| Hotline: 0983.970.780

Mức sinh ở Việt Nam giảm 3 năm liên tiếp, dự báo tiếp tục giảm

Thứ Sáu 27/12/2024 , 21:19 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết 3 năm liên tiếp mức sinh ở Việt Nam giảm với tốc độ nhanh chóng, đây là mức thấp nhất trong lịch sử.

Tại hội nghị tổng kết công tác dân số năm 2024 diễn ra ngày 27/12, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết 3 năm liên tiếp mức sinh ở Việt Nam liên tục giảm với tốc độ nhanh chóng. Cụ thể, mức sinh trên toàn quốc giảm từ 2,11 con/phụ nữ (2021) xuống 2,01 con/phụ nữ (2022), 1,96 con/phụ nữ (2023), và năm 2024 là 1,91 con/phụ nữ, theo ước tính của Bộ Y tế.

“Đây là mức thấp nhất trong lịch sử và được dự báo là sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo”, bà Liên Hương cho biết.

Ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Dân số, chia sẻ rằng năm 2024 (Giáp Thìn), dù là năm đẹp, mức sinh vẫn tiếp tục giảm. Ông Hoàng nhấn mạnh mối liên quan giữa trình độ học vấn, hoàn cảnh kinh tế và mức sinh.

Thống kê năm 2023 cho thấy người nghèo có mức sinh trung bình 2,4 con, cao hơn so với người giàu (2 con) và người có mức sống khá hoặc trung bình (2,03-2,07 con). Phụ nữ trình độ học vấn dưới tiểu học sinh trung bình 2,35 con, trong khi người trình độ trên THPT chỉ sinh 1,98 con.

Phụ nữ thành thị thường có xu hướng sinh con muộn và ít hơn phụ nữ nông thôn. Tỷ suất sinh cao nhất ở thành thị là nhóm 25 - 29 tuổi với 127 trẻ/1.000 phụ nữ, trong khi tại nông thôn, con số này là 147 trẻ/1.000 phụ nữ trong nhóm tuổi 20 - 24. Hơn 20 năm qua, mức sinh tại thành thị luôn thấp hơn mức sinh thay thế, đặc biệt khu vực Đông Nam Bộ hiện ghi nhận mức thấp nhất cả nước.

Theo các chuyên gia, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam đã giảm nhưng vẫn duy trì ở mức cao, dự kiến năm 2024 đạt 112 trẻ trai/100 trẻ gái. Đồng thời, vấn đề nâng cao chất lượng dân số vẫn chưa được giải quyết đồng bộ và hiệu quả để thích ứng với tình trạng già hóa dân số. Dù tuổi thọ trung bình đã tăng cao, số năm sống khỏe mạnh của người dân vẫn còn hạn chế.

Hệ quả của mức sinh thấp ngày càng rõ rệt khi dân số già hóa nhanh chóng, kéo theo chi phí xã hội, y tế và an sinh tăng mạnh, đồng thời gây thiếu hụt lao động và suy giảm nguồn lực kinh tế. Nếu duy trì mức sinh thấp hiện nay, Việt Nam có nguy cơ tăng trưởng dân số âm trong vòng 35 năm tới. Dự báo đến năm 2069, cứ 2 trẻ em sẽ có 3 người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên, đặt ra thách thức lớn cho hệ thống an sinh và nguồn nhân lực quốc gia.

Trong khi đó, tuổi kết hôn trung bình lần đầu tại Việt Nam đang thay đổi theo hướng kết hôn muộn hơn. Tăng từ 24,1 tuổi (năm 1999) lên 25,2 tuổi (2019). Đến năm 2023, tuổi kết hôn lần đầu tiếp tục tăng thêm 2 tuổi và hiện là 27,2 tuổi. Với nam giới, tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 29,3 và nữ giới là 25,1.

Năm 2025, công tác dân số đặt ra chỉ tiêu kế hoạch về tuổi thọ trung bình (tính từ lúc sinh) là 74,6 tuổi; tỷ số giới tính của trẻ em mới sinh 111 bé trai/100 bé gái; tổng tỷ suất sinh là 2,1 con/phụ nữ.

Năm tới, Việt Nam phấn đấu giảm tỷ số giới tính khi sinh 0,2 điểm % so với năm 2024; điều chỉnh mức sinh (0,3‰ so với năm 2024. Hơn 5 triệu người mới sử dụng biên pháp tránh thai hiện đại trong năm 2025. 50% tỷ lệ phụ nữ mang thai được tầm soát (sàng lọc trước sinh) đủ 4 bệnh (Down, Edward, Patau, Thalassemia).

Xem thêm
Trà Vinh chốt phương án tinh gọn bộ máy và tên gọi khi sáp nhập

Trà Vinh Ngày 27/12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và chốt phương án tinh gọn bộ máy và tên gọi khi sáp nhập.

Phú Yên mong được hỗ trợ trong các dự án phát triển thủy sản bền vững

Dự án Khu nuôi trồng thủy sản công nghệ cao tại thị xã Sông Cầu và nâng cấp cảng cá Đông Tác là bước tiến giúp Phú Yên phát triển thủy sản bền vững.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.