| Hotline: 0983.970.780

Trung Quốc quyết chơi 'tất tay' khi điều tra thịt lợn từ EU

Thứ Năm 11/07/2024 , 17:08 (GMT+7)

Cuộc điều tra của Trung Quốc nhắm vào thịt lợn từ EU là một thông điệp rõ ràng của Bắc Kinh: Các biện pháp bảo hộ sẽ dẫn đến những hậu quả lớn.

Trung Quốc tuyên bố điều tra chống bán phá giá thịt lợn của châu Âu chỉ 5 ngày sau khi EU áp thuế bổ sung đối với xe điện Trung Quốc lên đến 37,6% vào tháng trước. Cuộc điều tra dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 17/6/2025, với khả năng gia hạn thêm 6 tháng nếu cần.

Hôm 10/7, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ tiến hành điều tra để xác định xem liệu các cuộc điều tra của EU đối với các doanh nghiệp Trung Quốc có cấu thành "rào cản thương mại" hay không.

Nếu Trung Quốc quyết định tăng thuế nhập khẩu đối với thịt lợn EU, tác động đối với các nhà sản xuất châu Âu có thể sẽ rất lớn. Trung Quốc, thị trường thịt lợn lớn nhất thế giới, là điểm đến chính cho xuất khẩu thịt lợn của EU. Chỉ riêng trong năm 2023, EU đã xuất khẩu thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn trị giá hơn 2,5 tỷ euro (2,7 tỷ USD) sang Trung Quốc, trong đó Tây Ban Nha, Hà Lan và Đan Mạch là những nhà xuất khẩu hàng đầu. EU, nhà sản xuất thịt lợn lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, đã cung cấp hơn một nửa lượng thịt lợn trị giá khoảng 6 tỷ USD mà Trung Quốc nhập khẩu trong năm 2023.

Tây Ban Nha sẽ là nước hứng chịu hậu quả nặng nề nhất. Tây Ban Nha chiếm 22% lượng thịt lợn nhập khẩu của Trung Quốc vào năm 2023, xuất khẩu 560.488 tấn, trị giá 1,2 tỷ euro. Hà Lan đã xuất khẩu lượng thịt lợn trị giá 620 triệu USD sang Trung Quốc và Đan Mạch xuất khẩu lượng thịt lợn trị giá 550 triệu USD. Bất kỳ sự sụt giảm nhu cầu nào của Trung Quốc đều có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp thịt lợn của các nước này, khiến hàng nghìn việc làm và nền kinh tế địa phương gặp rủi ro.

Lịch sử xuất khẩu thịt lợn của EU sang Trung Quốc đã cho thấy tầm quan trọng của thị trường này. Xuất khẩu đạt đỉnh 7,4 tỷ euro vào năm 2020 khi dịch tả lợn Châu Phi càn quét các trang trại lợn của Trung Quốc, gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung lớn.

Tuy nhiên, thị trường thịt lợn toàn cầu liên tục thay đổi. Dù vẫn là nguồn cung cấp thịt lợn nhập khẩu lớn nhất cho Trung Quốc, EU đang dần đánh mất vị thế. Brazil đã vượt qua Tây Ban Nha về khối lượng, các nước như Canada và Mỹ cũng đang cạnh tranh khốc liệt với giá thành rẻ hơn. Trong danh mục nội tạng, EU đang mất thị phần vào tay Mỹ và Canada.

Sự thay đổi này trên thị trường cho thấy một mối đe dọa lớn đối với các nhà sản xuất thịt lợn châu Âu. Nếu Bắc Kinh hạn chế nhập khẩu từ EU, các nhà cung cấp từ Nam Mỹ, Nga và Mỹ có thể vươn lên chiếm thị phần. Mỹ đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ khi thị phần phụ phẩm giết mổ lợn đã tăng từ 22,6% lên 28,4% vào đầu năm 2022.

Nông dân châu Âu, lực lượng có ảnh hưởng chính trị lớn, nhận thức sâu sắc về những rủi ro này và có thể gây áp lực lên Brussels để thỏa hiệp với Bắc Kinh và Trung Quốc có thể đã nắm bắt cơ hội này. Những tác động ban đầu từ chiến lược của Bắc Kinh đã lộ rõ khi Tây Ban Nha, một nước ủng hộ mạnh mẽ cuộc điều tra xe điện của EU, đã thể hiện sự sẵn sàng hợp tác với các quan chức EU để thỏa hiệp với Bắc Kinh.

Hơn nữa, kế hoạch trả đũa của Bắc Kinh có thể không chỉ dừng lại ở thịt lợn. Các sản phẩm sữa và rượu vang có thể là mục tiêu tiếp theo, ảnh hưởng đến các nước xuất khẩu lớn của châu Âu như Đan Mạch, Hà Lan, Đức và Pháp. Đầu năm nay, Bộ Thương mại Trung Quốc đã bắt đầu điều tra nhập khẩu rượu cognac và các loại rượu mạnh khác của châu Âu, chủ yếu từ Pháp, với một phiên điều trần dự kiến diễn ra tại Bắc Kinh vào ngày 18/7 để thảo luận về các tuyên bố rằng các nhà sản xuất rượu mạnh châu Âu đang được bán vào Trung Quốc với giá thấp hơn giá thị trường. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà xuất khẩu rượu mạnh và rượu vang Pháp, do Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rượu mạnh lớn thứ hai của Pháp trong năm 2023.

Những mâu thuẫn thương mại trong quá khứ của EU với Trung Quốc có thể được xem là bài học trong trường hợp này. Năm 2013, Brussels đã áp đặt thuế quan đối với tấm pin mặt trời của Trung Quốc, khiến Bắc Kinh đe dọa đánh thuế mạnh đối với rượu vang châu Âu. Điều này đã giúp Trung Quốc thuyết phục thành công các chính phủ châu Âu gây áp lực buộc các nhà lãnh đạo EU phải lùi bước.

Trong bối cảnh cuộc điều tra của Ủy ban Châu Âu đối với xe điện của Trung Quốc kéo dài đến cuối tháng 10/2024, việc quyết định đánh thuế sẽ là phép thử đối với sự quyết tâm của Brussels. Những tháng tới sẽ cho thấy liệu chiến lược gây áp lực của Bắc Kinh sẽ thành công hay Brussels có thể giữ vững lập trường của mình, ngay cả khi đối mặt với sự phản đối trong khối từ các ngành nông nghiệp và ô tô.

Nêu một cuộc chiến thương mại bùng nổ, việc kiềm chế xung đột sẽ rất khó khăn và điều này có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho các ngành thiết yếu của lục địa già, đặc biệt là nếu họ mất quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Trong một thế giới mà thương mại là phải cho đi và nhận lại một cách công bằng, những mâu thuẫn gần đây giữa Trung Quốc và EU là một dấu hiệu cảnh báo đối với sự kết nối của các thị trường thế giới. Các quyết định được đưa ra tại Brussels và Bắc Kinh sẽ có ý nghĩa rất lớn, không chỉ đối với các nhà sản xuất thịt lợn và các nhà sản xuất xe hơi, mà còn đối với toàn bộ nền kinh tế toàn cầu.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.