Trong thư gửi tới phiên khai mạc sáng ngày 16/9 của "Tuần lễ ngành Nước Việt Nam - Úc 2021", Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nêu rõ những khó khăn thách thức an ninh phi truyền thống như môi trường suy thoái, biến đổi khí hậu và đặc biệt là đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, gây tổn thất to lớn cho nền kinh tế cũng như đời sống xã hội của người dân.
"Tuần lễ ngành Nước Việt Nam - Úc 2021" với chủ đề "An toàn Cấp nước – Hướng tới sự phát triển bền vững", do Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA) và Hội Nước Úc (AWA) đồng tổ chức trực tuyến từ ngày 15/9 đến hết 17/9, được Chính phủ Úc, Cơ quan Hợp tác ngành nước Úc (AWP) tài trợ và Bộ Xây dựng Việt Nam bảo trợ.
Sự kiện này quy tụ hơn 370 thành viên của VWSA và hàng trăm doanh nghiệp tại Úc, tập hợp 22 bài tham luận từ các diễn giả Việt Nam và 18 bài của diễn giả quốc tế tại năm diễn đàn: Lãnh đạo Trẻ ngành nước; Đại dịch Covid và Kế hoạch thích ứng; An toàn cấp nước cho phát triển bền vững: Chính sách và quy định; Tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia vào ngành nước; Đổi mới sáng tạo để đạt được an toàn cấp nước.
"Tôi mong rằng kết quả của Tuần lễ ngành Nước Việt Nam - Úc là những kinh nghiệm quý báu trong quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, chia sẻ công nghệ mới, các sáng kiến đề xuất khung chính sách, các giải pháp cho phát triển bền vững sẽ được tham khảo lựa chọn đưa vào các chính sách trong thời gian tới," ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch VWSA, phát biểu.
Sau lễ khai mạc, Diễn đàn "An toàn cấp nước cho phát triển bền vững: chính sách và an toàn cấp nước" điểm lại kết quả đạt được trên 30 năm phát triển ngành cấp thoát nước Việt Nam, đánh giá quan hệ hợp tác Việt Nam–Úc trong phát triển ngành nước, xác định nhu cầu hợp tác trong tương lai với Úc và định hướng chính sách của ngành nước.
Diễn đàn đã nghe Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch VWSA, điểm lại các thành tựu và bài học trong quá trình phát triển ngành nước ở Việt Nam trong 30 năm qua, cũng như nghe chia sẻ của Tiến sĩ Jane Doolan thuộc Ban Cố vấn Chính phủ Úc về các chính sách thúc đẩy, cơ chế thực hiện an toàn nước và định hướng tương lai cải cách ngành nước của quốc gia này.
Trong vòng 20 năm gần đây Việt Nam đã phát triển nhanh về kinh tế, nhờ đó mang lại các lợi ích về mặt xã hội, Phó Đại sứ Mark Tattersall nói trong phần đánh giá quan hệ hợp tác Úc - Việt Nam.
Ông cho rằng, bên cạnh nhiều thành tích đạt được, các thách thức cho tương lai ngành nước Việt Nam cũng ngày trở nên rõ hơn, như chuyển đổi năng lượng, cung cấp đủ nước cho các nhu cầu sử dụng có yếu tố cạnh tranh, bao gồm thủy điện, nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt của người dân.
Liên quan đến vấn đề thủy điện trên sông Mekong, ông Tattersall nói Úc tài trợ phần vốn chính hỗ trợ Ủy ban Sông Mekong để quảng bá và hỗ trợ hợp tác trong khu vực về tài nguyên nước xuyên biên giới.
Trình bày tại diễn đàn, các diễn giả từ Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề cập đến công tác quản lý rủi ro trong điều kiện tác động của Biến đổi khí hậu, các giải pháp cũng như định hướng chính sách trong đảm bảo cấp nước an toàn ở đô thị và nông thôn, cũng như trong quy hoạch tài nguyên nước.
Sau đó, tại diễn đàn "Tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia vào ngành nước" chiều 16/9, các diễn giả trong nước và quốc tế đánh giá tiến trình cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp ngành nước ở Việt Nam cũng như việc vận hành định giá và qui định trong ngành nước tại Úc.
Việt Nam bắt đầu CPH các doanh nghiệp cấp nước từ năm 2005, tới 2017-2018 đã có 101 doanh nghiệp CPH trong tổng số 111 doanh nghiệp cấp nước nhà nước, tỷ lệ bình quân vốn nhà nước còn 75%, đặc biệt xuất hiện công ty cấp nước tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài tham gia một số công ty cổ phần, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, cho biết.
Tuy nhiên, tháng 8 năm 2021, qua đánh giá thực tiễn và xét tính chất quan trọng của mặt hàng đặc biệt là nước sạch đối với sinh hoạt và sản xuẩt, Chính phủ tạm dừng thoái vốn tại các doanh nghiệp cấp nước và điều chỉnh là Nhà nước sẽ nắm giữ 50% vốn điều lệ trong lĩnh vực khai thác, sản xuất và cung cấp nước sạch, ông Thỏa nói.
"Chính sách thiếu nhất quán, liên tục thay đổi trong nhiều năm đã tạo áp lực cho doanh nghiệp," ông Thỏa nói. Ông đưa ra một số đề xuất về thể chế, công nghệ và vốn đầu tư, trong đó đề nghị nhà nước giữ sở hữu từ 30-35%, tối đa dưới 50%.
Do ảnh hưởng của đại dịch, năm diễn đàn ban đầu dự kiến tổ chức tại hội trường ở Hà Nội đã được chuyển thành diễn đàn trực tuyến để đảm bảo an toàn mùa dịch trong khi vẫn đáp ứng được yêu cầu của Ban Tổ chức về thời gian và tính cấp bánh của chủ đề xuyên suốt.
Triển lãm Thương mại Trực tuyến, thuộc chương trình của "Tuần lễ ngành Nước Việt Nam - Úc 2021", đã thu hút gần 40 doanh nghiệp Úc và Việt Nam tham gia. Triển lãm giới thiệu những cải tiến mới nhất trong công nghệ cấp thoát nước, quan trắc và giám sát chất lượng nước cũng như các phương thức tiên tiến trong quản lý tài sản và chống thất thoát thất thu nước.