| Hotline: 0983.970.780

Truyền thông về xâm hại tình dục trẻ em: Bảo vệ nạn nhân là trên hết!

Thứ Năm 20/12/2018 , 09:09 (GMT+7)

Nguồn tin của Báo NNVN cho biết, một số nam sinh “tố” thầy hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Thanh Sơn (Phú Thọ) xâm hại tình dục đang cảm thấy bất an và lo lắng khi những dấu hiệu nhận dạng của mình được đăng, phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng...

18-25-59_xmhitinhduc-2
PGS, TS Đỗ Thu Hằng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền)

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Đỗ Thu Hằng, người có nhiều năm đứng lớp giảng dạy môn Tâm lý học báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) lưu ý, các thông tin về xâm hại tình dục trẻ em ở môi trường học đường thường tạo ra làn sóng dư luận cực kỳ khủng khiếp.

Nếu để lộ danh tính, các em có nguy cơ đối mặt với rất nhiều tình huống xấu. Bởi đây là lứa tuổi chưa trưởng thành và ổn định về mặt tâm sinh lý. Khi truyền thông về đề tài này, nhất định không được để lộ danh tính hoặc chi tiết nào dù nhỏ nhất, để các đối tượng liên quan (thầy cô giáo, chính quyền địa phương, người thân, bạn bè nạn nhân và những người liên quan…) có thể nhận ra.

Đối với báo in, để bảo vệ danh tính nạn nhân, chúng ta chỉ cần giấu tên, tuổi, địa chỉ và những dữ liệu thông tin có thể truy xuất về nhân thân của các nạn nhân. Thậm chí, có nhiều bài báo tác giả không sử dụng hình ảnh nạn nhân (kể cả ảnh đã được che mờ khuôn mặt), thay vào đó là ảnh minh họa.

Nhưng với truyền hình và báo chí đa phương tiện, nhất là các loại hình thông tin đại chúng sử dụng video, clip, nếu thông tin được truyền phát có nguy cơ cao gây ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ nhỏ, thì ngoài việc che mờ khuôn mặt, trang phục, giấu danh tính và những chi tiết nhận dạng trên cơ thể nạn nhân, nhà báo cần xử lý kỹ thuật “bóp méo giọng” để… người gần gũi nhất với nhân vật trong câu chuyện cũng không thể nhận ra.

Việc lựa chọn thông tin về đời tư của nạn nhân cũng phải thực hiện hết sức cẩn trọng. Bởi rất có thể, một kỷ niệm nào đó trong câu chuyện các em kể trên báo chí sẽ là “con đường” dẫn đến những đối tượng có mục đích xấu, ác ý.

Trong sự vụ ở Phú Thọ, thời điểm này, các nhà báo nên viết bài với mục đích chuyển tải thông điệp: “Báo chí đang giám sát thái độ, cách ứng xử của nhà trường với các nạn nhân”. Mục đích của những bài báo về đề tài này là lật tẩy mặt nạ của những kẻ phạm tội và cảnh báo xã hội. Nhưng, sẽ chẳng có nghĩa lý gì khi chính những nạn nhân trong câu chuyện ngày càng lún sâu vào những biểu hiện tâm lý tiêu cực.

Sợ nhất là các em bị trả thù, bị trù dập ở môi trường học đường và xã hội. Bởi vậy, cần phải làm sao để thầy cô trong nhà trường quan tâm và đảm bảo sự an toàn cho các em.

Riêng với môi trường học tập nội trú ở vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện khó khăn, khi vòng tay của phụ huynh học sinh không đủ rộng để bao bọc con em mình, thầy cô quan trọng như cha mẹ. Bởi vậy, cần quy trách nhiệm đảm bảo an toàn của các em cho các thầy cô giáo của trường.

PGS.TS Đỗ Thu Hằng cũng đồng tình với quan điểm của nhà báo Anh Tuấn (Trung tâm tin tức VTV24, Đài Truyền hình Việt Nam) - người thực hiện phóng sự điều tra thầy hiệu trưởng Đinh Bằng My xâm hại tình dục nhiều nam sinh về việc các cơ quan chức năng, nhất là ngành Giáo dục – Đào tạo cần phát ngôn cẩn trọng về các vụ việc xâm hại tình dục ở học đường, tránh để độc giả hiểu lầm rằng ngành giáo dục có ý bao che, giảm nhẹ các các vấn đề tiêu cực xảy ra ở địa phương mình.

Cụ thể, trong báo cáo gửi Bộ GD-ĐT ngày 17/12/2018 về vụ án xảy ra tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Thanh Sơn, Sở GD-ĐT viết: “Khi có thông tin về việc ông Đinh Bằng My có hành vi không chuẩn mực với một số nam sinh của nhà trường, lãnh đạo Sở đã cùng lãnh đạo UBND huyện, Phòng GD-ĐT Thanh Sơn nắm bắt sự việc. Đồng thời Sở GD-ĐT Phú Thọ đã phối hợp với UBND huyện Thanh Sơn giao cho cơ quan chức năng xem xét xác minh xử lý nghiêm vụ việc (nếu có vi phạm đạo đức nhà giáo)”.

18-25-59_xmhitinhduc-1
Ông Đinh Bằng My bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về về hành vi dâm ô nam học sinh

Việc gọi hành vi dâm ô (hoặc ấu dâm) của giáo viên đối với học sinh là “hành vi không chuẩn mực” chưa lột tả đúng bản chất của vấn đề. Bởi “hành vi thiếu chuẩn mực” liên quan đến phạm trù đạo đức. Còn dâm ô (hoặc ấu dâm) liên quan đến phạm trù pháp lý. Cần phải coi dâm ô (hoặc ấu dâm) là hành vi phạm tội.  Dư luận có thể đặt dấu hỏi: “Phải chăng cơ quan quản lý giáo dục ở Phú thọ có dấu hiệu xảo ngôn để trốn tránh trách nhiệm?”.

Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, trong vụ án xảy ra ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn (Phú Thọ), cơ quan điều tra cần xác định rõ một số tình tiết.

Nếu ông Đinh Bằng My chỉ có hành vi sờ mó bộ phận sinh dục hoặc dụ dỗ, ép các nam sinh sờ mó, cọ xát vào bộ phận sinh dục của mình, thì đã phạm vào tội dâm ô với người chưa đủ 16 tuổi. Hình phạt tội này có thể lên đến 7 năm tù, tình tiết tăng nặng là phạm tội nhiều lần hoặc phạm tội với nhiều người, quy định tại Điều 146 Bộ luật Hình sự 2015.

Còn nếu nghi can đã thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với các nam sinh chưa đủ 16 tuổi (quan hệ tình dục bằng miệng hoặc qua hậu môn...) nhằm thỏa mãn sinh lý, thì hành vi này có dấu hiệu tội giao cấu với người chưa đủ 16 tuổi. Theo luật sư Cường, mức án tù với tội danh này có thể lên tới 10 năm, quy định tại Điều 145 Bộ luật Hình sự 2015.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất