| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 24/11/2015 , 06:35 (GMT+7)

06:35 - 24/11/2015

'Tư duy nhiệm kỳ' và những mẻ 'lưới vét'

Mấy năm gần đây, cụm từ “tư duy nhiệm kỳ” đã xuất hiện, và càng ngày càng được xã hội nhắc đến nhiều.

Kể cả các đại biểu Quốc hội đang ngồi trong nghị trường kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa XIII này, cũng lên tiếng báo động về thứ tư duy này. Vậy “tư duy nhiệm kỳ” là gì vậy?

Đó chính là những suy nghĩ của những người lãnh đạo một địa phương hay của một bộ, ngành, biết chắc mình chỉ còn làm việc được trong vòng một nhiệm kỳ nữa là phải “hạ cánh”, do tuổi tác hay do luật định.

Bằng thứ tư duy này, họ chỉ suy nghĩ và loay hoay với những việc làm trong nhiệm kỳ của mình, việc dễ thì làm, việc khó, việc cấp bách của địa phương thì né tránh, để chờ người của nhiệm kỳ sau giải quyết.

Họ chỉ cốt giữ sao cho an toàn cái ghế của mình, mà thiếu hẳn những tư duy có tính chất chiến lược, lâu dài, nhằm làm cho địa phương của mình phát triển bền vững.

Chính thứ tư duy này đã khiến cho nền kinh tế và các lĩnh vực văn hóa, xã hội… của địa phương trở thành vụn vặt, chắp vá, luẩn quẩn.

Thậm chí không ít địa phương, bằng thứ tư duy này, người đương nhiệm đã “bày ra cả một đống rác”, như lời của một đại biểu Quốc hội, khiến người sau phải toát mồ hôi mà dọn. Đến khi dọn xong cái “đống rác” đó, thì đã sắp hết nhiệm kỳ rồi.

Có những “đống rác” thậm chí nhiều nhiệm kỳ tiếp theo vẫn chưa dọn xong, như “đại công trường xây dựng” một thời của một tỉnh miền núi phía Bắc chẳng hạn.

Với những người có thứ “tư duy nhiệm kỳ” này, trong nhiệm kỳ đã tìm cách vơ vét. Và càng cuối nhiệm kỳ, họ càng vơ vét khỏe, vơ vét bất cứ thứ gì trước khi không còn quyền chức nữa.

Nào đi nước ngoài “nghiên cứu, học tập” bằng tiền ngân sách; nào ký vội ký vàng những dự án thu hồi đất, cho thuê đất, trị giá cả trăm tỷ ngàn tỷ; nào đề bạt hàng loạt cán bộ, ban ghế cho thuộc cấp…

Như ông Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, trước lúc hạ cánh 2 tháng, đã đề bạt tới 60 cán bộ trong cơ quan mình, thậm chí một ngày trước khi hạ cánh đã đề bạt, bổ nhiệm đến 22 cán bộ.

Hay ông Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Rum, trước ngày về hưu đã ký đề bạt, bổ nhiệm tới 30 cán bộ cấp phòng và tương đương, chẳng hạn.

Những việc làm đó của họ nhằm mục đích gì? Dư luận cho rằng họ làm thế chỉ để nhận tiền hoa hồng hay tiền đút lót. Không ai “bắt tận tay, day tận trán” được những khoản hoa hồng hay đút lót đó.

Nhưng “không có lửa, làm sao có khói?”. Cứ ký bừa, cứ đề bạt bừa đi, nói như Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc là “trách nhiệm thì tập thể, còn quyền lợi thì cá nhân. Trách nhiệm chung, nhưng tài khoản là tài khoản riêng”.

Bức xúc trước những biểu hiện này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến đã thẳng thắn đề nghị Thanh tra Chính phủ cần ra những quy định: Trước lúc về hưu 3 tháng hay 6 tháng, cấm những cán bộ có thẩm quyền ký bổ nhiệm, đề bạt cán bộ. Những việc đó để cho người sau người ta làm. Đồng thời cấm những cán bộ trên không được ký những dự án đầu tư với tiền ngân sách từ 10 tỷ trở lên.

Những đề nghị trên của Đại biểu Lê Như Tiến là có căn cứ và có trách nhiệm, đồng thời cũng phản ánh thứ tư duy này đã ăn sâu, đã lan rộng như thế nào trong đội ngũ những người lãnh đạo.