“Đừng trông chờ vào nguồn vốn Bộ giao”
Không thể phủ nhận những đóng góp to lớn của Ban Quản lý Trung ương các dự án Thủy lợi (CPO Thủy lợi) trong giai đoạn vừa qua trong việc thu hút nguồn lực và quản lý các dự án ODA trong lĩnh vực thủy lợi và phòng chống thiên tai.
Một ví vụ để chứng minh, trong giai đoạn 2011 - 2020, Ban CPO Thủy lợi được Bộ NN-PTNT giao quản lý các dự án vay vốn ODA với tổng số vốn 2,3 tỷ USD (tương đương khoảng 46.000 tỷ đồng) hỗ trợ xây dựng nhiều công trình thủy lợi quan trọng ở các vùng miền trên cả nước, vừa phục vụ phát triển nông nghiệp, đời sống dân sinh và cung cấp nước cho sản xuất công nghiệp như vùng đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ (dự án ADB5, WB7, JICA2...).
Đồng thời, giảm thiểu rủi ro thiên tai cho khu vực miền Trung như xây dựng, kiên cố đê sông, đê biển, cảng tránh trú bão, an toàn hồ chứa (WB5, WB8); xây dựng hạ tầng cơ sở cho ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (WB6, WB9, GMS1...), dự án sửa chữa và nâng cao an toàn hồ đập - WB8 tại 34 tỉnh, thành phố.
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2021 - 2025 nguồn vốn ODA sẽ giảm đáng kể do các tổ chức đa phương như Ngân hàng Thế giới (WB) dừng cung cấp nguồn vốn IDA từ ngày 1/7/2017 và Ngân hàng Phát triển Châu Á dừng cung cấp nguồn vốn ADF từ ngày 1/1/2019.
Ở trong nước, theo quy định của Luật Quản lý nợ công, Luật Đầu tư công thì Bộ NN-PTNT chỉ được đề xuất dự án đầu tư thuộc nhiệm vụ chi của Bộ NN-PTNT.
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 của CPO Thủy lợi, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đã đặt câu hỏi: “Tương lai của CPO Thủy lợi nằm ở đâu?” và chính ông cũng hé mở những hướng đi quan trọng.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, hiện nay CPO Thủy lợi chưa đa dạng hóa hình thức hoạt động để ổn định bền vững, mà vẫn là loay hoay với các dự án ODA.
“Năm ngoái, tôi nói rằng trong tương lai, mỗi cán bộ CPO phải là một chuyên gia, chứ đừng trông chờ vào nguồn vốn Bộ giao, phải “đánh trận vòng ngoài”, tư vấn cho các địa phương lập dự án ODA để gia tăng nguồn thu”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Ông cũng cho rằng, nếu chỉ vì 21 xuất lương biên chế mà không mở rộng các dịch vụ thì đó là sai lầm về tư duy, cần phải nghiên cứu lại.
Hiện nay, mới chỉ có 2 dự án vay vốn được trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt với tổng vốn khoản 300 triệu USD, còn các dự án khác vẫn đang trong giai đoạn xin ý kiến các bộ, ngành. Nếu chỉ quản lý các dự án với tổng nguồn vốn 300 - 500 triệu USD thì rất khó đảm bảo thu nhập cho hơn 100 cán bộ, công nhân viên và người lao động của CPO Thủy lợi trong 5 năm tới (2021 - 2025).
"Tránh tình trạng có dự án thì làm, không có thì nghỉ"
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, trong năm 2021 và những năm tiếp theo, CPO Thủy lợi cần đặt mục tiêu trọng tâm vào việc chuẩn bị cho các dự án sử dụng vốn vay; khắc phục những hạn chế với vai trò là chủ đầu tư dự án; phải chuyên nghiệp hóa từ việc tổ chức đấu thầu; ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý điều hành. Đặc biệt, CPO Thủy lợi phải xây dựng được thương hiệu của mình, tránh tình trạng "có dự án thì làm, không có thì nghỉ".
Để làm được điều đó, CPO cần tiếp tục xây dựng đội ngũ có chuyên môn nghiệp vụ giỏi.
“Tôi đánh giá cao CPO Thủy lợi trong năm 2020 đã cử hơn 100 lượt cán bộ đi học các lớp thi chứng chỉ và nâng cao nghiệp vụ chuyên môn”, Thứ trưởng Hiệp nói.
Năm 2020, Bộ NN-PTNT phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước và các văn bản điều chuyển vốn, tổng vốn kế hoạch giao trực tiếp qua Bộ NN-PTNT qua CPO Thủy lợi là gần 1.577 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn vay là 1.239 tỷ đồng, vốn đối ứng Trung ương là gần 338 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lũy kế giá trị giải ngân vốn năm 2020 của CPO Thủy lợi mới chỉ đạt khoảng 72% kế hoạch. Nguyên nhân được Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ ra là do chậm trễ trong khâu chấm thầu dự án KEXIM1 nên chưa thể trao thầu cho các nhà thầu.
Ông Phạm Đình Văn, Trưởng Ban CPO Thủy lợi cho biết, Ban CPO sẽ khắc phục những tồn trong năm 2020 và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp trong năm 2021 với mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch Bộ NN-PTNT giao.
Trả lương chuyên gia nước ngoài 20.000 USD/tháng là quá cao
Đối với ý kiến của đại diện Thanh tra Bộ NN-PTNT liên quan đến việc các dự án vay vốn ODA chi trả tiền lương cho chuyên gia nước ngoài quá cao, 20.000 USD/tháng (trong khi lương của chuyên gia trong nước lại rất thấp), ông Phạm Đình Văn cho biết, Ban CPO đang lấy ý kiến về mức lương trần cho chuyên gia nước ngoài và tham khảo các nhà tài trợ, phấn đấu trong 6 tháng đầu năm 2021 sẽ trình Bộ NN-PTNT phê duyệt mức lương trần cho chuyên gia nước ngoài.