Truyện cổ Grimm, do hai anh em nhà Grimm là Jacob Ludwig Karl Grimm (1785-1863) và Wilhelm Carl Grimm (1786-1859) cùng viết. Truyện cổ Grimm đến với công chúng Việt Nam qua nhiều bản dịch khác nhau, nhưng không phải ai cũng biết tổng thể về bộ sách cổ tích lừng danh này.
Trước hết, nói về tác giả của Truyện cổ Grimm. Jacob Ludwig Karl Grimm và Wilhelm Carl Grimm là con thứ hai và thứ ba trong một gia đình có chín người con ở Hanau, Hessen (Đức). Sau cái chết đột ngột của người cha vào năm 1796, gia đình lâm vào cảnh túng quẫn, hai anh em phải chuyển đến Kassel, sống nhờ vào tiền trợ cấp của người dì. Họ cùng theo học tại Đại học Marburg với dự định tiếp nối nghiệp luật gia của cha, nhưng mối quan hệ với các trí thức đương thời ở đây đã khiến hai anh em dấn thân vào công cuộc nghiên cứu ngôn ngữ - văn hóa nước Đức, và đạt được nhiều thành tựu.
Mặc dù thành công trong vai trò các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học, nhưng công trình để lại dấu ấn và tên tuổi của hai anh em Grimm là “Kinder-und Hausmärchen”, một tuyển tập sưu tầm truyện cổ dân gian truyền miệng, xuất bản lần đầu năm 1812 và nổi tiếng với tên gọi mà ta vẫn biết đến ngày nay. Đó là một tuyển tập sưu tầm truyện cổ dân gian truyền miệng, xuất bản lần đầu năm 1812 và nổi tiếng với tên gọi “Truyện cổ Grimm” vẫn biết đến ngày nay.
Ngay từ khi ra đời, tập sách “Kinder-und Hausmärchen” (Chuyện kể cho trẻ em và trong gia đình) của hai anh em nhà Grimm đã gây tiếng vang trong cộng đồng các nhà nghiên cứu ở Đức. Suốt 2 thế kỷ qua, cả thế giới tiếp tục đọc “Truyện cổ Grimm” bất kể lứa tuổi và bất kể thời đại. Năm 2005, Truyện cổ Grimm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Kỷ niệm 200 năm ra đời của Truyện cổ Grimm, công ty sách Đông A quyết định ấn hành một bộ sách đầy đủ nhất bằng tiếng Việt, gồm 215 truyện. Trong đó có 211 truyện đúng số lượng và thứ tự theo bản năm 1857, là ấn bản cuối cùng của anh em nhà Grimm trước khi hai ông qua đời (bao gồm 10 truyện thuộc phần “Huyền thoại cho trẻ em”, có tính giáo dục và mang đậm màu sắc tôn giáo). Ngoài ra, còn có 4 truyện xuất hiện trong các ấn bản trước, nhưng về sau đã bị anh em Grimm loại ra do sự tương đồng với các tác phẩm của những nhà văn khác.
Bộ sách Truyện cổ Grimm bản mới, có lời tựa do chính anh em nhà Grimm viết, giúp bạn đọc hình dung bối cảnh ra đời, quá trình hình thành, cũng như nguyên tắc làm việc của các tác giả trong quá trình tạo nên công trình. Đồng thời, công ty sách Đông A cũng bổ sung lời tựa của bản Truyện cổ Grimm xuất bản trong thập niên đầu thế kỷ 20 tại Đức của nhà xuất bản Deutsche Verlags-Anstalt.
Truyện cổ Grimm bản đầy đủ, có sử dụng bản dịch của các dịch giả Hữu Ngọc, Lương Văn Hồng và Ngụy Hữu Tâm. Không chỉ tổng hợp bản dịch, mà những người biên soạn cũng tiến hành đối chiếu với bản dịch tiếng Anh của Dan L. Ashliman và Margaret Hunt để biên tập và hiệu đính theo đúng tinh thần nguyên bản. Bởi lẽ, truyện cổ tích vốn là những chuyện kể “được lưu truyền mà không bị phán xét là hay hay dở, cao nhã hay bình dân”, nhưng Truyện cổ Grimm là “một tài liệu ghi chép về phong tục tập quán” như anh em nhà Grimm chia sẻ.
Bộ sách Truyện cổ Grimm sử dụng những minh họa đầu tiên của hai họa sĩ Philipp Grot Johann (1841-1892) và Robert Leinweber (1845-1921) xuất bản tại Đức. Đây cũng là lần đầu tiên, minh họa của hai họa sĩ tài năng này được giới thiệu đến độc giả Việt Nam, với hầu hết các truyện đều có hình ảnh, giúp người đọc dễ hình dung hơn bối cảnh, nhân vật, trang phục và các vật dụng được miêu tả trong câu chuyện.