Kế hoạch cần rõ nét
Các kế hoạch cần rõ nét hơn, hướng tới mục tiêu bao trùm của nông nghiệp Hà Nội gồm 3 nội dung chính là: phát triển sản xuất tập trung; phát triển cây con giống bản địa và đầu dòng; phát triển công nghệ cao theo hướng hiện đại và sinh thái. Đó là khuyến nghị của ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội tại cuộc họp tổng kết công tác năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội diễn ra ngày 16/1…
Dưới sự chỉ đạo và định hướng của UBND Thành phố và Sở NN-PTNT trong năm 2023 Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã thực hiện 4 kế hoạch gồm: Kế hoạch phát triển sản xuất lúa Japonica hàng hóa, chất lượng theo tiêu chuẩn xuất khẩu trong đó triển khai xây dựng được 21 vùng sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hóa tại 20 xã thuộc 7 huyện với tổng diện tích 1.375 ha.
Năng suất giống J02 đạt 68 - 70 tạ/ha, Đài thơm 8, HD11 đạt 65 - 66 tạ/ha, TBR 225 đạt 65 - 68 tạ/ha, nếp cái hoa vàng đạt 47 - 50 tạ/ha. Lúa sản xuất theo hướng hữu cơ đạt 5,2 - 5,8 tấn/ha, lúa thảo dược đạt 50 tạ/ha. Hiệu quả kinh tế sản xuất lúa Japonica đạt bình quân khoảng 29 - 30 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn so với sản xuất lúa thuần Khang dân 18 là 15 triệu đồng/ha/vụ; đối với lúa Đài thơm 8, TBR 225, HD11 đạt bình quân khoảng 25 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn so với sản xuất lúa thuần Khang dân 18 là 11 - 12 triệu đồng/ha/vụ; đối với lúa nếp cái hoa vàng đạt 37 - 40 triệu đồng/ha
Kế hoạch phát triển sản xuất bưởi đỏ Tân Lạc và một số giống bưởi đặc sản Hà Nội trong đó hỗ trợ chăm sóc bưởi năm thứ 2 cho 14,4ha. Ứng dụng đồng bộ kỹ thuật, công nghệ cao thâm canh bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP cho 20,2ha. Cấp 3 giấy chứng nhận hữu cơ và 01 chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi đường La Tinh huyện Hoài Đức. Tổ chức thành công hội thi tìm hiểu kiến thức khoa học, kỹ thuật và quảng bá tiêu thụ sản phẩm bưởi Hà Nội thu hút trên 400 đại biểu tham dự trực tiếp và hàng nghìn lượt người tham quan.
Thông qua hội thi đã khẳng định Hà Nội là vùng có thế mạnh về bưởi, đa dạng các giống bưởi dải vụ từ tháng 8 năm trước đến tháng 1 năm sau. Tham mưu Sở NN-PTNT Hà Nội tổ chức thành công lễ hội nông sản thành phố Hà Nội năm 2023 từ ngày 27-31/12/2023 với 112 đơn vị tham gia, 150 gian hàng thu hút trên 15.000 lượt người tới tham quan, mua sắm, đạt doanh thu trên 5 tỷ đồng.
Tổ chức 1 hội thảo quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “La Tinh Hoài Đức” cho sản phẩm bưởi đường huyện Hoài Đức. Tổ chức 6 đoàn với 180 người thành phần là doanh nghiệp, người tiêu dùng để giới thiệu, quảng bá sản phẩm bưởi đặc sản Hà Nội. Năng suất các vườn bưởi đạt 28 - 30 tấn/ha, hiệu quả kinh tế đạt từ 700 - 800 triệu đồng/ha.
Kế hoạch phát triển sản xuất chuối theo tiêu chuẩn xuất khẩu trong đó hỗ trợ phát triển trồng mới cây chuối và ứng dụng đồng bộ kỹ thuật sản xuất chuối theo tiêu chuẩn xuất khẩu với quy mô 50ha. 100% diện tích chuối sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP được hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm. Phối hợp với Liên hiệp HTX kinh tế số Việt Nam tổ chức triển khai quản lý vùng trồng bằng công nghệ EGAP. Tổ chức lắp camera, màn hình, máy in, máy tính phục vụ truy xuất vùng trồng cho cơ sở và tập huấn, hướng dẫn cơ cở cập nhật nhật ký trên phầm mềm, sử dụng dịch vụ phun thuốc BVTV bằng máy bay không người lái. Phối hợp với Công ty Unifarm chuyển giao công nghệ bảo quản, ủ và tiêu thụ chuối trên địa bàn Hà Nội đã và đang từng bước phát triển thuận lợi, sản phẩm chuối sau ủ đã đưa vào các siêu thị trên địa bàn mỗi ngày 3 - 4 tấn chuối.
Kế hoạch nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi và thủy sản trong đó đào tạo nâng cao kỹ thuật thụ tinh nhân tạo bò thịt, bò sữa, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi. Thuê chuyên gia ứng dụng di truyền trong chọn lọc, lai tạo, nâng cao chất lượng giống thủy sản đối với cá chép; Quy trình quản lý vận hành cơ sở sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao; Quy trình nuôi vỗ và sinh sản đối với cá chép; Ứng dụng công nghệ sinh học trong quản lý môi trường ao nuôi thủy sản; Kết nối doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết.
Đa dạng những mô hình khuyến nông
Bên cạnh đó, đơn vị cũng chỉ đạo triển khai xây dựng 11 mô hình khuyến nông trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản trong đó tiêu biểu có thể kể đến mô hình sản xuất giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu (cây hoa cúc) quy mô thực hiện 5ha, tại xã Tự Lập (huyện Mê Linh), hiệu quả kinh tế đạt 200 - 250 triệu đồng/ha/vụ. Mô hình sản xuất giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu (cây hoa hồng) quy mô thực hiện 4,9 ha, tại xã Văn Khê (huyện Mê Linh), hiệu quả kinh tế đạt 350 - 350 triệu đồng/ha/vụ.
Mô hình sản xuất giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu (ngô sinh khối ) quy mô thực hiện 50ha tại xã Phong Vân (huyện Ba Vì) 33,2 ha, xã Tam Đồng 10 ha, Tự Lập 6,8 ha cùng ở huyện Mê Linh, hiệu quả kinh tế ước đạt 13 - 14 triệu đồng/ha, kết nối doanh nghiệp tiêu thụ 100% sản phẩm.
Mô hình trình diễn cây trồng giống mới năng suất, chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu (cây đậu tương), quy mô thực hiện 30 ha, địa điểm thực hiện tại HTX sản xuất kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết, xã Phương Tú, Ứng Hòa. Đây là lần đầu HTX tổ chức triển khai thực hiện công nghệ gieo đậu tương trên nền đất ướt bằng máy bay không người lái nhằm giảm áp lực về thời vụ trồng; Tạo ra sản phẩm an toàn, có giá trị dinh dưỡng cao, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng. Tăng hiệu quả sử dụng đất, làm tăng độ phì, giảm thoái hóa đất, tạo thêm việc làm và thu nhập cho nông dân, tận dụng được lao động nông nhàn ở vụ đông. Năng suất đậu tương đạt 2 tấn/ha, đã kết nối doanh nghiệp tiêu thụ 100% sản phẩm.
Trong chăn nuôi có mô hình nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học gắn với liên kết chuỗi với quy mô thực hiện 10.000 con thuộc các xã Đại Cường, Hòa Xá huyện Ứng Hòa và xã Liên Châu, huyện Thanh Oai. Đàn vịt trong mô hình có thời gian xuất chuồng 42 - 45 ngày tuổi; khối lượng bình quân khi xuất chuồng đạt từ 3.2 - 3.5 kg/con trở lên, tỷ lệ nuôi sống trên 93%; Chất lượng thịt thơm ngon; theo giá thị trường hiện nay sau khi trừ chi phí lãi khoảng 12 - 15 triệu đồng/1.000 con. Mô hình chăn nuôi bò sữa theo vùng an toàn sinh học, liên kết chuỗi, quy mô 100 con tại xã Vân Hòa, huyện Ba Vì ước tính giảm chi phí được 6 triệu đồng/ tháng.
Theo bà Hoàng Thị Hòa - Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội nhiệm vụ năm 2024 là tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Hoàn thiện, mở rộng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gắn với các doanh nghiệp để gia tăng tính cạnh tranh và thị trường tiêu thụ sản phẩm; Tư vấn chuyển giao, tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người nông dân, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực nông nghiệp.
Hiện nay Trung tâm đang thiếu 20 viên chức so với biên chế được giao nên đề nghị cho thi tuyển bổ sung viên chức. Đề nghị các cơ quan Trung ương, Thành phố có các chương trình đào đạo, tập huấn, tham quan, học tập kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực quản lý, kỹ năng chuyên môn cho cán bộ Trung tâm.