Từ xưa, dân ta đã có câu “dĩ nông vi bản”, nghĩa là lấy nông nghiệp làm gốc, làm cơ sở. “Phi nông bất ổn”, điều ấy gắn liền với “phi trí bất hưng”, “phi công bất phú”, “phi thương bất hoạt” trong quan điểm của nhà bác học Lê Quý Đôn khi bàn về quy luật thịnh suy của một quốc gia. Tạm hiểu là "không có nông nghiệp thì đất nước không ổn định, không có trí thức thì đất nước không hưng thịnh, không có công nghiệp thì đất nước không thể giàu, không có thương mại thì xã hội không hoạt động”.
Quan điểm coi trọng vai trò của nông nghiệp đối với sự phát triển đất nước càng được thể hiện rõ nét và tập trung trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Theo Người, cần phải lấy canh nông là gốc của nền kinh tế, người nông dân và lĩnh vực nông nghiệp là một điểm tựa quan trọng, cội nguồn của sự giàu mạnh, phát triển của quốc gia, dân tộc.
Nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đã nêu bật những thành tựu to lớn của toàn Đảng, toàn dân ta sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, đồng thời, khẳng định vị trí quan trọng của nông nghiệp: “Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế”. Điều này cho thấy vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của nông nghiệp trong chiến lược phát triển bền vững đất nước.
Xuyên suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, nền nông nghiệp nước nhà luôn khẳng định vai trò “trụ đỡ” quan trọng. Kinh nghiệm từ lần khủng hoảng nặng nề nhất ở Việt Nam cuối thập kỷ 1980 cho thấy không phải nhờ trợ cấp Nhà nước mà chính sách Khoán 10 đã mở đường thoát cho nông dân và nhờ đó phát triển sản xuất nông nghiệp, đưa cả nước khỏi nỗi lo đói ăn, tạo đà đột phá mở ra kỷ nguyên đổi mới cho cả nền kinh tế.
Theo nhiều chuyên gia và nhà nghiên cứu, nhìn lại xa hơn về lịch sử, các chính sách khoan sức cho dân và phát động tinh thần yêu nước cũng là giải pháp thần kỳ giúp tăng sản lượng lương thực gấp đôi và xây dựng mới nền tài chính chỉ sau 1 năm, đưa Việt Nam thoát khỏi nạn đói khủng khiếp năm 1945, vươn lên xây dựng nền kinh tế mới; miền Bắc bị tàn phá sau chiến tranh năm 1954, chính sách chia đất cho nông dân, mở đường cho doanh nhân kinh doanh sau 3 năm đã giúp kinh tế phục hồi, vượt mức cao nhất thời Pháp năm 1939. Vấn đề mấu chốt ở đây chính là huy động được nội lực của đất nước, kết hợp phục hồi kinh tế sau khủng hoảng trước mắt phải gắn với xây dựng mô hình tăng trưởng lâu dài, mà trong đó nông nghiệp phải thực sự được coi trọng và có chiến lược phù hợp, đúng đắn.
Vai trò là “trụ đỡ” nền kinh tế của nông nghiệp đã và đang ngày càng được khẳng định trong thực tiễn phát triển đất nước. Nông nghiệp đang bảo đảm sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn; chiếm 30% lực lượng lao động cả nước và chiếm tỷ trọng gần 12% GDP. Từ một nước kém phát triển về nông nghiệp, phải nhập khẩu lương thực, đến nay Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu nông - lâm - thủy sản hàng đầu thế giới.
Những năm gần đây, nông nghiệp ngày càng chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, năng suất và chất lượng ngày càng cao; bảo đảm lương thực, thực phẩm cho khoảng 100 triệu dân và tăng mạnh xuất khẩu. Trong giai đoạn từ 2008 đến 2020, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt 3,01%/năm, quy mô GDP (theo quy mô điều chỉnh, tính giá so sánh) toàn ngành tăng gấp 1,4 lần. Năng suất lao động nông nghiệp đạt 55,9 triệu đồng/người (gấp hơn 4 lần so với năm 2008).
Quy mô xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng bình quân 8,01%/năm; năm 2020 đạt 42,34 tỷ USD; năm 2021 đạt 48,6 tỷ USD; năm 2022, mặc dù toàn thế giới tăng trưởng âm, nhưng kim ngạch xuất khẩu nông sản vẫn đạt trên 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021. Đáng chú ý năm 2022 có 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm tiêu biểu đạt kim ngạch xuất khẩu trên trên 3 tỷ USD như gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, cà phê, gạo, cao su và rau quả...
Hiện nay, nông sản của Việt Nam có mặt ở 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đó là kết quả từ sự phát triển của nông nghiệp công nghệ cao, nhiều tiến bộ khoa học được áp dụng, cho ra nhiều sản phẩm chất lượng cao và xuất khẩu.