| Hotline: 0983.970.780

Truyền thông về chất cấm: Đừng khiến dư luận hoang mang

Thứ Tư 20/01/2016 , 14:27 (GMT+7)

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) - ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, báo chí đã tạo ra những luồng thông tin gây hoang mang dư luận.

Trước thông tin “80% doanh nghiệp TĂCN sử dụng chất cấm” hoặc “80% thức ăn chăn nuôi có dùng chất cấm”… được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian qua, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) - ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, báo chí đã tạo ra những luồng thông tin gây hoang mang dư luận.

Không có chuyện 80% doanh nghiệp TĂCN sử dụng chất cấm

Vị Phó Cục trưởng khẳng định, vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi thời gian vừa qua là rất đáng lo ngại. Tuy nhiên nói “80% doanh nghiệp TĂCN sử dụng chất cấm” là hoàn toàn sai về bản chất.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi

Bởi theo nội dung một số bài viết được đăng tải trên báo chí, từ đầu năm (2015) đến nay Thanh tra Bộ NN-PTNT đã phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49 - Bộ Công an) kiểm tra khoảng 20 doanh nghiệp sản xuất TĂCN và kết quả, 80% doanh nghiệp trong số đó bị phát hiện có sử dụng chất cấm là chất tạo màu vàng ô và chất salbutamol vào sản xuất TĂCN. 

Chúng ta cần biết rằng, nước ta có 236 nhà máy và 30.000 cơ sở sản xuất TĂCN. Trong khi đó, 20 doanh nghiệp sản xuất TĂCN được lực lượng chức năng kiểm tra và phát hiện chất cấm là các trường hợp đã được trinh sát, điều tra hoặc có sự tố giác của quần chúng (tức là đã có dấu hiệu vi phạm).

Bởi vậy, xác xuất tìm ra chất cấm với các đối tượng đã được khoanh vùng này là rất cao. Nếu lấy kết quả đó để quy chiếu ngược lại cho thực trạng sản xuất, kinh doanh và sử dụng TĂCN của cả nước là không đúng. Bởi thực tế có rất nhiều cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi uy tín, quy mô sản xuất lớn, chất lượng sản phẩm tốt.

Ông Dương đánh giá: Trong “cuộc chiến” chống chất cấm, báo chí đã góp công lớn trong việc hình thành làn sóng dư luận, từ đó kêu gọi người tiêu dùng tẩy chay, tố giác các doanh nghiệp, cá nhân sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Tuy nhiên, cần hạn chế những bài viết phiến diện, giật tít câu khách, khiến độc giả hiểu sai về bản chất của sự việc, tạo tâm lý hoang mang khi sử dụng thực phẩm được sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, các đối tác nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi của nước ta nhất là thương lái Trung Quốc cũng theo dõi thông tin về chất cấm rất chặt. Nếu họ đọc được những dòng tít theo kiểu: “80% doanh nghiệp TĂCN sử dụng chất cấm” thì sẽ bất lợi đối với ngành chăn nuôi nước nhà.

Tạo cơ chế ràng buộc trong kiểm soát chất cấm

Theo ông Dương, từ khi triển khai cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp đến nay, 4 Bộ gồm NN-PTNT, Y tế, Công an và Công thương đã phối hợp rất chặt chẽ để kiểm tra, phát hiện và xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh và sử dụng chất cấm. 

"Chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền về trách nhiệm của thương lái, trách nhiệm của chủ các lò mổ trong việc kiểm soát chất cấm. Mặt khác, cần giới thiệu các địa chỉ kinh doanh thực phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh ATTP, có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng để người tiêu dùng tìm đến. Chỉ có như vậy công tác quản lý vệ sinh ATTP mới thực sự hiệu quả." Ông Nguyễn Xuân Dương

Vì vậy hành vi thất đức trên ngày càng được đẩy lùi. Các chế tài xử phạt cũng được sửa đổi, bổ sung để tăng tính răn đe. Tuy nhiên, nếu chúng ta làm quyết liệt thì may ra đến năm 2020 người dân Việt Nam mới cơ bản được sử dụng thực phẩm an toàn.

Ông Dương giải thích, năm 2003, ở Thái Lan, đích thân nhà vua đã phát động “cuộc chiến” chống chất cấm trong chăn nuôi, có sự tham gia của 4 ngành: Công an, Nông nghiệp, Y tế và Công thương. Cùng với xử phạt vi phạm hành chính, hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Nhưng phải mất 5 năm sau, nước bạn mới cơ bản kiểm soát được.

Nhưng ở Thái Lan quy mô chăn nuôi lớn là chính, chăn nuôi nhỏ lẻ rất ít. Còn nước ta, theo thống kê năm 2011, cả nước có 7,9 triệu hộ chăn nuôi gia cầm và 4,3 triệu hộ chăn nuôi lợn (cả nước Đan Mạch chỉ có 35.000 hộ nuôi lợn).

Vậy chúng ta làm sao đủ cảnh sát, làm sao đủ cán bộ thanh tra, thú y để làm việc này? Chúng ta không thể dàn quân ra từng nhà để mai phục bắt quả tang những hành vi đưa chất cấm vào TĂCN.

Để giải bài toán này, cần tạo ra một cơ chế ràng buộc lẫn nhau trong việc kiểm soát chất cấm. Ví dụ, chủ các lò mổ phải ký hợp đồng với thương lái cung cấp lợn. Nếu phát hiện có chất cấm, thương lái phải chịu hoàn toàn chi phí xử phạt từ cơ quan chức năng. Để tránh bị thiệt thòi, các thương lái thu gom lợn sẽ chủ động giám sát người chăn nuôi để có thể nhập được nguồn thực phẩm sạch.

MINH PHÚC (ghi)

Xem thêm
Trà Vinh chốt phương án tinh gọn bộ máy và tên gọi khi sáp nhập

Trà Vinh Ngày 27/12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và chốt phương án tinh gọn bộ máy và tên gọi khi sáp nhập.

Ông Lại Thế Nguyên nêu vấn đề 'căn cốt' để phát triển nông nghiệp Thanh Hóa

Năm 2024, dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất do thiên tai liên tiếp xảy ra, nhưng ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa vẫn gặt hái được nhiều thành quả đáng ghi nhận.

Mức sinh ở Việt Nam giảm 3 năm liên tiếp, dự báo tiếp tục giảm

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết 3 năm liên tiếp mức sinh ở Việt Nam giảm với tốc độ nhanh chóng, đây là mức thấp nhất trong lịch sử.