"Chỉ huy" tưới vườn qua smartphone
Anh Thái Vinh Quang sinh ra và lớn lên ở mảnh đất nghèo kiệt đúng kiểu “chó ăn đá gà ăn sỏi” xã Sơn Mai (nay là xã Kim Hoa), huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Ngày anh theo cha mẹ vào khai khẩn mảnh đất thôn Tân Hoa, cả mấy quả đồi là rừng tự nhiên nghèo kiệt. Bố mẹ anh phải phát lau lách, giang nứa nhiều ngày liền mới dựng được căn nhà trên đỉnh đồi để an cư. Lúc bấy giờ, cả gia đình sống nhờ vào mấy sào ruộng và “chiến lợi phẩm” từ đi săn, thu hái rau củ quả trên rừng. Cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.
Năm 1990, sau khi thực hiện xóa bỏ cơ chế bao cấp, người dân Hương Sơn nói riêng, xã Kim Hoa nói chung bắt đầu tăng gia sản xuất, đầu tư trồng cây ăn quả có múi để bán tại các chợ địa phương.
“Khi đó chủ yếu trồng cam bù và chanh, sau này phát triển thêm cam chanh. Từ năm 2000 trở đi, Hương Sơn ồ ạt trồng cây ăn quả có múi. Riêng gia đình tôi bén duyên cây cam từ năm 2004 đến 2011 thì phủ kín toàn bộ 3ha đất”, anh Quang chia sẻ.
Quá trình sản xuất truyền thống, do địa hình đồi núi, dốc cao nên công đoạn bón phân, tưới nước rất gian nan. Hơn nữa, đặc thù thời tiết ở Hà Tĩnh thường gặp hạn hán vào mùa hè, trong khi cây ăn quả có múi cần nhất là nước nên việc tưới thủ công gần như chỉ để cứu cây không bị chết, còn việc gia tăng năng suất, chất lượng là điều không tưởng.
Tháng 6/2021, thông qua chính sách hỗ trợ của tỉnh Hà Tĩnh, anh Quang với vai trò là trưởng thôn, hộ sản xuất, đã tiên phong thực hiện thí điểm mô hình lắp đặt trạm giám sát nông nghiệp thông minh trên diện tích vườn cam 3ha.
Mô hình được hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới châm phân dinh dưỡng, đo độ pH, đo dinh dưỡng trong đất; dự báo thời tiết vùng; đo lượng gió, mưa; hệ thống cập nhật tự động tưới; hệ thống giám sát an ninh (gồm 2 camera, đèn cảnh báo, còi) và 1 trang website bán hàng, với tổng trị giá hơn 380 triệu đồng.
Gia đình anh Quang đối ứng lắp đặt, mua sắm thêm hệ thống bồn chứa, máy bơm, đường ống dẫn nước; hệ thống điện; internet; nhà trạm, trị giá gần 100 triệu đồng.
Sau khi hoàn thiện hạ tầng, kỹ thuật, anh Quang được đơn vị cung ứng công nghệ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật vận hành. Bước đầu, anh gặp không ít khó khăn trong việc vận hành hệ thống máy móc trên điện thoại smartphone.
“Do vấn đề tuổi tác nên phải mất cả tháng trời học hỏi, mày mò tôi mới vận hành thông thạo tất cả các thiết bị. Đến bây giờ, tôi khẳng định các công nghệ này đã thay thế hoàn toàn con người, hoạt động rất hiệu quả, thiết thực”, anh Thái Vinh Quang nói.
Nhờ hệ thống thiết bị tưới tự động, không chỉ giúp anh Quang đỡ tốn công lao động, mà còn tiết kiệm được rất lớn chi phí sản xuất.
Ví dụ, trước đây tưới thủ công phải mua sắm máy nổ, đường ống cỡ lớn giống hệ thống phòng cháy chữa cháy, sau đó thuê 4 lao động, tưới trong vòng 3 đêm. Tính ra mỗi đợt tưới như vậy riêng tiền thuê nhân công đã ngót nghét 6 triệu đồng, cộng với tiền điện 3 đêm hết khoảng 1,5 triệu đồng.
Còn bây giờ, anh Quang chỉ bằng một thao tác trên điện thoại đã tưới được toàn bộ cho 3ha cam chỉ trong vòng 4 giờ đồng hồ, với chi phí khoảng 100 ngàn đồng tiền điện.
“Ngoài tiết kiệm chi phí, trạm giám sát còn có thiết bị cảnh báo thừa – thiếu nước để người sản xuất điều chỉnh lưu lượng, thời gian tưới. Nói dễ hiểu hơn, trước đây từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch người dân tưới nước chủ yếu để cứu cây không bị chết còn bây giờ đưa công nghệ vào, công đoạn tưới là để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế”, anh Quang nói thêm.
Tăng sản lượng 25 - 30%
Thời điểm này, vườn cam của anh Quang đang ở giai đoạn phát triển quả non. Mặc dù đang giữa mùa hè miền Trung bỏng rát, nhưng vào vườn cam cảm thấy mát rượi, từ cây cam tới thảm cỏ ở vườn đều xanh mướt mắt, những quả cam căng tròn, chứ không còn bị cháy rám, teo tóp do thiếu nước như trước đây. Toàn bộ diện tích cam của anh Quang đều đã được gắn hệ thống tưới tiết kiệm tự động dưới gốc cây.
Tại trạm giám sát đặt trên đỉnh đồi, anh Quang theo dõi thường xuyên độ pH và dinh dưỡng trong đất. Khi độ pH tụt, anh dựa vào cẩm nang hướng dẫn kỹ thuật để bón bổ sung vôi. Hoặc khi thiếu dinh dưỡng, anh châm thêm “bữa ăn phụ” cho đất.
“Sau khi áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, sản lượng cam của gia đình tôi tăng từ 25 - 30% so với trước. Đặc biệt, quả cam đồng đều hơn, to hơn, mọng quả, chất lượng ngọt hơn”, anh Quang đánh giá.
Nhật ký sản xuất của trang trại này cũng ghi rõ, tổng sản lượng năm 2021 đạt gần 40 tấn, trong khi trước đó chỉ thu được gần 30 tấn. Tính ra với sản lượng tăng 10 tấn, bán với giá 25.000 đồng/kg, gia đình anh Quang thu lãi tăng thêm hơn 250 triệu đồng/năm.
Theo anh Thái Vinh Quang, chi phí đầu tư trạm giám sát nông nghiệp thông minh tuy lớn, song hiệu quả mà nó mang lại cũng “đáng đồng tiền bát gạo”. Với xu thế phát triển hiện nay, việc tiến tới sản xuất quy mô lớn, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ nhằm giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng là xu thế tất yếu để phát triển bền vững.
“Mặc dù diện tích sản xuất của chúng tôi nhỏ nhưng để bảo vệ môi trường, tăng tuổi thọ cho vườn cây, sắp tới tôi sẽ đăng ký Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); đồng thời học hỏi kinh nghiệm hướng đến mô hình nông nghiệp tuần hoàn, hạn chế sử dụng thuốc BVTV và phân bón vô cơ”, anh Quang chia sẻ thêm.
Đánh giá hiệu quả mô hình trạm giám sát nông nghiệp thông minh, ông Trần Huy Oánh, Chánh văn phòng Điều phối chương trình Nông thôn mới Hà Tĩnh khẳng định: “Kinh tế số là cái mới và khó, tuy nhiên đó là xu hướng tất yếu. Bước đầu, mô hình thí điểm tại hộ ông Quang thu kết quả rất khả quan.
Việc lắp đặt trạm không chỉ định hướng được sản xuất, dự báo thời tiết, dinh dưỡng, độ ẩm cho đất mà máy móc còn thay con người làm việc, giải phóng sức lao động, tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích”.
Theo ông Oánh, các địa phương, đặc biệt là người sản xuất cần nhân rộng mô hình này. Tất nhiên, do chi phí đầu tư khá lớn nên trước mắt có thể mở rộng trong khối cây ăn quả, sau đó là rau củ quả rồi đến các lĩnh vực khác.
Ông Phan Xuân Đức, Phó Phòng Nông nghiệp huyện Hương Sơn cho biết, toàn huyện đã phát triển được hơn 2.200ha cam, trong đó cam bù 1.200ha, tập trung nhiều ở 2 xã Kim Hoa và Sơn Trường. Tổng sản lượng bình quân hàng năm khoảng 10.000 tấn.
Chủ trương lắp đặt trạm giám sát nông nghiệp thông minh trên cây ăn quả có múi là rất cần thiết. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư lớn nên ngân sách huyện khó có thể kham. Địa phương mong muốn tỉnh sẽ có chính sách riêng để hỗ trợ bà con nhân rộng mô hình này.