| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 05/04/2022 , 07:28 (GMT+7)
Thái Hạo

Thái Hạo

07:28 - 05/04/2022

Trường chuyên và giáo dục toàn diện: Khi lực bất tòng tâm

Lối chuyên ấy đã kìm kẹp đầu óc lành mạnh của những em có tố chất, biến học sinh thành những người háo danh và trọng danh hão.

Ảnh mang tính minh họa.

Ảnh mang tính minh họa.

Nói đến trường chuyên là nói tới thi và thi học sinh giỏi. Thi triền miên, thi cắm cúi, thi rã rời, thi như những trận chiến, thi như sinh tử. Trường chuyên mà không thi học sinh giỏi thì không còn là trường chuyên nữa!

Để thi được một cái giải thì trên thực tế gần như các môn khác đều “gác qua một bên”, thi xong tính sau. Tính thế nào? Giải pháp nhanh gọn lẹ nhất, và cũng làm cho học sinh đội tuyển an tâm nhất là “cấy điểm”, tức cho khống điểm vào học bạ. Cứ đạt học sinh giỏi một môn là nghiễm nhiên các môn khác sẽ phải được tổng kết từ giỏi trở lên – đó là quy định ngầm, là luật bất thành văn. Nếu không làm thế thì học sinh không dám tham gia thi học sinh giỏi, trường sẽ mất mùa. Nạn dối trá sinh ra từ đây.

Cái cung cách ấy làm ta nghĩ ngay tới phương châm (mục tiêu) “giáo dục toàn diện”. Có toàn diện được không khi mà học sinh đội tuyển gần như không học gì cả ngoài môn thi học sinh giỏi và mấy môn trong nhóm xét tuyển đại học? Câu trả lời tưởng dễ nhưng thực sự lại không đơn giản.

Vì cách đặt vấn đề như trên dễ “dẫn dắt” người ta hiểu sai bản chất của giáo dục toàn diện. Giáo dục toàn diện không phải là học đều tất cả các môn, càng không phải là phải giỏi tất cả các môn. Toàn diện là phát triển tư duy độc lập, trở thành một người có năng lực và phẩm giá, chứ không phải là tất cả các môn học đều phải đạt điểm cao.

Sự hiểu lầm này, trớ trêu thay, lại đang được áp dụng một cách chính thức và chính quy. Người ta bắt một đứa trẻ phải học 13 môn, môn nào cũng quan trọng, môn nào cũng ý nghĩa to lớn. Họ làm như thể nếu một học sinh không giỏi môn Giáo dục công dân thì không có đạo đức vậy!

Vấn đề nằm ở chỗ, chẳng thà với mục tiêu ấy, họ thực hiện được. Nhưng đằng này, nó bất khả thi. Làm sao có thể học giỏi cả 13 môn được! Học trung bình thôi đã khó lắm rồi, nói gì đến giỏi. Vậy phải làm sao? Những giáo viên “nhiệt tình cách mạng” thì “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, “chong đèn bên trang giáo án”, “bụi phấn bay bay”. “Mái đầu bạc trắng” thường hay được lấy để làm biểu tượng cho sự miệt mài, cho lòng tận tụy và đức hi sinh của thầy cô giáo nước ta là vì vậy.

Cái sự nhiệt tình ấy luôn đi cùng với nhồi nhét, với trừng phạt, với khổ nhục kế, với khủng bố… Tất cả những cái này đều được “tình yêu thương” chống lưng, người ta nhân danh tình yêu để bắt ép và khống chế học trò.

Trước ngày kiểm tra, để đảm bảo thành tích, giáo viên sẽ giao “đề cương” là những bài tập na ná, thậm chí cho trước đề, hôm sau kiểm tra chỉ việc làm theo, thế là có điểm cao. Con của bạn tôi đi học về kể rằng, cô giáo “giao nhiệm vụ” cho vài bạn học giỏi trong lớp là phải “giúp đỡ” các bạn khác bằng cách chỉ bài cho cả lớp trong giờ thi học kỳ! Tiện hơn nữa là cấy điểm vào. Bảng điểm điện tự vnedu rất tiện, cứ nhập và sửa thoải mái!

Một lớp 45 học sinh mà 44 là học sinh giỏi và chỉ có 1 em là tiên tiến, bởi vì thế.

Ai gây dựng nên nông nỗi này?

Cái thang đánh giá đã bất hợp lý và sai lầm thì nó sẽ kéo cả một chuỗi hệ thống phía sau vận hành một cách méo mó theo, không thể khác được. Ở các nước có nền giáo dục tiến bộ, không ai cho phép công khai điểm học sinh cả, không ai được phép phân loại gián nhãn học sinh là giỏi dốt dựa trên điểm thi cả. Nhưng chúng ta thì cứ điềm nhiên làm cái việc “phản giáo dục” ấy suốt mấy chục năm qua.

Chính nó, cái cách đánh giá chất lượng giáo dục này, đã hủy hoại nền giáo dục một cách có hệ thống. Làm hư hỏng thầy cô, biến nhà trường thành một cỗ máy chạy đua thành tích, khiến học sinh mệt mỏi, trầm cảm và trở nên gian dối.

Quay lại với giáo dục toàn diện. Không phải việc tập trung vào mũi nhọn sẽ làm hỏng phương châm giáo dục toàn diện. Ngược lại, chính nó là cách đi vào bản chất của mục tiêu một cách đúng đắn nhất và nhanh nhất. “Đi sâu vào một thì gặp tất cả”.

Cái sai lầm ở nền giáo dục của ta không phải là tập trung vào mũi nhọn (chuyên) mà là ở cái cách-thức-chuyên ấy. Người ta chuyên là chuyên tư duy, chuyên phản biện, chuyên truy vấn, là theo đuổi đam mê và sở thích, là phát triển năng khiếu…, thì ta lại chuyên… học thuộc để… đi thi lấy giải.

Lối chuyên ấy đã kìm kẹp đầu óc lành mạnh của những em có tố chất, biến học sinh thành những người háo danh và trọng danh hão. Từ đam mê với lĩnh vực mình yêu thích, học sinh dần đánh mất nó, và chỉ còn coi đó là một thứ phương tiện để đạt được những thành tích trên giấy. Đó chính là cách hủy hoại người tài một cách nhanh nhất và triệt để nhất.

Không những thế, sau khi “triệt hạ” lòng hiếu tri ở trẻ, người ta (giáo viên và nhà trường) còn bồi thêm một cú đánh chí mạng nữa: ban phát điểm số các môn khác một cách bất công và gian dối. Thế là cả năng lực và phẩm chất của người học không những không đạt được, mà ngược lại, còn bị hư hoại từ trong trứng nước.

Tóm lại, trường chuyên có những mâu thuẫn nội tại không thể sửa chữa. Nó cần được thay thế. Để phát triển thiên tư và tài năng của những học sinh đặc biệt thì nên thay bằng trường năng khiếu. Ở đó chỉ dạy và học những môn cơ bản, còn lại thì đầu tư tập trung và nhiều nhất vào môn năng khiếu để các em có điều kiện và môi trường mà hoàn thiện, từ đó mà đóng góp thiết thực cho xã hội, chứ không phải chỉ là những cái giải trên giấy để báo cáo thành tích, rồi thôi.