| Hotline: 0983.970.780

Kỷ niệm 50 năm thành lập Trường Đại học Nông Lâm Huế (1967 – 2017):

Trường Đại học Nông Lâm Huế đóng góp cho sự phát triển nền nông nghiệp

Thứ Hai 27/03/2017 , 11:42 (GMT+7)

Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Huế (Trường ĐHNL Huế) tiền thân là Trường Đại học Nông Nghiệp 2, là một trường ĐH đào tạo lĩnh vực Nông - Lâm - Ngư nghiệp hàng đầu trong cả nước...

Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Huế (Trường ĐHNL Huế) tiền thân là Trường Đại học Nông nghiệp 2, là một trường ĐH đào tạo lĩnh vực Nông - Lâm - Ngư nghiệp hàng đầu trong cả nước và có sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật chất lượng cao, nghiên cứu khoa học (NCKH) và chuyển giao công nghệ (CGCN) đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn cho miền Trung, Tây Nguyên và cả nước theo hướng hội nhập khu vực và quốc tế.

Nhà trường thường xuyên tổ chức Ngày hội Việc làm hằng năm để gắn việc làm của SV với các đơn vị sử dụng lao động

Trải qua 50 năm hình thành và phát triển, trường đã có những đóng góp to lớn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng và phát triển nền nông nghiệp và nông thôn đặc biệt trên địa bàn các tỉnh MT và TN.
 

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, Đảng, Chính phủ đã xác định CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng, từng bước đưa Việt Nam đứng vào đội ngũ cường quốc nông nghiệp trên thế giới. Lãnh đạo trường xem đây là thuận lợi và cũng là thách thức trong công tác đào tạo.

Bởi lẽ, ngay từ những ngày đầu thành lập trường đã được giao nhiệm vụ chính là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng phục vụ phát triển kinh tế các vùng nông thôn miền Trung và Tây Nguyên. Ngày nay, nhiệm vụ của nhà trường càng trở nên quan trọng hơn khi các sản phẩm đào tạo của trường phải có đủ năng lực để tìm kiếm chỗ đứng không chỉ trong nước mà còn với quốc tế, đặc biệt trong cộng đồng các nước ASEAN.

Để đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của người học, trường đã không ngừng mở rộng quy mô và đa dạng hóa ngành nghề đào tạo. Từ 3 ngành đào tạo ban đầu đến nay trường có 23 ngành đào tạo bậc ĐH, 10 ngành đào tạo bậc cao học và 5 ngành đào tạo bậc tiến sĩ và đang chờ Quyết định của Bộ GT-ĐT mở mới 3 ngành tiến sĩ là Thú y, BVTV và Thủy sản. Quy mô đào tạo của trường hiện nay là gần 10.000 SV và học viên sau ĐH.

Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của nền nông nghiệp nước nhà, số lượng SV tốt nghiệp hàng năm của một số ngành vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Nhà trường đang vừa phải tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, vừa phải đáp ứng nhu cầu tuyển dụng ngày càng tăng của thị trường lao động.

Hỗ trợ người học khi tốt nghiệp có khả năng tìm kiếm việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo là điểm nổi bật của trường so với các trường ĐH khác trên địa bàn tỉnh TT Huế và khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Trong 5 năm học vừa qua, trường đã triển khai mạnh các chương trình đào tạo theo hướng nâng cao chất lượng, tăng khả năng tìm kiếm việc làm cho người học.
 

Ứng dụng các nghiên cứu vào sản xuất

Nhà trường luôn xác định nhiệm vụ, trách nhiệm với xã hội là phải tham gia giải quyết những vấn đề về KT-XH của địa phương và đất nước, trong đó nhiệm vụ đưa các tiến bộ kỹ thuật (TBKT) vào sản xuất (SX) là một yếu tố rất quan tâm.

PGS.TS. Lê Văn An, Hiệu trưởng Trường ĐHNL Huế: “Trường luôn thực hiện nguyên lý “Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội"

Hiện trường có, 450 cán bộ với 300 giáo viên với 36 GS, PGS và gần 100 tiến sĩ. Với đội ngũ có chất lượng và kinh nghiệm, hoạt động NCKH và phát triển công nghệ có những đóng góp mới cho khoa học, có giá trị ứng dụng. Rất nhiều TBKT đã được chuyển giao thành công vào SX, nhiều mô hình cũng đã được xây dựng và nhân rộng.

Năm vừa qua, trường đã ký kết được các hợp đồng liên kết chuyển giao công nghệ và hợp tác SX cho các công trình nghiên cứu nổi bật như: Chuyển giao kỹ thuật nhân giống cây hồ tiêu sạch bệnh với Cty Cổ phần 1-5 (Huế); nghiên cứu và SX sản phẩm thủy sản với Cty Huetronics (Huế); SX và phát triển sản phẩm sinh học BOKA-TRICHO với Cty Bình Điền – Mêkông, lai tạo và chuyển giao các giống thủy sản cho một số tỉnh miền Trung. Đây đều là những sản phẩm nghiên cứu, những giải pháp đang được áp dụng vào thực tiễn SX và được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao về mặt kinh tế.
 

Hợp tác quốc tế và đóng góp cho nền KHKT thế giới

Hợp tác quốc tế (HTQT) là một nét nổi bật nhất của trường trong suốt hàng chục năm qua. Lãnh đạo nhà trường xem hợp tác quốc tế là tất yếu và quan trọng trong sự phát triển của trường. Bởi thông qua hoạt động này, trường đã khắc phục được khó khăn lớn về cơ sở vật chất, số lượng và chất lượng đội ngũ. Hiện, trường đã có quan hệ hợp tác hiệu quả với hơn 35 tổ chức quốc tế chính trong đó có những đối tác, tổ chức lớn như  WB, ADB, WWF; Đại sứ quán các nước Ai Len, CH Czech… các trường ĐH nổi tiếng như Okayama, Kyoto (Nhật Bản), Wageningen (Hà Lan), Gottingen và Hanover (Đức)…

Trường đã tạo dựng được lòng tin và trở thành địa chỉ hợp tác tin cậy của bạn bè quốc tế quan tâm, đầu tư cho VN trong các lĩnh vực chủ yếu như: Thích ứng biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, giáo dục. Từ chỗ chỉ hợp tác một chiều sang hợp tác hai bên cùng có lợi, cùng nhau xây dựng, đóng góp cho sự tiến bộ KHKT thế giới. Minh chứng cụ thể nhất qua số lượng những bài báo, những công bố trên các tạp chí khoa học uy tín của quốc tế. Chỉ tính riêng trong giai đoạn  2011 - 2015, cán bộ nhà trường đã công bố, xuất bản trên 100 bài báo quốc tế và thực hiện 359 đề tài hợp tác các cấp.
 

Định hướng phát triển

“Trên cơ sở trường vừa được công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục ĐH cấp quốc gia đầu tiên của ĐHH và các trường khối NN, trường sẽ tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nguồn lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước và khu vực trong xu hướng hội nhập khu vực và quốc tế; tiếp tục đầu tư cho NCKH và mở rộng, nâng tầm các mối quan hệ HTQT.

Lễ ký kết hợp đồng SX  và PT sản phẩm sinh học với Cty Bình Điền - Mekông

Từ đó, có thể triển khai có hiệu quả các chương trình KHCN trong sản xuất Nông - Lâm - Ngư nghiệp, quản lý tài nguyên, phát triển nông thôn. Định hướng chiến lược của nhà trường từ nay đến năm 2020, sẽ tiến hành kiểm định cấp quốc gia và cấp khu vực ASEAN 8 - 10 chương trình đào tạo chuẩn, trường sẽ có 8 - 10 sản phẩm được thương mại hóa. Mặt khác, chú trọng phát triển ươm mầm cho những sáng kiến, những nghiên cứu có tính thực tiễn. Song song với đó, đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp, các tổ chức, tiến hành đào tạo, nghiên cứu theo đơn đặt hàng” - PGS.TS Lê Văn An nhấn mạnh.

50 năm xây dựng và phát triển, Trường ĐHNL Huế đã và đang thể hiện được trách nhiệm với xã hội, gắn kết với địa phương, từng bước xây dựng, phát triển nền nông nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển, bắt kịp với nền nông nghiệp thế giới. Góp phần xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an ninh lương thực trước những thách thức của biến đổi khí hậu.

Suốt chặng đường 50 năm qua, Trường ĐHNL Huế vinh dự được trao tặng những phần thưởng cao quý trong đó có 3 Huân chương Độc lập.

Và ngày 31/3 sắp tới, trường sẽ tổ chức kỷ niệm 50 năm thành lập trường, vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất (lần thứ 2) và danh hiệu trường đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục ĐH cấp quốc gia.

 

Xem thêm
Ông Đỗ Thanh Bình làm Bí thư Thành ủy Cần Thơ

Cần Thơ Bộ Chính trị vừa điều động, phân công, chỉ định ông Đỗ Thanh Bình - Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang giữ chức Bí thư Thành ủy Cần Thơ, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

‘Giữ lửa’ làng nghề làm hương truyền thống

Là thế hệ kế cận, tiếp nối nghề làm hương của gia đình, nghệ nhân trẻ Nguyễn Thu Phương luôn trăn trở với những hướng đi mới để phát triển nghề truyền thống.