Sau khi nhận được đơn, PV đã về xác minh thông tin.
Trong đơn bà Dương Bạch Yến cho biết, bà và 14 hộ dân khác tại đội 2, thôn Ngọc Động được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp theo Luật Đất đai năm 2013.
Năm 2001, thực hiện chính sách nhà nước và sự thỏa thuận với HTX Dịch vụ nông nghiệp thôn Ngọc Động, bà Yến và 14 hộ dân có giao đất ruộng cho HTX quản lí và sử dụng trong thời hạn 10 năm (đến năm 2011).
Hết thời hạn trên bà Yến có yêu cầu HTX Dịch vụ nông nghiệp thôn Ngọc Động trả lại quyền sử dụng đất nêu trên. Tuy nhiên HTX vẫn chưa trả (?).
Năm 2015, thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa, bà Yến và 14 hộ dân đã được UBND xã Hoàng Đông giao cho các thửa đất khác. Song do bà Yến và các hộ không có nhu cầu canh tác nên việc phân chia ruộng vẫn nằm trên giấy tờ mà chưa bàn giao, cắm mốc cụ thể ngoài thực địa.
Đến tháng 4/2015, thửa đất của bà Yến và 14 hộ dân khác bị một số cá nhân thuê và sử dụng máy xúc, đào ao, phá vỡ mặt bằng đất trồng lúa. Qua tìm hiểu bà Yến mới hay Ban Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Ngọc Động tự ý giao khu đồng ruộng trên cho các cá nhân thuê để đào ao thả cả, nuôi bò và trồng hoa.
Bất bình trước việc làm này, bà Dương Hoàng Yến đã làm đơn gửi lên UBND xã Hoàng Đông, UBND huyện Duy Tiên, UBND tỉnh Hà Nam đề nghị xử lí, giải quyết. Song từ giữa năm 2015 đến nay các cấp ngành của tỉnh Hà Nam đều có công văn chuyển về đơn vị cấp cuối cùng là UBND xã Hoàng Đông yêu cầu giải quyết và báo cáo vụ việc.
Từ lá đơn cũng như qua làm việc trực tiếp với bà Dương Hoàng Yến, PV đã tìm gặp các bên có liên quan để tìm hiểu làm rõ sự việc này.
Ông Phạm Xuân Quỳnh, Trưởng thôn Ngọc Động chia sẻ, số diện tích đất lúa của bà Yến và 14 hộ dân đang xảy ra tranh chấp thuộc đội 2 thôn Ngọc Động. Trước đây, diện tích này gần như bỏ hoang do không có người làm vì thôn chỉ còn các ông bà cao tuổi ở nhà. Từ đó, các hộ dân ủy quyền cho HTX Dịch vụ nông nghiệp Ngọc Động cho thuê hoặc thầu để cấy hết diện tích của xã.
Trước đây việc HTX Dịch vụ nông nghiệp Ngọc Động cho các tổ chức, cá nhân thầu để cấy lúa và hoa màu không ai có ý kiến gì. Chỉ đến khi có dự án đào ao thả cá, trồng hoa, nuôi bò rồi máy móc về múc ruộng, bà con nông dân mới tá hỏa đi kiện đòi lại đất vì sợ mất ruộng. Từ đây, vụ việc ngày càng trở nên rối rắm và phức tạp hơn.
Trao đổi với PV, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Ngọc Động, ông Nguyễn Quang Ánh thừa nhận việc HTX tự ý đem ruộng của bà Yến và các hộ dân cho người khác thuê là sai cả về luật, lý và tình.
Ông Ánh phân trần rằng, do việc trồng lúa những năm gần đây không còn hiệu quả và người dân không còn mặn mà với động ruộng nên các ông bà già tại thôn Ngọc Động đem gửi HTX quản lí hộ ruộng hơn chục năm nay. Đến năm 2015, thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa, bà Dương Hoàng Yến và 14 hộ dân được phân một mảnh ruộng khác có trích lục rải thửa trong bản đồ rõ ràng.
Tuy nhiên, thay vì tiến hành họp các hộ dân để xin ý kiến về việc tiến hành bàn giao ruộng hay tiếp tục cho thuê, ông Ánh lại tự ý đem ruộng của bà Yến và 14 hộ dân này đem cho một người trong thôn thuê làm mô hình VAC.
Từ câu chuyện sai phạm hậu dồn điền đổi thửa tại xã Hoàng Đông là bài học kinh nghiệm xương máu cho các địa phương khác. Bởi thực tế hiện có rất nhiều địa phương trồng lúa không hiệu quả đành bỏ hoang ruộng. Nếu các cơ quan chức năng buông lỏng quản lí hoặc “ngầm ủng hộ các dự án chưa được quy hoạch và cấp phép”, khi xảy ra khiếu kiện tranh chấp sẽ vô cùng phức tạp. Bởi vừa gây thiệt hại cho các nhà đầu tư vừa tạo dư luận xấu, gây mất đoàn kết, thậm chí mất cả cán bộ. |
Đến khi đơn vị thuê ruộng đem máy móc về đào ao, bà con nông dân vô cùng ngỡ ngàng nên ùn ùn kéo đến nhà trưởng thôn và HTX để đòi lại thửa ruộng của mình. Tuy nhiên, lúc này sự việc trở thành “chuyện đã rồi” khi ruộng không còn nữa mà đã trở thành ao.
Nhận thấy việc làm của mình sai trái, ông Nguyễn Quang Ánh và đơn vị nhận thầu ruộng đã chủ động tới xin lỗi bà Yến và những hộ dân khác và đề nghị được ký hợp đồng thuê đất trực tiếp với bà con với thời hạn 3 năm với mức nhận khoán là 50kg thóc/sào/năm và được hầu hết các hộ dân đồng ý. Tuy nhiên, ngay sau khi nhận tiền, ngay hôm sau không biết vì lí do gì bà Yến và các hộ dân thay đổi quyết định đòi trả lại tiền và lấy lại ruộng.
Từ đây, giữa hai bên xảy ra lời qua tiếng lại khiến sự việc ngày càng trở nên phức tạp và căng thẳng hơn với một bên quyết tâm đi kiện đến cùng và một bên phải tạm dừng mọi hoạt động sản xuất sau khi bỏ không ít tiền của vào đầu tư cơ sở hạ tầng.
Vậy, tại sao một vụ việc nghiêm trọng như vậy mà cho đến thời điểm này chưa được xã Hoàng Đông xử lí dứt điểm? PV đến UBND xã và gặp Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Trọng được ông xác nhận, mô hình cá - lúa đang triển khai trên diện tích đất nông nghiệp liên quan tới hộ bà Dương Hoàng Yến và 14 hộ dân thực tế do một người dân tại xã là ông Nguyễn Thế Ích đưa về và giao cho em trai ông Ích đứng tên làm. Khi nhận được đơn kiến nghị của người dân, UBND xã đã mời các bên liên quan đến và đình chỉ việc thi công của đơn vị.
Hiện nay, UBND xã đang đốc thúc phía HTX Dịch vụ nông nghiệp Ngọc Động và phía đơn vị thầu ruộng san lấp trả lại mặt bằng và trao trả lại ruộng cho người dân.
PV tới khu cánh đồng của bà Dương Hoàng Yến và 14 hộ dân thôn Ngọc Đông nhìn thấy một khu ruộng đã được đắp bờ bao cao gần 1 m2 với mênh mông biển nước. Việc trả lại mặt bằng ruộng như trước cho người dân với các đơn vị liên quan không phải là chuyện dễ dàng.