Vào cuối năm 2020, toàn bộ 10 xã trên địa bàn thị xã Ba Đồn đều đã được công nhân cán đích NTM và hiện một số địa phương đang phấn đấu xây dựng NTM nâng cao. Từ đó đến nay, cùng với diện mạo ngày càng khang trang của cơ sở hạ tầng, đời sống của người dân cũng đang từng bước khởi sắc đi lên. Đã có nhiều khu vườn mẫu đạt tiêu chí trong nhiệm vụ thực hiện xã NTM nâng cao như góp phần tạo nên bức tranh giàu có, trù phú và hướng đến xanh, sạch, đẹp.
Phong trào cải tạo vườn tạp xây dựng vườn mẫu không chỉ tạo cảnh quan mà đó còn là một mô hình kinh tế cho thu nhập cao của hộ gia đình. Ông Đoàn Minh Thọ, Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn cho hay, hiện TX Ba Đồn có 20 hộ đăng ký tham gia xây dựng vườn mẫu, mỗi vườn có diện tích từ 500 - 3.000m2.
"Việc xây dựng vườn mẫu không chỉ giúp các địa phương trên địa bàn hoàn thành tiêu chí trong chương trình xây dựng NTM, mà còn góp phần quan trọng thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, xây dựng môi trường”, ông Đoàn Minh Thọ nhấn mạnh.
Cũng theo ông Đoàn Minh Thọ, Ba Đồn đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích các hộ dân đủ điều kiện đăng ký tham gia thực hiện cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các mô hình vườn mẫu, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. “Chúng tôi cũng chỉ đạo các cơ quan tích cực hỗ trợ kết nối với các ngành, doanh nghiệp liên quan xây dựng thương hiệu cho những sản phẩm đặc trưng của địa phương để nâng cao giá trị, đưa các sản phẩm từ vườn mẫu của nông dân tiêu thụ ở các cửa hàng thương mại, siêu thị trong và ngoài địa bàn”, ông Thọ nói thêm.
Khi chúng tôi về xã Quảng Tiên, một địa phương có địa thế ở vùng bán sơn địa. Hỏi vườn mẫu thì ai cũng giới thiệu gia đình ông Cao Ngọc Cường ở thôn Tiên Sơn. Khu vườn nhà ông Cường rộng trên 3.000m2 vốn trước đây trồng các loại cây tạp. Cây mọc lên từ hạt ông cũng để vậy cho nó lên nên hoa trái cũng chẳng được mấy. Do đây là vùng đất gò đồi, đất chỗ cao, chỗ thấp lại cằn cỗi nên phần lớn diện tích để hoang cho cỏ dại mọc. Về sau, ông Cường quyết tâm cải tạo đất, trồng thử một số loại cây ăn quả. Buổi đầu, do không quy hoạch, tiện đâu trồng đấy nên cây cối rậm rạp khiến việc chăm sóc khó khăn, không mang lại hiệu quả kinh tế.
Sau khi đăng ký xây dựng vườn mẫu, ông Cường chia mãnh vườn thành từng khoảnh để trồng các loại cây ăn qủa giống tốt, phù hợp thỗ nhưỡng đất đồi như bưởi, cam, chanh, mít, ổi… Trên vườn cũng có khoảnh trồng các loại cây ngắn ngày, như ngô, lạc, đậu… “Toàn bộ khu vườn mẫu được đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt, dẫn nước đến tận từng gốc cây. Nhờ vậy mà việc chăm sóc cây thuận tiện và đạt hiệu quả cao hơn”, ông Cường hồ hởi giới thiệu..
Sau khi vườn cây ăn quả khép tán, ông Cường phát triển chăn nuôi dưới tán cây. Ông nuôi bò, lợn, gà, ngan… để tận dụng các loại thức ăn có sẵn từ vườn. Nhờ sự đổi mới tư duy sản xuất, sử dụng cây trồng, vật nuôi phù hợp nên hiệu quả kinh tế từ vườn mang lại khá lớn. Hai, ba năm gần đây, mỗi năm thu nhập từ vườn cũng lãi được hơn trăm triệu đồng.
Dám nghĩ, dám làm nên khu vườn của ông đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện mỗi năm, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi trên 300 triệu đồng.
Khác với vườn mẫu vùng gò đồi của ông Cường, vườn mẫu gia đình bà Cao Thị Vừng (xã Quảng Hải), lại thiên về rau củ quả. Quảng Hải là vùng đất bãi bồi ven sông Gianh nên phù hợp với việc chuyên canh rau xanh. Với mảnh đất rộng hơn 600m2, bà Vừng cải tạo thành nhiều khoảnh cho các loại rau màu khác nhau. Ở trên là những giàn bầu, giàn mướp, giàn bí…, phía dưới sàn là những loại rau xanh như rau cải, rau má, rau mồng tơi... Vườn rau nhà bà hầu như cho thu hoạch quanh năm.