhưng vì chi phí cao và không tương tích với hệ thống đường sắt hiện có nên còn rất hạn chế khi triển khai ở khoảng cách lớn. Thành công với dự án ở Thành Đô sẽ giúp Trung Quốc tạo bứt phá với các nước còn lại.
Trên thực tế, Trung Quốc cũng chưa có hệ thống vận hành tàu từ trường giữa các đô thị lớn, nhưng 2 tuyến đầu tiên đã được khởi động gồm Thượng Hải - Hàng Châu và Thành Đô - Trùng Khánh.