| Hotline: 0983.970.780

Tự hào vì Festival lúa gạo trên đất Hậu Giang

Thứ Hai 11/12/2023 , 13:23 (GMT+7)

Mỗi người một vẻ, nhưng tựu trung là nụ cười hồn hậu của người dân miền Tây khi được đón bạn bè trong nước và quốc tế.

Ngày 11/12/2023.

Buổi sáng hôm nay đặc biệt hơn thường lệ.

Quang Phúc, 4 tuổi, không chờ ba má gọi, mà choàng dậy đúng 6 giờ. Gần 7 giờ, bé có mặt ở trường Mầm non Hoa Anh Đào, tập trung theo các cô, các bạn tới thăm Con đường lúa gạo dọc kênh Xáng Xà No.

Sớm nay, Bộ NN-PTNT cùng UBND tỉnh Hậu Giang khai mạc Con đường lúa gạo. Con đường dài mấy trăm mét, là không gian triển lãm, giới thiệu hành trình ngàn năm lúa gạo Việt, từ giai đoạn sơ khai cho đến giai đoạn hưng thịnh và phát triển không ngừng của gạo Việt.

Quang Phúc (ngồi giữa) cùng các bạn.

Quang Phúc (ngồi giữa) cùng các bạn.

Ở đó, có những hình ảnh thân thuộc, gắn bó với bao thế hệ người dân Việt Nam, nhưng lại xa lạ với các cháu như Quang Phúc.

“Con không ngờ con trâu nó lớn vậy. Nhìn trên tivi, con cứ nghĩ nó chỉ bằng quả bóng”, Phúc cười giòn tan rồi trỏ về phía những mô hình mà Ban tổ chức Festival lúa gạo quốc tế 2023 đã dày công sắp đặt.

Cô Cẩm Tiên dẫn các em nhỏ khám phá Con đường lúa gạo. Ảnh: Thanh Thủy.

Cô Cẩm Tiên dẫn các em nhỏ khám phá Con đường lúa gạo. Ảnh: Thanh Thủy.

Nụ cười của cậu học sinh 4 tuổi cũng là niềm vui cho những cô giáo như Cẩm Tiên. 23 tuổi trăng tròn, nhưng đây mới là lần đầu cô dẫn các cháu đi một đoạn đường xa như vậy trong một buổi trải nghiệm thực tế.

“Xe dừng từ đoạn Bản đồ Việt Nam được ghép từ giống lúa. Bọn em đi cùng các cháu vào đây. Hơi mệt xíu nhưng vui lắm”, Cẩm Tiên vừa lau những giọt mồ hôi đang lấm tấm trên má vừa nói.

Bài liên quan

Giống nhiều thế hệ trẻ của TP Vị Thanh, Cẩm Tiên hiếm khi nhìn thấy những con trâu, hạt gạo ngoài thực tế. Tất cả chỉ xuất hiện trên truyền hình, hoặc trong những câu chuyện kể của ông bà, ba má từ thuở xưa.

Thảng hoặc, cô có về thăm những cánh đồng thẳng cánh cò bay ở quê hương - huyện Châu Thành A. Tình yêu với cây lúa, hạt gạo quê hương, vì thế, như một mạch ngầm chảy trong huyết quản. Và khi thấy những hạt ngọc hiện hữu nơi phố thị, cảm xúc của Cẩm Tiên dâng trào.

“Em vui lắm. Không ngờ lại có ngày Hậu Giang tổ chức một buổi lễ lớn về hạt gạo như thế này”, cô bày tỏ.

Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới trở thành quốc gia tiên phong trong sản xuất lúa chất lượng, giảm phát thải, phát triển theo hướng xanh và bền vững gắn với Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.

Cảm hứng ấy lan tỏa đến từng con người Hậu Giang. Trong buổi sáng 11/12, không chỉ có cô trò trường Mầm non Hoa Anh Đào đến chiêm ngưỡng Con đường lúa gạo, mà còn có những người nông dân trực tiếp góp công, góp của để thực hiện tác phẩm này.

Con đường lúa gạo dọc kênh Xáng Xà No nằm trong khuôn khổ Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023. Ảnh: Tùng Đinh.

Con đường lúa gạo dọc kênh Xáng Xà No nằm trong khuôn khổ Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Trần Văn Triệu ở TP Vị Thanh cho biết, ông đã trồng 10.000 chậu lúa để phục vụ cho Con đường lúa gạo. Ông chia sẻ: “Đây là vinh dự của bản thân tôi khi góp phần đem hình ảnh cây lúa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế”.

Thông qua Festival, ông Triệu mong muốn hình ảnh lúa gạo Việt Nam sẽ vươn tầm thế giới, thu hút được sự quan tâm. Từ đó, lúa gạo Việt Nam sẽ có được đầu ra ổn định, giá thành luôn ở mức cao để người nông dân ngày thêm phấn khởi.

Xuất phát từ sớm để thăm thú Con đường lúa gạo, ông Phan Văn Vui ở phường 3, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang chia sẻ, ông rất xúc động khi nhìn lại những dụng cụ làm lúa truyền thống của ông cha để lại được trưng bày tại triển lãm. Ông cho rằng việc trình diễn đồ đập lúa, xay lúa, tuốt lúa... thô sơ mang ý nghĩa mạnh mẽ về mặt văn hóa, giúp thế hệ sau có thể hình dung về câu chuyện lúa gạo thời xưa, đặc biệt trong thời đại công nghệ mới, tất cả các khâu sản xuất gạo đã được cơ giới hóa.

Là một người con của vùng đất Hậu Giang, ông Vui bày tỏ sự vui mừng khi lần đầu tiên tại Hậu Giang, Festival lúa gạo tầm cỡ quốc tế được tổ chức, với nhiều chương trình thú vị để người dân địa phương có thể hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa của vùng đất nông nghiệp trù phú này...

Xem thêm
Bầu bổ sung 4 Ủy viên Bộ Chính trị khóa 13

Trung ương bầu bổ sung ông Lê Minh Hưng, Đỗ Văn Chiến, Nguyễn Trọng Nghĩa và bà Bùi Thị Minh Hoài vào Bộ Chính trị.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Cần có các giải pháp tiếp cận thị trường nông sản tổng quan hơn'

Đây là ý kiến kết luận của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Trưởng Ban Chỉ đạo chất lượng, ATTP và phát triển thị trường, tại phiên họp lần thứ nhất của ban.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dự án hơn 200 tỷ đồng bị hư hỏng phần kè do thi công ẩu

Hạng mục công trình kè biển chắn sóng chạy dọc đường ven biển huyện Hoằng Hóa chưa bàn giao đã xuống cấp. Nguyên nhân do chất lượng công trình không đảm bảo.